Cách chữa bệnh khóc đêm ở trẻ em

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/8/2007 | 12:00:00 AM

Trẻ cứ đến đêm hay khóc to và liên tục nhiều đêm, thậm chí khóc thâu đêm và đến sáng lại thôi, bệnh này hay thấy ở trẻ sơ sinh, dân gian còn gọi là khóc dạ đề. Đông y cho rằng nguyên nhân bệnh này gồm 4 loại: tỳ hàn, tâm nhiệt, kinh hãi và tích trệ. Nói chung sức khỏe của trẻ vẫn tốt và không liên quan gì đến thời tiết.

Cây thạch xương bồ.
Cây thạch xương bồ.

Bài thuốc dân gian: Nguyên nhân trẻ khóc dạ đề thường do hàn hoặc nhiệt.

- Do hàn: Trẻ khóc đêm nhiều, mặt xanh, chân tay lạnh, bỏ bú, bụng đầy, đặc biệt tỳ vị lạnh. Ban đêm thuộc âm, âm thịnh thì tỳ tạng bị lạnh. Vì tỳ ưa ấm, ghét lạnh, nên tỳ lạnh thì dẫn đến bụng đau, làm cho trẻ khóc về đêm nhiều và khi khóc thì cong lưng lên vì bụng đau.

Bài thuốc: Bố chính sâm (tẩm gừng sao) 4g, bạch truật (tẩm đất vàng sao) 4g, cam thảo nướng 2g, gừng tươi 1 lát, sắc uống.

- Do nhiệt: Nguyên nhân do tâm thụ nhiệt. Tâm giữ chức quân hỏa, chủ huyết. Can tàng huyết. Đêm ngủ thì huyết trở về can. Vì tâm hư nên hỏa xung đốt, buồn bực không yên sinh ra khóc nhiều.

Bài 1: Xác con ve sầu (thuyền thoái) từ 7-9 con, ngắt bỏ đầu, chân, thêm hai ngọn kinh giới, cho vào chén con nấu cách thủy hoặc hấp cơm lấy chút nước cho trẻ uống.

Bài 2: Hoàng đằng 4g, lá tre gai 4g, gừng tươi 1 lát, bố chính sâm 4g, cam thảo 1g, sắc uống.

Bài 3: Thạch xương bồ tươi 10g giã vắt lấy nước cho uống.

Bài 4: Hạt bìm bìm đen 4g, tán nhỏ hòa với nước cho uống.

Bài 5: Thanh đại 1-2g tán nhỏ hòa với nước cho uống.

Bài 6: Xác ve sầu 1-2 con (ngắt đuôi và chân), lá bạc hà 1-2g, hai thứ nghiền nát cho vào chén con, hấp cơm lấy nước nhỏ vào miệng cho trẻ.

Ngoài ra có thể sử dụng một số bài thuốc sau:

Bài 7: Xác ve 3g, bạc hà 1,5g, bấc đèn 1,2g, sắc uống ngày 2 lần.

Bài 8: Bột trân châu 1g, sữa 15g trộn đều, chưng cách thủy, chia 2 lần uống hết, uống liền trong 3-5 ngày.

Bài 9: Chu sa 0,3g, sữa 15ml, trước tiên nghiền chu sa thành bột rồi trộn với sữa uống hết, ngày 1 lần, uống liền trong 3-5 ngày.

Bài 10: Mộc hương 4g, thuyền thoái 5g, xuyên sơn giáp (nướng) 3 cái, đương quy 4g, cỏ mọc bờ giếng 4g. Đổ 1 bát nước sắc còn 1/3 bát, trộn với chu sa cho uống từng thìa (riêng mộc hương chỉ mài với nước thuốc uống chứ không sắc).

- Nếu trẻ khóc cả ngày lẫn đêm, dùng bài thuốc sau:

Bài 11: Nhũ hương 6g, mộc dược 6g. Sắc đặc lấy nước mài với mộc hương cho uống.

Bài 12: Hạt cải bẹ (la bạc tử) 10g (sao), sắc uống.

Một số cách chữa bên ngoài:

- Chu sa 3g, lấy một tờ giấy mỏng, trên mặt quét lớp hồ, rắc bột chu sa lên mặt hồ, rồi buộc dưới hai bàn chân.

- Lá chè nhai nát rồi buộc vào rốn, dùng cho loại tỳ hư.

- Hạt dành dành núi 1 hạt, nghiền thành bột, bột mỳ 9g, rượu trắng 5ml, tất cả trộn, nặn thành viên, buộc vào động mạch đập ở cổ hai tay (mạch quay) sau 24 giờ tháo ra, dùng cho loại tâm nhiệt.

- Ngô thù du 10g, ngũ bội tử 15g, chu sa 5g, bột gạo 15g, tất cả nghiền bột trộn thành hồ, buộc vào hai lòng bàn chân, ngày 1 lần dùng chữa cho loại sợ hãi.

Một số điều cần biết:

Khi trẻ khóc trước hết cần quan sát tỉ mỉ, tìm ra nguyên nhân làm trẻ khóc (như đói khát, nóng bức, bế con quá chặt, muỗi cắn, sưng rốn, giun ngứa hậu môn, tắc mũi...) để nhanh chóng xử lý.

Buồng ngủ phải sạch sẽ, yên tĩnh.

Bình thường không được dọa nạt trẻ, tránh gây căng thẳng cho trẻ.

Chú ý cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, dễ tiêu hóa.

Một số điều cần tránh:

Trẻ khóc đêm không nên lạm dụng thuốc an thần.

Trẻ không biết nói, nếu trẻ có bệnh gây khóc thì phải đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, tránh hiểu sai về bệnh tình mà xử trí sai.

Trẻ khóc đêm không nên cho ăn kẹo sôcôla, bột cacao, vì kẹo và thức uống trên có tác dụng kích thích không có lợi cho bệnh của trẻ.

Bệnh còi xương từ xưa đã được coi là bệnh phiền toái bất an (trẻ khóc đêm kèm theo ra mồ hôi, nhất là trên đầu, dưới gối là mảng tóc rụng...) nên các bậc cha mẹ cần lưu ý đến chế độ nuôi dưỡng trẻ.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Các tin khác

Để có hàm răng khỏe mạnh, bạn cần được cung cấp đủ vitamin E. Nhiều nghiên cứu cho thấy chất này giúp giảm viêm nhiễm ở người mắc bệnh nha chu. Khoa học cũng đã chứng minh sự liên quan giữa nồng độ vitamin E trong máu với căn bệnh này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục