Ngay sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, các cấp, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân; đồng thời, tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Chế tài xử phạt được nâng cao cùng với việc ra quân xử lý nghiêm, quyết liệt của lực lượng công an đã tạo sức răn đe lớn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Nhờ đó, tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia giảm hẳn.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, một vài tháng trở lại đây, tại một số địa phương, nhiều người dân có dấu hiệu chủ quan, tình trạng vi phạm về nồng độ cồn có xu hướng gia tăng trở lại.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm, nhiều chương trình tổng kết, hội họp và cưới xin, tình trạng tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia có xu hướng gia tăng. Do vậy, các lực lượng chức năng, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về nồng độ cồn; đồng thời, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, hạn chế tối đa nguy cơ TNGT do người điều khiển sử dụng rượu, bia gây ra.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Hưng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, nếu lực lượng cảnh sát giao thông không tăng cường tuần tra xử lý thì tình trạng vi phạm nồng độ cồn lại tiếp tục diễn ra phổ biến, thậm chí nhiều người uống khá say nhưng vẫn lái xe, nguy cơ gây tai nạn là rất lớn.
Do đó, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh trong nhân dân để chấp hành tốt Nghị định số 100 của Chính phủ, từng bước đẩy lùi TNGT do lái xe uống rượu, bia gây ra. Đặc biệt, trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, tình hình TTATGT được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.
Để kiểm soát tình hình, lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nói chung và vi phạm nồng độ cồn nói riêng.
Trong đó, cùng với công tác tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường trọng điểm như quốc lộ, lực lượng công an sẽ tăng cường phối hợp xử lý các vi phạm trên các tuyến từ thành thị đến nông thôn nhằm góp phần hạn chế TNGT. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp với các trường học, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng công an toàn tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp công tác đảm bảo TTATGT; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, từng bước hình thành thói quen "Đã uống rượu, bia không lái xe”.
Đồng thời vận động, triển khai mô hình đưa đón khách tại các nhà hàng; thực hiện ký cam kết với doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuân thủ các quy định về ATGT trên các phương tiện; tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức về pháp luật cho đội ngũ lái xe chuyên nghiệp trên địa bàn...
Hùng Cường