Đi Lào học cách sống chậm
- Cập nhật: Thứ năm, 9/5/2013 | 2:08:44 PM
Đang mùa khô, cánh đồng chum nhuộm một màu vàng của cỏ úa. Những chiếc chum nhiều kích cỡ nằm rải rác khắp cánh đồng giữa cao nguyên Xieng Khuang. Hoàng hôn trên cánh đồng chum, mặt trời đỏ au phía cuối cánh đồng, không gian yên lặng, thoảng một chút gì đó vời vợi giữa khoảng không gian rộng lớn ấy.
|
Thị xã Phonsavan ở Xieng Khuang, cư dân thưa thớt, cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi đi bình thản. Vài ba hàng quán ven đường không có nhiều khách, trong cái se lạnh phảng phất mùi thịt nướng thơm đến nức lòng, cơn đói ùa đến vội vã.
Lần đầu tiên tôi được cảm nhận hương vị đặc trưng của Lào. Cô chủ quán nhiệt tình và thân thiện đón tôi với vài câu tiếng Việt bập bẹ: "Người Việt thích món này lắm!".
Đó là thịt bò và nội tạng bò nướng kiểu Lào. Từ Xiêng Khuang đến Luang Prabang hơn 100km nhưng phải mất 4 - 5 tiếng đồng hồ vì đường đèo hiểm trở. Luang Phrabang, cố đô Lào, nghiêng mình bên dòng Mê Kông, nơi chúng tôi mong được đến.
Càng gần đến Luang Prabang trời càng trong xanh, mây trắng như bông, núi thì cứ hiên ngang, những đám mây bồng bềnh sà xuống vắt vẻo trên đỉnh rồi lưng chừng núi. Đẹp! Cái đẹp tinh khiết như chưa bao giờ có ở trần thế.
Gần trưa, chúng tôi dừng chân ở một khu dân cư ven đường, ngay ngôi chợ nhỏ nằm chênh vênh bên sườn núi. Trời nắng nhưng vẫn thoảng từng cơn gió mát lạnh, cảm giác nơi phố núi này mọi thứ diễn ra thật yên ả.
Tụi trẻ con rực rỡ áo váy đủ sắc màu, chúng tụ tập ở một khu đất trống và chơi ném còn, chẳng khác gì ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Các thiếu nữ Lào xúng xính trong váy áo và ai nấy đều thật tươi.
Chúng tôi "đổ bộ” vào chợ, sà vào bất cứ hàng quán nào thấy lạ mắt và tò mò vị giác. Từ cụ già cho đến em bé, tất cả đều cười với chúng tôi.
Chúng tôi lăng xăng quần hết các gian hàng để chụp ảnh, người cầm cái này, kẻ cầm cái kia, nhưng vẫn không một tiếng phàn nàn kêu ca, họ luôn mỉm cười đầy thân thiện và không ngớt lời cảm ơn khi chúng tôi mua sắm vài thứ linh tinh. Thế mới biết con người khác nhau từ cái nôi văn hóa nơi họ sinh ra.
Đầu giờ chiều, chúng tôi đến cố đô Luang Prabang, thành phố được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Thật tuyệt, đường phố sạch bong từ ngoài vào hẻm, không tấp nập, không xô bồ chen chúc, không tiếng còi xe, không cột khói của những nhà máy. Phải chăng các vị quân vương đã khéo chọn những nơi tuyệt vời như thế để dựng kinh thành.
Khách sạn nơi chúng tôi ở nằm trên con hẻm của đường Chaoxomphou ngay trung tâm thành phố, rất tiện đi lại giữa các chốn ăn chơi ở Luang Prabang.
Ở Luang Prabang có hai nơi tuyệt đẹp để đón hoàng hôn, một nơi có nhiều người biết đến, còn một nơi nếu có biết thì cũng phải kèm thêm yếu tố may mắn mới có được.
Và hôm nay chúng tôi chọn Wat Phousi để đón hoàng hôn, là một ngôi chùa nằm trên đỉnh cao giữa lòng thành phố nơi có tượng Phật Di Lặc Kackayana và chùa Phra Bat Nua có dấu tích chân Phật.
Chiều trên Phousi thật mát mẻ và bình yên, hàng trăm con người từ nhiều quốc gia tụ họp về đây chỉ để hướng mình về phía Tây thỉnh cầu khi hoàng hôn nhuộm đỏ dòng Mê Kông.
Trong những biến cố vô thường của cuộc sống, con người vẫn luôn hướng thiện, dẫu có hận thù, dẫu có hờn ghen, dẫu có ganh đua..., khi đứng trước cõi tâm linh con người vẫn luôn mong được sám hối để hướng về điều tốt đẹp nhất.
Lang thang tản bộ trên những con phố cổ, những quán bar tấp nập, dập dình tiếng nhạc, những chiếc đèn lồng sắc màu khiến tôi nhớ Hội An. Luang Prabang có nét gì đó phảng phất của Hội An, dòng Hoài Phố, và phảng phất cả khu phố Tây Phạm Ngũ Lão giữa Sài Gòn.
Đến Luang Prabang, không ai bỏ lỡ cơ hội thăm thú khu chợ đêm, dù có mua sắm hay không không quan trọng, nhưng đến khu chợ này sẽ cảm nhận rất thực văn hóa Lào, cái chất bên trong của người dân Lào.
Đa phần hàng hóa ở đây đều là hàng thủ công của người Lào làm ra, xen lẫn ít hàng có xuất xứ Trung Quốc.
Người ta nói thách, nhưng đừng vì thế mà ngần ngại, cứ trả giá thoải mái, dù họ nói 100 đồng, bạn trả 1 đồng họ vẫn cười, vẫn cái lắc đầu nhẹ kèm bàn tay khua khua, thi thoảng là tiếng Lào, thi thoảng là tiếng Anh và đôi khi là tiếng Việt: "Ồ... không được, thêm đi".
Người dân Lào rất nghèo nhưng hiền lành, tốt bụng, rất thật lòng. Đôi khi lắng nghe cuộc trò chuyện của khách du lịch, bạn sẽ nghe họ hết lời ngợi ca người dân Lào. Đặc biệt không có cảnh ăn xin, bán hàng rong, vé số hay cảnh trộm cắp, cướp giật trên đất Lào.
Ấn tượng lưu lại trong mỗi du khách khi đến Luang Prabang là quần thể chùa chiền, nơi đây là trung tâm Phật giáo của Lào. Các ngôi chùa mang nét kiến trúc rất đặc trưng của đất nước triệu voi.
Các nhà sư rất được tôn kính. Buổi sáng ở Luang Prabang, chúng tôi thức dậy thật sớm và ra các con đường chính đón xem sư khất thực.
Đàn ông ở Lào ai cũng một lần trong đời, dù là khi còn trẻ hay khi đã già, vào chùa tu. Đó là khoảng thời gian con người thoát tục để trở về với sự thanh khiết.
Người dân Lào mỗi buổi sáng lại thức dậy thật sớm, dẫu mưa gió, rét mướt vẫn lặng lẽ ngồi bên vệ đường để chờ làm một công việc tự nguyện đáng kính nhất ở đời: cung cấp thức ăn cho các nhà sư.
Người Lào sống chậm, không tranh đua, bon chen, tất cả những điều đó sẽ cảm nhận được ngay khi đến đất Lào. Giữa guồng quay của cuộc sống, người dân nơi đây không tất bật mà thật thanh thản bên cạnh những thâm trầm của các ngôi chùa.
Đối với người dân Lào, việc ngồi đợi sư mỗi sáng là khoảnh khắc vọng về cõi vô thường, gạt đi những điều ác chốn phàm tục.
Dòng sông Mê Kông và Nậm Khan ôm vào lòng cố đô Luang Prabang, tạo nên một khung cảnh hữu tình và bình yên đến lạ. Rời ngôi chùa Wat Xieng Thong hơn 100 năm tuổi với kiến trúc độc đáo, chúng tôi lên thuyền xuôi theo dòng Mekong khi nắng chiều đang nhuộm lấp lánh.
Bên kia, ngôi chùa Xaythoong cổ kính đổ bóng xuống dòng sông, những chú tiểu mải mê đùa nghịch trên bãi cát bồi rộng thênh thang. Dăm ba khách bộ hành phương Tây thả mình trong làn nước mát lạnh. Những cây cổ thụ soi bóng trong nắng chiều trên dòng chảy êm đềm.
Người lái thuyền đưa chúng tôi ra chính giữa dòng Mê Kông và bảo rằng ngắm hoàng hôn nơi đây tuyệt nhất đất nước Lào. Quả thật, con thuyền không lái lả lướt, bồng bềnh giữa dòng chảy.
Mặt trời tròn dần, đỏ rực như quả bóng ai đó thả từ từ xuống mặt nước. Tựa mạn thuyền, nhắm mắt, ngửa mặt lên trời hít thật sâu không khí trong trẻo, lùa bàn tay vốc từng ngụm nước mát lạnh hất tung lên... Bao bộn bề tan biến, phút giây này như vừa chạm đến cõi thiên đường.
Tạm biệt Luang Prabang, ghé thủ đô Viêng Chăn, thăm vườn chư Phật, khải hoàn môn..., rời đất nước Lào qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Trở về với công việc, với những tất bật, lo toan, hối hả của ngày thường, tôi vẫn nhớ hoài ngày cứ trôi đi thật chậm rãi và bình yên ở Luang Prabang.
Chúng ta vẫn luôn nói với nhau rằng, chậm lại để không hời hợt, chậm lại để lắng nghe nhịp đập của chính con tim mình và nhịp chảy của cuộc sống, để nhận ra điều gì chỉ là thoáng qua hay điều gì mới thật sự cốt lõi.
Nhưng mấy ai trong mỗi chúng ta đã thực sự sống chậm? Vì cuộc sống ngắn ngủi và hữu hạn nên tôi cứ muốn đi nhanh, xoáy theo guồng quay vội vã. Rồi những ngày ở Luang Prabang đã giúp tôi hiểu ra vì sao mình nên sống chậm...
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với chủ đề “Chung tay hành động vì biển đảo quê hương” do Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/6/2013.
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 10km, bán đảo Sơn Trà là một điểm đến lý tưởng cho du khách.
Bình nguyên Bagan ở miền trung đất nước Myanmar từng là một trung tâm Phật giáo phát triển cực thịnh. Ước đoán nơi đây từng có hơn 10.000 ngôi đền, chùa, tu viện Phật giáo, trở thành điểm hành hương linh thiêng của những tín đồ đạo Phật.
Vào ngày 11/05 tới, Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 với chủ đề "Văn minh sông Hồng" sẽ chính thức được khai mạc.