Đầu tiên, phải kể đến "Ngày hội ATGT tỉnh Yên Bái” do UBND tỉnh phối hợp với các ngành tổ chức, thu hút 5.000 người tham gia với nhiều hoạt động sôi nổi như: triển lãm ảnh về ATGT, thi vẽ tranh "Chúng em với ATGT”...
Ngoài ra, nhiều hoạt động giáo dục ATGT trong trường học cũng được triển khai đậm nét, mang lại hiệu quả, trong đó Ban ATGT tỉnh phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á phát trên 1.500 mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em tại 6 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên; tổ chức lắp đặt 21 pa - nô tuyên truyền tại các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa tại 15 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh với trên 15.000 học sinh và giáo viên tham gia.
Điểm nhấn rõ nét trong chiến dịch truyền thông năm là hoạt động tuyên truyền được triển khai theo các chuyên đề như: quy tắc giao thông đường bộ, sử dụng làn đường; phòng, chống uống rượu bia đối với lái xe; đội MBH; quy tắc an toàn khi vượt qua đường sắt, hành lang ATGT đường sắt; điều kiện bảo đảm an toàn phương tiện thủy chở khách; vận động người đi đò sử dụng dụng cụ nổi cá nhân…
Ông Trần Xuân Quyết - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh nhận định: "Những giải pháp tuyên truyền này đã mang lại những hiệu quả nhất định, ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt”.
Trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương triển khai nhiều chuyên đề, đợt cao điểm ra quân tập trung xử lý vi phạm trực tiếp gây TNGT. Thông qua những chuyên đề này, lực lượng cảnh sát vừa kết hợp tuyên truyền với xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, góp phần răn đe, nâng cao nhận thức và hạn chế tối đa các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn.
Điểm nổi bật có tính đột phá trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm là sự phối hợp chặt chẽ 3 lực lượng gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự. Qua đó, các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý triệt để, góp phần đảm bảo TTATGT.
Cùng với đó, các ngành chức năng cũng nỗ lực sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng cơ sở giao thông.
Nhờ đó, kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được cải thiện, ngày một tốt hơn, đặc biệt là các tuyến đường trọng điểm đã được quan tâm đầu tư sửa chữa như quốc lộ 37, quốc lộ 32C, 2D...; các tuyến đường nội thị của các huyện, thành phố cũng được đầu tư nâng cấp, hệ thống vỉa hè đã được chỉnh trang, thông thoáng; hệ thống biển báo hiệu, đèn tín hiệu được đầu tư và sửa chữa kịp thời. Bằng cách làm mềm mỏng, quyết liệt, hợp lòng dân, công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ đã tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ khi người người, nhà nhà tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Diện mạo đường sá, đô thị sạch đẹp, thông thoáng đã giúp người dân tham gia giao thông thuận tiện, an toàn, hạn chế TNGT.
Với nỗ lực của các cấp, ngành, lực lượng chức năng, công tác bảo đảm TTATGT trong năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí. Quan trọng hơn, nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông từ đô thị tới nông thôn được nâng lên rõ rệt. Đánh giá của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cho thấy, trong năm 2017 tỷ lệ đội MBH khi tham gia giao thông ở Yên Bái đạt trên 90%.
Hùng Cường