Đường sắt - nỗi lo còn đó
- Cập nhật: Thứ hai, 23/3/2015 | 3:11:25 PM
YBĐT - Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nghiêm trọng xảy ra gần đây, trong đó, vụ tai nạn mới nhất tại Quảng Trị vào đêm ngày 10/3, khiến nhiều toa tàu trật bánh, lái tàu tử vong đã chỉ ra những bất cập lớn từ hệ thống đường ngang giao cắt với đường sắt.
Ngành đường sắt thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang đường sắt.
|
Tuy chưa xảy ra những vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng nhưng tình hình an toàn giao thông (ATGT) đường sắt trên địa bàn Yên Bái vẫn diễn biến khá phức tạp, đòi hỏi các cơ quan, ngành chức năng và địa phương phải triển khai tích cực hơn nữa các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) trong thời gian tới.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua địa phận Yên Bái dài hơn 86km, với hàng nghìn hộ dân sinh sống xung quanh. Thời gian qua, để bảo đảm TT ATGT đường sắt, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm các quy định như: không lấn chiếm hành lang gây mất ATGT đường sắt, không mở đường dân sinh trái phép, chấp hành hiệu lệnh của nhân viêc gác chắn... Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường sửa chữa, bảo vệ hành lang đường sắt; xây dựng các tuyến đường gom dân sinh...
Nhờ đó, tình hình ATGT đường sắt cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên, theo thống kê, trong số 286 điểm đường ngang dân sinh trái phép, mới chỉ có 23 điểm có gác chắn. Trong khi đó, tại các khu vực nội thị, trung tâm thị trấn, mật độ dân cư tương đối đông, nhiều hộ dân vẫn hàng ngày sinh sống 2 bên đường sắt nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, nhất là khi ý thức của người dân còn rất hạn chế. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT đường sắt, làm 1 người chết, bị thương 2 người; 2 tháng đầu năm, xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết.
Cụ thể, vào hồi 10 giờ 45 phút, ngày 28/2, tại Km206+450 thuộc địa phận thôn 6, xã An Bình, huyện Văn Yên xảy ra tai nạn do tàu hàng số hiệu 27T1 đi hướng Lào Cai - Hà Nội đâm phải người đi bộ trên đường ray, khiến chị P.T.T, sinh năm 1971, trú tại thôn Sân Bay, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên tử vong.
Qua đánh giá của ngành chức năng, các vụ tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nhất là các tuyến đường ngang dân sinh, do người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành đúng các quy định khi vượt qua đường sắt.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Yên Lào cho biết: "Để bảo đảm an toàn tại các điểm giao cắt này, Công ty đã tiến hành thay tấm đan bê tông bảo đảm độ êm thuận cho người tham gia giao thông; đồng thời, đóng 13 đường ngang trái phép trên địa bàn xã Nga Quán (huyện Trấn Yên), thực hiện cắm biển cảnh báo tại 86 điểm, thu hẹp lối đi hạn chế xe cơ giới 46 điểm; tổ chức cho sinh viên tình nguyện cảnh giới tại các lối đi dân sinh có mật độ tham gia giao thông cao như: Km152+600 vào Đền Tuần Quán và Km159+990 vào xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), Km169+070 vào xã Việt Thành (huyện Trấn Yên)...".
Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện việc nâng cấp đường ngang dân sinh thành đường ngang có gác tại Km224+250 thuộc xã Lang Thíp và Km189+020 thuộc xã Mậu Đông (huyện Văn Yên), lắp đèn tín hiệu bổ sung tại các đường ngang: Km199+300, Km201+100, Km210+950, Km220+355 nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Công ty còn phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Đường sắt và các quy định xử phạt đối với người vi phạm thông qua các phương tiện truyền thông và tuyên truyền trực tiếp bằng miệng. Đối tượng phổ biến sẽ là nhân dân các xã, phường và các trường học có đường sắt đi qua.
Cùng với đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, cắm mốc giới hạn hành lang an toàn; xây dựng bổ sung hệ thống hàng rào, đường gom tại các điểm có mật độ tham gia giao thông cao và khu vực đông dân cư; tiếp tục kiểm tra, rào thu hẹp các lối đi dân sinh để hạn chế xe cơ giới qua lại; bổ sung biển cảnh báo tại các lối đi dân sinh còn lại. Đặc biệt, công tác xã hội hóa việc bảo đảm ATGT đường sắt cần được đẩy mạnh hơn nữa. Để làm tốt điều này, các địa phương cần tích cực trong việc phối hợp với ngành đường sắt để xây dựng gác chắn, đào tạo và bộ trí nhân lực tại các điểm này; kiểm tra, rà soát các điểm giao cắt, tổ chức giải tỏa, bảo đảm tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ, đường sắt; nâng cấp, cải tạo các đường ngang tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận; cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc trên đường bộ địa phương quản lý.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Ngày 22/3, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức buổi tọa đàm về công tác bảo đảm trật tự an toan giao thông (ATGT) khu vực miền núi phía Bắc.
YBĐT - Ngày hội An toàn giao thông khu vực miền núi phía Bắc năm 2015 sẽ chính thức được tổ chức tại tỉnh Yên Bái, với sự tham gia của 14 tỉnh trong khu vực. Về quy mô - đây là sự kiện được tổ chức lớn nhất từ trước đến nay. Xung quanh công tác chuẩn bị và các hoạt hoạt động chính sẽ diễn ra trong Ngày hội, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban ATGT tỉnh Yên Bái về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
YBĐT - Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBATGTQG ngày 13/3/2015 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc tổ chức Ngày hội an toàn giao thông (ATGT), ngày 22/3/2015 tới đây, tại Quảng trường 19/8, thành phố Yên Bái, UBND tỉnh Yên Bái sẽ phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Ngày hội an toàn giao thông khu vực miền núi phía Bắc 2015.
Ngày 18-3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có cuộc họp về công tác tăng cường kiểm soát, xử lý đường ngang và cứu hộ, cứu nạn đường sắt.