Năm 2020, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm sáng. Công tác tuyên truyền thực hiện Luật Giao thông đường bộ được triển khai sâu rộng tới các cấp, các ngành và nhân dân; đồng thời, phát động các phong trào thi đua tạo động lực để các cấp, các ngành và người dân tham gia thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh.
Qua tổ chức các buổi tuyên truyền với nhiều hình thức, ý thức, nhận thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông đã nâng lên rõ rệt, các hành vi vi phạm TTATGT, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh liên tục giảm theo các năm và giảm trên cả 3 tiêu chí.
Nếu như năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 164 vụ TNGT, làm 40 người chết, 194 người bị thương thì trong năm 2020 xảy ra 127 vụ, làm 37 người chết và 141 người bị thương; hư hỏng 78 xe ô tô, 136 xe mô tô, còn lại là các phương tiện khác, thiệt hại tài sản ước trên 2,5 tỷ đồng. Như vậy, so với 2019, số vụ TNGT giảm 37 vụ, bằng 22,6%; giảm 3 người chết, bằng 7,5%; giảm 53 người bị thương, bằng 27,3%. Tình trạng ùn tắc giao thông gần như không có.
Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm được tăng cường, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức 10.666 ca, 52.377 lượt với trên 231.000 giờ, phát hiện và xử lý 46.631 trường hợp vi phạm, tạm giữ 223 xe ô tô, 5.247 xe mô tô… Phạt tiền 41.047 trường hợp, thu nộp ngân sách trên 23 tỷ đồng; cảnh cáo 720 trường hợp; tước giấy phép lái xe 2.428 trường hợp.
Đặc biệt, thực hiện kế hoạch xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn đã phát hiện 42 trường hợp dương tính với ma túy; 1.856 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Lực lượng thanh tra giao thông tổ chức 203 cuộc kiểm tra các vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm soát tải trọng xe, vận tải hành khách… với 5.172 đối tượng, lập biên bản và ra quyết định xử lý 354 đối tượng vi phạm, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước 846 triệu đồng; tước 58 giấy phép lái xe, tạm giữ 5 phương tiện…
Kết quả xử lý vi phạm đã góp phần làm chuyển biến, nâng cao ý thức chấp hành luật cho người tham gia giao thông và được nhân dân đồng thuận, ủng hộ cao. Để đạt được những kết quả trên, không thể không nói đến sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; đặc biệt là được đông đảo quần chúng nhân dân đồng thuận ủng hộ.
Các ngành, các ban ATGT các địa phương vào cuộc với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, thường xuyên tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua, gắn trách nhiệm người đứng đầu. Hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp; các tuyến giao thông đô thị, giao thông nông thôn đều đã vào cấp. Các điểm đen, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT đều có các giải pháp và được xử lý kịp thời.
2020 cũng là năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và chỉ đạo của Chính phủ về hạn chế các hoạt động trong lĩnh vực giao thông, thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 đã được các cấp triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa và đồng thuận của nhân dân.
Thực tế cho thấy, tình hình TNGT trên địa bàn đã giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, tình hình vi phạm TTATGT của người tham gia giao thông vẫn còn diễn ra thường xuyên, nhất là tình trạng vi phạm nồng độ cồn, vượt quá tốc độ quy định, chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm… dẫn đến số vụ TNGT giảm nhưng vẫn ở mức cao. Ý thức người dân về chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT, văn hóa giao thông còn hạn chế…
Để đảm bảo TTATGT, giảm thiểu TNGT trong năm 2021 và những năm tiếp theo, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành; trách nhiệm của các lực lượng chức năng thực thi công vụ bảo đảm TTATGT. Tiếp tục đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả các công trình giao thông.
Siết chặt quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe, đăng kiểm, kiểm soát tải trọng phương tiện. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, văn hóa giao thông tới các lái xe và mỗi người dân.
Thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa nguy cơ xảy ra TNGT, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, rà soát lắp đặt các biển báo giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy. Các địa phương cần làm rõ nguyên nhân xảy ra TNGT và đề ra các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh phù hợp với thực tế ở địa phương mình.
Ngọc Trúc