Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến hết ngày 31/12/2021, cả nước có 103.000 xe trong tổng số 205.000 xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo đã lắp camera giám sát, đạt tỷ lệ gần 50%.
Tuy nhiên, thống kê của các Sở Giao thông Vận tải, số xe ôtô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là hơn 79.500 xe. Số lượng phương tiện đang hoạt động kinh doanh vận tải là hơn 126.000 xe.
Như vậy, tỷ lệ số lượng xe đang hoạt động đã lắp camera đạt hơn 81% (103.000 xe trong tổng số 126.000 xe).
Trong đó, xe du lịch từ 9 chỗ trở lên đạt 100%, xe khách tuyến cố định 91%, xe hợp đồng 69%, xe container 82% và xe đầu kéo 78%. Các tỉnh đạt tỷ lệ cao gồm: Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang 100%; Nam Định, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Lai Châu trên 90%.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, qua theo dõi cho thấy, từ ngày 1/1/2022, các xe có hoạt động kinh doanh vận tải đã thực hiện quy định lắp đặt camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Tuy nhiên, số lượng phương tiện ngừng hoạt động và chưa thực hiện lắp camera vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Để đảm bảo công tác lắp đặt camera đúng theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021 và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có văn bản gửi các địa phương tăng cường tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải có kế hoạch lắp đặt camera nhằm đảm bảo lắp đặt đầy đủ và duy trì hoạt động trước khi đưa phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định.
Qua kiểm tra của các đơn vị chức năng, phần lớn doanh nghiệp lắp camera đúng Tiêu chuẩn (TCVN13396 về tiêu chuẩn camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, song vẫn còn có nhà xe chưa tìm hiểu kỹ nên mua các thiết bị trôi nổi, chưa đảm bảo kết nối dữ liệu tới cơ quan quản lý.
Theo đại diện Chi hội giám sát hành trình, các nhà xe đang trang bị camera giám sát theo hai xu hướng là rời và tích hợp. Xu hướng rời phải sử dụng camera và một thiết bị giám sát hành trình đã lắp trước đây, gây hại ắc quy và phải dùng tới 2 sim nên tốn kém chi phí duy trì.
Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cắt sóng 2G, đơn vị vận tải đang sử dụng thiết bị giám sát hành trình sóng 2G sẽ phải nâng cấp lên 4G.
Xu hướng tích hợp thực hiện theo quy chuẩn TCVN13396, tích hợp giữa camera và thiết bị giám sát hành trình bằng một thiết bị duy nhất trên xe. Sử dụng thiết bị này doanh nghiệp khắc phục được các nhược điểm trên và không tốn kém chi phí nâng cấp sau này.
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình trước ngày 1/7/2021.
Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cho phép lùi thời hạn xử phạt hành vi không lắp thiết bị này đến hết ngày 31/12/2021.
Trong khi đó, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera. Phương tiện bị thu hồi phù hiệu 1-3 tháng.
(Theo Vietnam+)