Chính sách cơ bản, nền tảng có tính khả thi nhằm thu hút các nhà khoa học, trí thức phục vụ sự nghiệp đổi mới, CNH - HĐH của tỉnh
- Cập nhật: Thứ ba, 23/11/2010 | 3:04:47 PM
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi còn nghèo, nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Vì vậy, cần huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH). Trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh.
Thời gian qua, đội ngũ các nhà khoa học, trí thức của tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển KT - XH của tỉnh, đặc biệt là trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Tuy vậy, so với các tỉnh trong khu vực, đội ngũ trí thức ở Yên Bái vẫn còn ít, chưa đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của địa phương. Tình trạng bố trí và sử dụng chưa phù hợp với lĩnh vực đào tạo vẫn xảy ra ở một số ngành và địa phương. Sự phân bổ theo vùng, miền cũng mất cân đối do phần lớn trí thức tập trung ở các trung tâm hành chính tỉnh, huyện, thị, thành phố, ít trí thức ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nguồn nhân lực bổ sung còn thiếu nghiêm trọng ở một số ngành kinh tế trọng điểm, mặt khác trí thức là người dân tộc thiểu số chưa nhiều.
Nhằm đẩy mạnh việc thu hút, khuyến khích và đào tạo đội ngũ trí thức của tỉnh Yên Bái, Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá 10 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh HĐH - CNH đất nước.
Năm 2006, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04 về chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số. Năm 2007, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03 và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1338 về chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái.
Năm 2008, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20 về điều chỉnh bổ sung. Mặc dù tỉnh đã có chủ trương, chính sách thu hút như vậy, nhưng trong thời gian qua số lượng đội ngũ trí thức đã thu hút được không nhiều, thậm chí vẫn còn hiện tượng chảy máu chất xám, đặc biệt trong một số ngành, lĩnh vực như y, dược, kiến trúc, xây dựng, giao thông... Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thu hút của tỉnh chưa được sâu rộng, làm cho nghị quyết và chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Để tăng tính khả thi hơn nữa đối với chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực, xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau đây:
1. Ngoài chính sách thu hút, trước tiên cần có chế độ đãi ngộ đối với các nhà khoa học, trí thức trong tỉnh. Đây cũng chính là động lực gián tiếp thu hút lực lượng trí thức ngoài tỉnh. Trong chính sách, chế độ đãi ngộ không chỉ quan tâm đến vấn đề vật chất mà cần đặc biệt quan tâm đến môi trường làm việc, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học, trí thức cống hiến. Tôn vinh các nhà khoa học có các công trình nghiên cứu tốt được ứng dụng vào thực tế.
Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields Toán học, tương đương giải Nobel thế giới về toán học.Dân tộc Việt Nam rất tự hào về điều đó, Chính phủ và Thủ tướng vinh danh hào kiệt này, kèm theo đó là quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Viện Toán học cao cấp Việt Nam, đây là giải pháp, và là bước ngoặt vô cùng quan trọng mà Chính phủ dành cho ngành toán học Việt Nam có thể phát triển ngang tầm với quốc tế.
Trong vòng 10 năm gần đây, nhiều trí thức giỏi là con em các dân tộc tỉnh Yên Bái đã trưởng thành đang công tác ở mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài. Bài toán đặt ra là: Làm thế nào để thu hút được được tài năng và trí tuệ của họ góp phần xây dựng quê hương Yên Bái? Trong khi đó, chính sách của tỉnh hiện nay mới chỉ thu hút bản thân con người họ để về làm công chức hoặc bán công chức tỉnh Yên Bái, vì thế, sức hút chưa cao, dẫn đến kết quả còn khiêm tốn. Một ví dụ cho thấy, 5 năm qua tỉnh Yên Bái đã tổ chức triển khai thực hiện 247 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, 5 đề tài, dự án cấp Nhà nước, các ngành và các địa phương thực hiện hàng trăm đề tài, dự án khoa học khác.
Nhiều đề tài, dự án được nghiên cứu và áp dụng, làm tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng, vật nuôi, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thay đổi diện mạo của nhiều vùng nông nghiệp, nông thôn. Trong tổng số đề tài dự án đó, có khoảng 30% các đề tài, dự án là do các viện nghiên cứu, trường đại học là cơ quan chủ trì thực hiện hoặc cơ quan chuyển giao kỹ thuật, trong đó nhiều nhà khoa học ưu tú, nhiều tiến sỹ, giáo sư giỏi (không phải là người Yên Bái) trực tiếp làm chủ đề tài dự án triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh ta, nghiên cứu bằng kinh phí sự nghiệp khoa học và kinh phí khác của tỉnh.
Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê tỉnh, năm 2009, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 22.000 cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ từ cao đẳng trở lên (trong đó: tiến sỹ 9, thạc sỹ 238 số còn lại là đại học và cao đẳng), chiếm khoảng 3% dân số toàn tỉnh.
Theo tiến độ, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian lưu trú tại địa bàn, trực tiếp nghiên cứu, và cũng thông qua kết quả đạt được, họ đã đề xuất với địa phương trồng cây gì và nuôi con gì... qua việc tổng kết này, rõ ràng chúng ta đã thu hút được khá nhiều các nhà khoa học làm việc và cống hiến cho sự phát triển KTXH tỉnh Yên Bái.
2. Đề nghị các ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong nước và quốc tế. Qua đó, thu hút chất xám các nhà khoa học, chuyên gia giỏi, trí thức giỏi đến Yên Bái để thực thi các cam kết của họ, triển khai các chương trình hợp tác theo thoả thuận.
3. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật, Liên hiệp các Hội hữu nghị tỉnh Yên Bái và các hội khác... tăng cường hơn nữa trong việc xây dựng các dự án hợp tác song phương, đa phương; hợp tác Chính phủ và phi Chính phủ để thu hút không những nguồn lực về tài chính mà còn thu hút nguồn chất xám về cho tỉnh.
4. Xây dựng chính sách phát hiện và ươm mầm tài năng trẻ. Hàng năm, chúng ta có một số lượng tương đối lớn học sinh thi đỗ vào các trường đại học, học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đây là nguồn trí thức trẻ tương lai của tỉnh nhà, chúng ta nên có những chính sách phát hiện, bồi dưỡng và ươm mầm các tài năng trẻ này để họ ý thức hơn trách nhiệm của mình với tỉnh nhà, tạo cho họ có nhiều cơ hội nhất để đóng góp lâu dài cho sự phát triển địa phương sau khi được đào tạo.
5. Đầu tư trang bị cho các cơ sở nghiên cứu của tỉnh để tạo điều kiện nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật. Bảo đảm kinh phí cho công tác nghiên cứu, xây dựng và phát triển mạnh những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ của tỉnh. Có như vậy mới tạo được môi trường tốt để thu hút các nhà khoa học giỏi, xuất sắc, tâm huyết với tỉnh Yên Bái, đóng góp vào sự phát triển KT - XH của tỉnh.
Lương Thanh Nhị - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Các tin khác
Hàng trăm trang web bị hacker tấn công, gần 100 triệu lượt máy tính bị nhiễm virus trong năm qua. Số dòng virus mới tăng gấp 5 lần so với năm ngoái...
Sáng 23/11 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA công bố kết quả cuộc bình chọn “Sản phẩm An toàn thông tin được người dùng ưa chuộng nhất năm 2010”. Theo đó, phần mềm diệt virus BkavPro 2010 của Việt Nam tiếp tục vượt qua các sản phẩm của nước ngoài, giữ vị trí quán quân năm thứ 2 liên tiếp.
"Hệ thống số hoá tư duy con người" đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2010 trong lĩnh vực CNTT. Thông tin này đã được Ban tổ chức cuộc thi công bố tại Lễ trao giải diễn ra tối 21/11 tại Cung văn hoá Hữu Nghị, Hà Nội. Đây là ý tưởng hoàn toàn mới trong việc giải mã suy nghĩ của con người.
Ngày 18/11, Công ty Đầu tư & Công nghệ TFI (Việt Nam) đã chính thức giới thiệu máy đếm và phân loại tiền của hãng Glory lần đầu tiên ra mắt tại thị trường Việt Nam với nhiều tính năng ưu việt, đặc biệt là cơ chế nhận biết tiền giả.