Chợ quê hé mở tiềm năng

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/12/2011 | 10:07:14 AM

YBĐT - Mỗi dịp tổ chức lễ hội hồ Thác Bà thì hình ảnh phiên chợ quê truyền thống từ xa xưa của người dân các dân tộc vùng này lại được ban tổ chức chú ý tái hiện. Đây là hình thức phổ biến nét sinh hoạt và giao lưu thương mại mang tính đặc thù trong vùng nhưng nó cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá du khách có cơ hội tìm hiểu bộ mặt kinh tế, xã hội ở nơi đây.

Các bà mẹ người Dao vừa bán thuốc nam ở chợ quê vừa trao đổi với nhau những vị thuốc hay, những bài thuốc quý.
Các bà mẹ người Dao vừa bán thuốc nam ở chợ quê vừa trao đổi với nhau những vị thuốc hay, những bài thuốc quý.

Là người từng được dự cả phiên chợ quê trong Lễ hội "Khám phá Thác Bà" năm 2010 và phiên chợ trong Lễ hội "Âm vang Hồ Thác" năm 2011", cho dù quy mô có khác nhau nhưng cơ bản hình ảnh phiên chợ quê ở vùng Đông Hồ đã đạt được mục đích mà Ban tổ chức đặt ra. Tại phiên chợ này, chúng tôi lại được thấy hình ảnh phổ biến của những phiên chợ từ mấy chục năm về trước, đó là hình ảnh các bà mế người dân tộc mang những gùi thuốc nam đến ngồi bán ở chợ phiên.

Hình ảnh những bác nông dân mang những đồ đan lát cùng tre, nứa, giang, tế, mây, ra ngồi đan rọ tôm, rổ rá, thúng mủng, nơm, đó và bán ngay tại chợ. Những quán quà quê có bánh dày, gạo nếp lẫn khoai sọ tím, bánh nẳng, bánh chưng gù của người Tày, Nùng, bánh chim gâu của người Dao và bánh tro của người Cao Lan... lúc nào cũng đông đúc người đến thưởng thức tại chỗ hoặc mua để làm quà. Tuy nhiên, hình ảnh nổi bật và ấn tượng hơn cả là sự phong phú về các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mang tính đặc trưng hay nói cách khác là đặc sản của vùng Hồ Thác được bày bán như: cá vền, cá nheo, cá ngạnh...

Bên cạnh những mặt hàng thủy sản tươi sống thì sản phẩm từ lòng hồ còn có các loại cá khô, tôm khô, bống khô. Các mặt hàng lâm sản phải kể đến các loại măng khô như măng lưỡi lợn, măng rối được làm từ măng củ, măng óng của cây tre nản, măng bương, măng mai trồng trên núi. Người Dao và người Cao Lan là hai dân tộc từ xưa đã có bí quyết tìm được các loại cây trên rừng để nuôi mộc nhĩ và một số loài nấm khác kể cả nấm hương. Vì thế, nếu đến với các phiên chợ quê ở đông hồ, chúng ta có thể mua được loại mộc nhĩ tự nhiên rất ngon. Thậm chí, cũng có thể mua được những loại nấm quý và bổ dưỡng của bà con dân tộc.

Khoai sọ tím ở vùng Đông hô Thác Bà.

Mặt hàng trái cây ở vùng hồ Thác Bà cũng khá phong phú nhưng phải kể đến hai đặc sản là hồng không hạt được trồng ở một số xã thượng huyện theo dải đông hồ có nhiều núi đá, giáp ranh với huyện Lục Yên. Thứ nữa là giống bưởi Khả Lĩnh từng là cống phẩm tiến Vua từ mấy trăm năm về trước.

Mặt hàng lương thực ở đây cũng có rất nhiều loại gạo ngon nổi tiếng như gạo tẻ xã Bạch Hà, gạo nếp cẩm nương, cẩm ruộng, gạo nếp quạ của bà con vùng dân tộc. Các giống ngô nếp trồng trên nương cũng rất ngon vì được trồng trên những khu đất được phong hóa dưới chân các dãy núi đá vôi. Đối với những mặt hàng thực phẩm từ chăn nuôi gia súc gia cầm, trước hết phải nói rằng đây là một vùng đất giàu tiềm năng để phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn.

Ngoài nguồn cỏ trồng, cỏ tự nhiên trên núi để chăn nuôi trâu, bò thì mùa nước hồ cạn, các đảo nổi cũng là nơi thức ăn rất lớn cho gia súc. Riêng nuôi lợn thì vùng người Dao khá nổi tiếng với sản phẩm lợn mán hay còn gọi là lợn “cắp nách”. Sản phẩm gia cầm, ở vùng này cũng nổi tiếng từ xa xưa. Người dân ở thành phố Yên Bái và nhiều nơi trước đây đều rất thích ăn thịt gà, vịt mua ở chợ Hiên. Thực chất chợ Hiên chính là nơi tiêu thụ gà, vịt của của cả tuyến đông hồ.

Ngoài những mặt hàng trên, vùng đông hồ còn có nhiều sản phẩm khác từ nông, lâm sản như: mật ong, mắm thịt lợn đen của người Tày, Nùng, khoai sọ tím, khoai mía, khoai xá, đậu tương... Song, tiếc rằng, tất cả những sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc sản này hiện vẫn đang sản xuất khá manh mún và chưa được người dân chú ý phát triển theo hướng hàng hóa nên mới chỉ ở dạng tiềm năng. Trong tương lai, nếu những tiềm năng này được đánh thức bằng những nghiên cứu khoa học, bằng định hướng phát triển, chắc chắn nó sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân vùng hồ Thác Bà.

 Hoàng Nhâm

Các tin khác

YBĐT - Đến Châu Đốc mùa nước nổi, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản như rắn, cá linh chiên, tôm xào bông điền điển. Xa rồi mà dư vị chua chua, cay cay, ngòn ngọt của tô bún cá rưới nước lèo với bao cảnh sắc nên thơ còn gợi mãi nhớ về Châu Đốc.

Thành nhà Hồ.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức trưng cầu ý kiến của các cơ quan báo chí trong nước về các sự kiện nổi bật của ngành văn hóa, thể thao, du lịch... trong năm 2011.

Động Hua Mạ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nằm trên lưng chừng núi, bên trong có nhiều nhũ đá đẹp được hình thành tự nhiên qua hàng triệu năm với những dáng vẻ sinh động, hấp dẫn.

Ảnh minh họa

Lễ hội đèn lồng đã khai mạc tại Công viên di sản văn hóa Phi vật thể ở tỉnh An Huy - phía đông Trung Quốc với 60 triệu chiếc đèn lồng rực rỡ, nhiều kiểu dáng, mẫu mã đặc sắc, độc đáo đã thu hút hàng vạn khách tham quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục