Thời gian qua, các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu, bia điều khiển diễn ra khá phổ biến và nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về tác hại, chế tài xử phạt của pháp luật đối với lái xe sử dụng rượu, bia cũng như những giải pháp của lực lượng chức năng trong thời gian tới, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Hữu Biên - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh.
P.V: Xin đồng chí cho biết, thời gian qua, tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh diễn ra như thế nào? Tác hại của việc lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông ra sao?
Đại tá Nguyễn Hữu Biên: Thời gian qua, tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2019 đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành tuần tra, phát hiện trên 20.000 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT đường bộ, xử phạt hơn 18.600 trường hợp, trong đó có 454 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 1/5 tổng số vi phạm, tăng hơn 100 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018.
Về tác hại của rượu, bia, theo kết quả nghiên cứu, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển, tự chủ, phản xạ và thị lực… gây ước tính sai về khoảng cách. Người dùng rượu, bia nhiều sẽ gây ức chế thần kinh, dễ bị kích động, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên, không kiểm soát được các hành vi của mình.
Đặc biệt, khi điều khiển phương tiện thường hay vi phạm trật tự ATGT như: chạy quá tốc độ quy định, chạy không đúng phần đường, làn đường, lạng lách, vượt không bảo đảm an toàn… Đây đều là những hành vi vi phạm nguy hiểm, dễ gây TNGT vì khi có tình huống đột ngột xảy ra thì xử lý chậm. Vì vậy, khi đã uống rượu, bia thì chúng ta không được điều khiển xe. Cách tốt nhất là đi nhờ người thân, bạn bè hoặc taxi để di chuyển sau khi đã uống rượu, bia.
P.V: Xin đồng chí cho biết trong trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông gây tai nạn sẽ bị xử lý như thế nào?
Đại tá Nguyễn Hữu Biên: Các trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, gây TNGT thì căn cứ mức độ thiệt hại sẽ áp dụng các hình thức xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.
Đối với các vụ TNGT gây hậu quả chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì lái xe gây tai nạn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 46 của Chính phủ.
Đối với các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng (theo tính chất, mức độ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản) thì lái xe gây tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017.
P.V: Để bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Hữu Biên: Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh và căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, nhằm hạn chế tối đa tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 86, ngày 22/4/2019 và Kế hoạch số 105, ngày 9/5/2019 về tổ chức kiểm tra ma túy, nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Theo đó, chỉ đạo các tổ tuần tra tăng cường thời gian tuần tra, kiểm soát, bố trí lực lượng, phương tiện, các trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí công cụ hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này; phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh để tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là các lái xe nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
P.V (thực hiện)