Nơi quê hương Bà Chúa Xứ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/12/2011 | 10:18:46 AM

YBĐT - Đến Châu Đốc mùa nước nổi, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản như rắn, cá linh chiên, tôm xào bông điền điển. Xa rồi mà dư vị chua chua, cay cay, ngòn ngọt của tô bún cá rưới nước lèo với bao cảnh sắc nên thơ còn gợi mãi nhớ về Châu Đốc.

 Lời bài hát “Châu Đốc lý Nàng Ơi” của tác giả Trương Quang Tuấn “Anh về thăm Châu Đốc quê hương Nàng/ Lúa thơm bạt ngàn, hương đất phù sa/ Mùa vía Bà người đông như hội/ Áo mới gọi mời, thương nắng tháng tư/ Qua cột tiên lưu luyến con đò/ Núi Sam hẹn hò đôi lứa mùa trăng” cứ vương vấn trong lòng. Nhân chuyến vãng du đồng bằng sông Cửu Long, tôi bon thẳng về Châu Đốc. Chín chục ki lô mét từ Hà Tiên sang, con đường nhựa cứ thẳng theo kênh Vĩnh Tế.

Nghe nói nhiều về công trình thủy lợi có tác dụng rửa phèn, thoát lũ từ sông Hậu sang vịnh Thái Lan do Thoại Ngọc Hầu chủ trương và tập hợp dân lưu tán Quảng Nam, Quảng Ngãi đào nên hôm nay mới mục sở thị. Kênh rộng như một dòng sông nhỏ, chục cây số lại có những nhánh đâm xuyên vào cánh đồng thẳng cánh cò bay, trông giống như hình cái xương cá vậy. Dạo này đang vụ thu hoạch, hai bên bờ thóc đóng bao chất ngất thành đụn lớn. Dưới lòng kênh tàu thuyền đi lại tấp nập, chủ yếu chở thóc về nhà máy xay xát, chở vật tư cho sản xuất và xây dựng, các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân. Càng đi càng khâm phục cái chí bậc tiền nhân hết lòng vì dân, vì nước.

Thị xã miền Tây của tỉnh An Giang nằm trên bờ sông Hậu, cận kề với biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia. Lịch sử hình thành và phát triển đã lắm thăng trầm. Giới thiệu về quê hương mình, nhà thơ Lê Thanh My - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật thị xã Châu Đốc cho biết: Kể từ khi được công nhận là đô thị loại III vào năm 2007, Châu Đốc đang chỉnh trang bộ mặt đô thị phấn đấu đến năm 2012 sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Khắp 7 xã, phường, nhà cửa mọc lên san sát với kiến trúc đẹp mà hiện đại. Cùng tuyến đường vành đai và quốc lộ 91 chạy qua, thị xã đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nội đô, nâng cấp và nối dài các tuyến đường trong trung tâm.

Kết cấu hạ tầng tốt sẽ là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, mở mang du lịch. Châu Đốc có khu danh thắng núi Sam được coi là điểm hấp dẫn khách thăm quan. Tuy chỉ cao gần 300m so với mặt nước biển song nằm ở vùng đồng bằng nên núi Sam cùng các ngọn núi khác vùngThất Sơn của tỉnh An Giang là những điểm nhấn tạo nên cảnh quantự nhiên rất thơ mộng. Ở đây có nhiều di tích văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia như: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang và miếu Bà Chúa Xứ. Đặc biệt miếu Bà Chúa Xứ là một di tích nổi tiếng, hằng năm thu hút hàng triệu lượt người đến thăm quan, chiêm bái.

Về miếu Bà Chúa Xứ, trong dân gian tương truyền rằng: Cách đây gần 200 năm, núi Sam còn hoang vu, cây cối rậm rạp, nhiều thú dữ, dân cư thưa thớt, giặc ngoài biên giới thường xuyên đến quấy nhiễu. Một lần có toán giặc Xiêm leo lên núi Sam, phát hiện được pho tượng cổ bằng đá rất đẹp. Động lòng tham, chúng tìm cách lấy về nhưng không thể nào xê dịch được. Sau hàng giờ vất vả, chúng tức giận đập phá làm gãy cánh tay trái pho tượng. Lúc chúng bỏ đi, trong làng có bé gái đang đùa giỡn bỗng dưng ngồi lại, đầu lắc lư và tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu. Bé gái nói với các bô lão: “Tượng Bà đang ngự trên núi bị giặc Xiêm phá hại, hãy đưa Bà xuống”. Dân làng kéo nhau lên núi, họ xúm nhau khiêng tượng về làng để giữ gìn và phụng thờ. Cho dù bao nhiêu tráng đinh được huy động nhưng không làm sao nhấc tượng lên được. Các cụ bô lão bàn nhau chắc là chưa trúng ý Bà nên cử người cầu khấn. Quả nhiên bé gái nọ lại được Bà mách bảo: “Hãy chọn chín cô gái đồng trinh để đưa Bà hạ sơn”. Mừng rỡ, làng chọn chín thiếu nữ trẻ đẹp lên núi, xin phép Bà được đưa tượng xuống. Lạ lùng thay, chín cô gái khiêng tượng Bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng trở nên nặng khác thường, các cô phải đặt xuống đất và rồi không thể nhấc lên nổi nữa. Hiểu Bà muốn ngự nơi đây nên dân làng xin đài âm dương, được chấp thuận liền lập miếu thờ. Hôm đó là ngày 24 tháng Tư (Âm lịch) nên họ lấy ngày này làm lễ Vía Bà. Lúc đầu, miếu Bà chỉ đơn sơ bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu miếu khang trang hơn.

Đến năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông. Mái cong nhiều tầng lợp ngói xanh, tường ốp gạch men bóng, các khung cửa bằng gỗ quí chạm trổ hoa văn công phu. Chính điện cao rộng, vừa uy nghi vừa ấm cúng. Tượng Bà tạc bằng đá đỏ, có từ thế kỷ thứ VI, dáng tượng thần Vít - Nu mà ta thường thấy nhiều trong các đền thờ Ấn Độ giáo. Tượng đặt giữa chánh điện, đội mũ sặc sỡ, áo bào thêu rồng phượng bằng chỉ kim tuyến lấp lánh. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia.

Theo truyền thống, người ta tổ chức lễ rước kiệu Bà và diễn lại tích theo trình tự từ khi được báo mộng đến lúc tọa lạc tại đền. Riêng lễ tắm Bà vào lúc 0 giờ rạng ngày 24 tháng Tư (Âm lịch) thường thu hút hàng ngàn người đến dự. Mọi người cho rằng được chiêm ngưỡng Bà sau nghi lễ tẩy trần là một điều may mắn suốt năm. Đến Châu Đốc mùa nước nổi, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản như rắn, cá linh chiên, tôm xào bông điền điển. Xa rồi mà dư vị chua chua, cay cay, ngòn ngọt của tô bún cá rưới nước lèo với bao cảnh sắc nên thơ còn gợi mãi nhớ về Châu Đốc.

Nam Hà 

Các tin khác
Thành nhà Hồ.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức trưng cầu ý kiến của các cơ quan báo chí trong nước về các sự kiện nổi bật của ngành văn hóa, thể thao, du lịch... trong năm 2011.

Động Hua Mạ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nằm trên lưng chừng núi, bên trong có nhiều nhũ đá đẹp được hình thành tự nhiên qua hàng triệu năm với những dáng vẻ sinh động, hấp dẫn.

Ảnh minh họa

Lễ hội đèn lồng đã khai mạc tại Công viên di sản văn hóa Phi vật thể ở tỉnh An Huy - phía đông Trung Quốc với 60 triệu chiếc đèn lồng rực rỡ, nhiều kiểu dáng, mẫu mã đặc sắc, độc đáo đã thu hút hàng vạn khách tham quan.

Từ năm 2005, Chùa Rối đã có sư cô Thích Đàm Hợi trụ trì.

Tọa lạc dưới chân một quả đồi hình bát úp rợp bóng cổ thụ tại thôn 2 Trấn Ninh xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, Di tích lịch sử văn hóa đền, chùa Rối không chỉ được biết đến bởi sự linh nghiệm trong việc cầu bình an, cầu mưa, cầu chữa lành bệnh tật..., mà ngôi đền nhỏ bé này còn cất giấu một tích xưa huyền bí.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục