Kết quả hoạt động khoa học công nghệ ở các huyện, thị phía Tây năm 2010
- Cập nhật: Thứ ba, 26/10/2010 | 9:37:12 AM
YBĐT - Các huyện thị phía Tây của tỉnh Yên Bái gồm huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ là những địa phương khó khăn nhất trong tỉnh với đặc thù là các huyện vùng cao, địa hình đồi núi là chủ yếu, thêm vào đó phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí còn hạn chế. Tuy vậy được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành nên trong thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn cũng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Sở KH&CN phối hợp kiểm tra Dự án xây dựng mô hình sản xuất lúa đặc sản Shéng Cù trên đất ruộng 1 vụ tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Mạnh Quyết)
|
Năm 2010, các huyện thị phía Tây thực hiện 25 đề tài, dự án cấp tỉnh với tổng kinh phí là 5.960 triệu đồng. Nhìn chung các đề tài, dự án thực hiện đúng nội dung và tiến độ đề ra, đạt kết quả tương đối khả quan. Trong đó nổi bật là một số đề tài, dự án đạt hiệu quả về kinh tế và có ý nghĩa khoa học thực tiễn cao như: Dự án bình tuyển, chọn lọc và bảo tồn vườn giống chè Shan tuyết đầu dòng tại xã Suối Giàng phục vụ chương trình phát triển chè Shan tuyết cho các huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái.
Qua đó, đã xác định được những cây chè Shan tuyết đầu dòng có khả năng cung ứng khoảng 20 triệu hom giống chè đủ tiêu chuẩn/năm cho các các vườn ươm giống. Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất dốc tỉnh Yên Bái, trên cơ sở đánh giá hiện trạng canh tác và các nguyên nhân dẫn đến thoái hoá đất dốc đã xây dựng được một số quy trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp, Bảo tồn và phát triển nguồn gen gà đen của dân tộc Mông tại Mù Cang Chải, để xây dựng "thương hiệu gà của dân tộc Mông Yên Bái" phục vụ phát triển thành các mô hình kinh tế hộ.
Ngoài việc thực hiện các đề tài, dự án cấp tỉnh, năm 2010 là năm đầu tiên các huyện, thị thực hiện triển khai các đề tài, dự án cấp tỉnh uỷ quyền cho cấp huyện quản lý. Trong 9 tháng đầu năm 2010, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức 4 hội đồng tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án và 4 hội đồng chuyên gia xét duyệt thuyết minh đề tài, dự án. Kết quả các huyện, thị phía Tây đã trực tiếp tuyển chọn, xét duyệt được 8 dự án khoa học đưa vào thực hiện tại địa phương trong năm 2010 với tổng kinh phí 930,861 triệu đồng, trong đó nguồn sự nghiệp khoa học cấp 545 triệu đồng (năm 2010 cấp 440 triệu đồng).
Cụ thể là các dự án: ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác giống lúa đặc sản Sừ Ly Séng tại huyện Mù Cang Chải, nhằm khai thác lợi thế về độ cao và tiểu vùng khí hậu vùng núi cao để tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích sản xuất; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi giống gà Mông (giống gà da đen, thịt đen, xương đen) tại huyện Mù Cang Chải, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và bảo tồn lưu giữ nguồn gen quí hiếm của giống và phát triển kinh tế hộ gia đình cho đồng bào vùng cao theo hướng chăn nuôi hàng hoá; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi ong nội (Apis cerana) bằng thùng cải tiến tại huyện Trạm Tấu, nhằm đưa năng suất mật ong nội nuôi bằng thùng cải tiến tăng lên từ 30 - 40% so với phương pháp nuôi ong bằng đõ truyền thống.
Ngoài ra, ngành xây dựng mô hình nuôi ba ba gai (Trionyx strinachderi) sinh sản tại huyện Trạm Tấu, để phát triển mở rộng nghề nuôi ba ba tại các hộ dân đạt được hiệu quả cao; xây dựng mô hình thử nghiệm trồng cam giống V2 tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, để xây dựng vùng cam, quýt tập trung bền vững về mặt sinh học, có năng suất chất lượng cao, tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi giống gà Mông tại vùng thấp huyện Văn Chấn, nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng chăn nuôi hàng hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học xây dựng mô hình nuôi trồng nấm sò, nấm rơm tại thị xã Nghĩa Lộ, tạo thêm ngành nghề mới cho người dân, tăng thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh tôm càng xanh (Macrobrachium) trong ao tại thị xã Nghĩa Lộ, nhằm đưa giá trị kinh tế đạt từ 100 - 120 triệu đồng/ha ao nuôi, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người nuôi trồng thuỷ đặc sản.
Việc ủy quyền tuyển chọn, xét duyệt, nghiệm thu và công nhận kết quả một số đề tài, dự án cấp tỉnh cho cấp huyện không những đã xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN phù hợp với nhu cầu thực tiễn để giải quyết những vấn đề bức thiết của từng địa phương mà thông qua các mô hình này sẽ từng bước giúp cho người dân vùng cao chuyển đổi được nhận thức, coi tiến bộ KHCN là nguồn lực thiết thực giúp họ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ chế thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, cũng qua việc tổ chức triển khai thực hiện các đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh ủy quyền cho cấp huyện đã góp phần huy động được nguồn chất xám của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật địa phương, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có nhiều cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Công tác quản lý tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng trên địa bàn các huyện, thị phía Tây đã có những bước chuyển biến tích cực, có nhiều đổi mới, khắc phục những khó khăn, bám sát nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động đảm bảo đo lường ngày càng được chú trọng và phát huy hiệu quả trên hầu hết các lĩnh vực phục vụ đời sống và sản xuất như: đo khối lượng, đo dung tích, phóng xạ, điện..., kịp thời ngăn ngừa và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đo lường - chất lượng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về: y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà hàng, khách sạn…
Đối tượng thanh tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh về thực phẩm (bánh, kẹo, nước mắm, xì dầu, mì tôm, mì chính, bia, rượu, nước giải khát...); về phân bón, giống cây trồng, mỹ phẩm, xăng dầu, mũ bảo hiểm, các phương tiện đo (các loại cân, các cột đo xăng dầu). Công tác đưa thông tin về cơ sở của các huyện phía Tây cũng được coi trọng đã phối hợp với các đơn vị, trạm, trại trên địa bàn tổ chức nhiều các lớp tập huấn kỹ thuật về y tế, giáo dục, tin học, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản... cho hàng ngàn lượt người, kết hợp lý thuyết và thực hành. Huyện Trạm Tấu đã tổ chức được 109 lớp cho 4.106 lượt hộ dân tham gia học tập kỹ thuật làm mạ dược, mạ có mái che ni lon, chăm sóc bảo vệ mạ vụ đông xuân, kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc ngô….
Huyện Văn Chấn đã tổ chức được 51 lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh cải tạo chè, ngô, khoai tây, lúa thuần chủng CLC, chăn nuôi gia súc gia cầm. Thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức 146 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc lúa; kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, phương pháp bón phân viên nén dúi sâu….
Trong thời gian tới, các huyện, thị cần bám sát vào các nghị quyết đại hội đảng bộ huyện, thị và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chủ động xây dựng chương trình, nhiệm vụ hoạt động KHCN năm 2011 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng KHCN cấp huyện, nâng cao tính chủ động và sáng tạo hơn nữa trong việc đề xuất các nhiệm vụ KHCN, tuyển chọn, xét duyệt, kiểm tra nghiệm thu các đề tài, dự án trên địa bàn và phối hợp với các ban ngành thanh tra kiểm tra trên lĩnh vực phụ trách.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KHCN trên địa bàn cấp huyện để duy trì và phát triển hoạt động KHCN, nhất là việc thực hiện các đề tài và dự án, phát hiện những mô hình có hiệu quả để kiến nghị nhân rộng. Chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng tiếp nhận cây lương thực biến đổi gen. Phát huy mọi nguồn lực, dần dần tiến tới xã hội hoá hoạt động KHCN phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Thị Tình
Các tin khác
PGS-TS Triệu Triều Dương - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 hôm qua cho biết, cuối năm nay, bệnh viện này sẽ lắp đặt hệ thống phẫu thuật nội soi robot.
Microsoft Hà Lan vừa cho hay phiên bản tiếp theo của hệ điều hành Windows đang trong giai đoạn phát triển và dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong 2 năm tới.
Virus cúm A/H1N1 đã biến đổi thành một chủng mới và bắt đầu hoành hành ở Australia, New Zealand và Singapore - các nhà nghiên cứu cho biết hôm 22-10.
Công nghệ không dây ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó các thiết bị in ấn cũng được tích hợp công nghệ này.