Mồng bảy tháng Giêng về với cội nguồn
- Cập nhật: Thứ hai, 30/1/2012 | 8:48:52 AM
YBĐT - Mùa xuân, lòng người phơi phới niềm tin cũng là mùa mọi người nô nức đi trẩy hội. Dù đi đâu, về đâu thì cứ đến ngày mùng 7 trong tiết tháng Giêng, những người con đất Việt lại về Đền Tổ mẫu Âu Cơ nằm trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ để tỏ lòng thành kính và biết ơn về cội nguồn của dân tộc.
Theo truyền thuyết, vào ngày mùng 7 tháng Giêng, tiên nữ Âu Cơ giáng trần, sau đó gặp gỡ và kết duyên với Lạc Long Quân rồi sinh bọc trăm trứng rồi nở thành 100 người con trai, khởi nguồn của nòi giống Lạc Hồng. Sau khi nuôi các con khôn lớn, Lạc Long Quân đưa 49 người con về miền biển, mẹ Âu Cơ đưa 50 người con lên miền núi khai hoang, lập ấp mở mang bờ cõi. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu lên làm vua tước hiệu Hùng Vương. Khi đi đến trang Hiền Lương thấy có phong cảnh hữu tình, mẹ Âu Cơ ở lại dạy dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Cho đến ngày 25 tháng Chạp, mẹ Âu Cơ hóa thân cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại trần gian dải lụa màu trên cành đa lớn.
Khai hội đền Mẫu Âu Cơ
Lễ tế Mẫu Âu Cơ
Để ghi nhớ công đức Mẫu Âu Cơ và giáo dục truyền thống dân tộc, vào thế kỷ 17 thời Hậu – Lê, vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng đền thờ tổ Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương. Hàng năm vào ngày mùng 7 tháng Giêng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức để cháu con bốn phương về thành kính tổ tiên.
Đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến xem lễ tế Mẫu Âu Cơ
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ diễn ra tưng bừng trong âm vang của tiếng trống, tiếng chiêng ngày hội với phần rước kiệu đem theo lễ vật từ đình vào đền. Sau khi hạ kiệu tại sân đền, các cô gái thanh tân có nhan sắc, học vấn làm lễ tế Mẫu với lễ dâng hương, dâng tửu, dâng ẩm thực.
Nhân dân đến lễ Mẫu, dâng hương, dâng sớ cầu mong cho một năm mới gặp nhiều may mắn, tốt lành.
Sau phần lễ là phần dâng sớ mẫu Âu Cơ sau một năm con cháu làm ăn, sinh sống, đồng thời cầu mong Mẫu phù hộ cho một năm mới quốc thái dân an. Cuối cùng là phần tế nữ. Sau đó, người dân địa phương và đông đảo du khách thập phương đến lễ Mẫu, dâng hương, dâng sớ cầu mong cho một năm mới gặp nhiều may mắn, tốt lành.
Huyền thoại Lạc Long Quân, Âu Cơ và bọc trăm trứng nhằm tôn vinh nòi giống tiên rồng của dân tộc Việt Nam, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó đã thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc để người dân Việt Nam qua các thời đại luôn kề vai sát cánh đoàn kết bên nhau, để cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng, những người con đất Việt lại về Hiền Lương tri ân công đức của Mẹ Âu Cơ với lòng thành kính, sự biết ơn hướng về cội nguồn dân tộc.
Thanh Chi – Đức Toàn
Các tin khác
Ngày 29-1 (mùng 7 tháng Giêng), Lễ hội Chạy lợn có một không hai đã diễn ra tại làng Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội).
YBĐT - Ngày 27 và 28/1 (tức mồng 5 và 6 Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn), tại xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, UBND xã Tân Nguyên đã phối hợp với Doanh nghiệp tư nhân Hải Cường tổ chức Hội thi trâu năm 2012.
YBĐT - Cây chè Suối Giàng là một loài cây đặc sản, một nguồn thu chính của người dân Suối Giàng. Lễ cúng cây chè tổ của người dân Suối Giàng như để tri ân trời đất, tri ân cây chè đã giúp họ có cuộc sống ấm no và đây cũng là một nét phong tục độc đáo của người Mông Suối Giàng.
YBĐT - Mường Lò, mảnh đất phía Tây của tỉnh Yên Bái - nơi được coi là cái nôi của nền văn hóa cộng đồng người Thái đen và người Thái trắng. Nơi đây còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mà ẩm thực là nét văn hóa được người Thái coi trọng trong dịp lễ tết.