Công nghệ pin và phạm vi hoạt động
Đây được coi là thách thức lớn nhất đối với ô tô điện, khi mà pin nhiên liệu vẫn còn quá nhiều nhược điểm. Phạm vi hoạt động của xe điện bị giới hạn do pin chưa được tối ưu đã khiến xe điện chưa được thuận tiện như xe động cơ đốt trong.
Hiện nay, bên cạnh mục tiêu hạ giá thành sản phẩm, các nhà sản xuất đang chạy đua mở rộng mạng lưới trạm sạc và tăng phạm vi hoạt động của xe điện.
Với mạng lưới trạm sạc chưa phủ rộng, cùng với độ tin cậy của động cơ điện không cao là nguyên nhân khiến những người yêu off-road muốn chinh phục địa hình khó ở nơi xa khu vực dân cư ngần ngại chọn ô tô điện.
Pin xe điện vẫn còn hạn chế về phạm vi hoạt động và mật độ năng lượng thấp.
Rất nhiều công nghệ pin đã được nghiên cứu và chế tạo. Đến nay công nghệ được ưa chuộng sử dụng là pin lithium-ion. Nhưng theo các nhà nghiên cứu mật độ năng lượng của pin lithium-ion thấp hơn 13 lần so với mật độ năng lượng của nhiên liệu hóa thạch.
Điều này đồng nghĩa xe điện phải trang bị một khối pin lớn, nặng và cồng kềnh để có thể hoạt động được trong một phạm vi lớn.
Trong tương lai công nghệ pin thể rắn được coi là bước đột phá để xe ô tô điện đủ sức cạnh tranh với xe xăng dầu, khi mà mật độ năng lượng được cải thiện và thời gian sạc được rút ngắn.
Nguyên liệu sản xuất và công đoạn tái chế pin
Hiện nay pin lithium-ion được các hãng xe ưa chuộng vì có ưu điểm sạc nhiều lần hơn, mật độ năng lượng cao và dễ thay thế. Thành phần chế tạo pin có chứa các kim loại hiếm, đặc biệt là lithium.
Hiện nay nguồn cung lithium vẫn dựa vào một số quốc gia như: Australia, Chile, Argentina, Trung Quốc và Zimbabwe.
Tương tự như nhiên liệu hóa thạch, lithium là nguồn tài nguyên hữu hạn và giá ngày càng đắt bởi nhu cầu sản xuất tăng đối với xe điện, hybrid. Nguồn tài nguyên này còn hữu hạn chỉ có tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ khiến chi phí khai thác tăng cao dẫn tới giá bán xe điện bị đội cao hơn xe xăng, dầu truyền thống.
Nguyên liệu chế tạo pin dần khan hiếm và giá thành ngày càng cao.
Vấn đề không chỉ dừng lại với lithium là kim loại hiếm duy nhất mà còn cần tới nhiều kim loại khác để chế tạo pin. Dysprosi, Lantan, Neodymi, Praseodymi là những kim loại đất hiếm khác. Chúng thường tồn tại ở dạng liên kết để thực hiện quá trình khai thác, tách chiết, lưu trữ đòi hỏi công nghệ cao, điều này cũng là lý do khiến giá thành pin xe điện cao.
Pin xe điện cũng có niên hạn sử dụng, khi hết niên hạn việc tái chế gần như là không diễn ra, do các hãng xe không có hứng thú và quan tâm tới việc phát triển công nghệ tái chế pin xe điện.
Toyota là trường hợp hiếm hoi có chương trình thu hồi pin cũ và cung cấp pin mới cho những sản phẩm của hãng. Trong khi phần lớn xe điện sau thời gian sử dụng được đưa đến máy nghiền.
Dịch vụ sửa chữa chưa phổ cập
Việc bảo dưỡng sửa chữa xe ô tô điện được cho là có chi phí thấp hơn xe ô tô truyền thống, nhưng để thực hiện công việc này là điều không dễ dàng. Các trung tâm sửa chữa phải được trang bị đầy đủ về dụng cụ cũng như tài liệu về xe để có thể hoàn thành công việc.
Việc này đối với các garage tư nhân là không thể khi mà xe ô tô điện vẫn là một công nghệ hoàn toàn mới, dẫn tới người tiêu dùng thiếu sự lựa chọn cơ sở sửa chữa, thị trường mất đi tính cạnh tranh.
Việc sửa chữa bảo dưỡng xe điện là công việc phức tạp cần tới trình độ và tay nghề kỹ thuật cao.
Ngoài ra chi phí để thay thế các phụ tùng xe điện luôn có giá cao hơn. Việc thay pin cho xe ô tô điện là một vấn đề đáng quan ngại với người dùng, khi mà pin sẽ xuống cấp theo thời gian và chi phí thay pin rất lớn.
Xe điện hay xe ô tô truyền thống đều đòi hỏi độ tin cậy cao, tính cơ động tốt. Nhiều người dùng vẫn đang lo ngại khi xe ô tô điện gặp trục trặc sẽ gặp khó khăn trong vấn đề sửa chữa, khi mà mạng lưới sửa chữa xe ô tô điện chưa được phủ rộng.
(Theo Giao thông)