Cảnh sát giao thông sẽ gửi thông tin tài xế sử dụng ma tuý về địa phương, đơn vị

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/3/2022 | 3:32:15 PM

Khi phát hiện tài xế sử dụng ma túy sẽ lập danh sách gửi tới các cơ quan, tổ chức và UBND nơi tài xế làm việc và cư trú để có biện pháp quản lý. ​

CSGT lập biên bản trường hợp lái xe dương tính với ma túy trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
CSGT lập biên bản trường hợp lái xe dương tính với ma túy trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, ngày 1/3, Bộ Công an ban hành kế hoạch CSGT toàn quốc sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn và ma túy đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Thời gian thực hiện liên tục và kéo dài trong cả năm 2022. 

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, cùng với kế hoạch đó, kết hợp việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 lực lượng CSGT sẽ nắm bắt rất chặt chẽ những cái tuyến đường, địa bàn trọng điểm phức tạp, hay những nhà hàng, vũ trường, quán bar để tổ chức lực lượng, phương tiện kiểm soát được người vi phạm hiệu quả. Thời gian thích hợp để kiểm tra là vào cuối giờ trưa, buổi tối.

"Đối với trường hợp kiểm soát lái xe dương tính ma túy, chúng tôi cũng có xác minh để phát hiện những tình tiết, tang vật, đồ vật, dụng cụ sử dụng chất ma túy, ghi nhận lời khai,… tổng hợp thành danh sách để thông báo cho UBND cấp xã, cơ quan đơn vị nơi người đó làm việc, cư trú để có biện pháp quản lý theo quy định của Luật phòng chống ma túy. Từ đó, chúng tôi tìm ra những sơ hở để kiến nghị với Sở Giao thông - Vận tải có biện pháp trong quản lý, đào tạo và sát hạch, cấp đổi GPLX", Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.


Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT.

Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, việc lực lượng CSGT xử lý lái xe sử dụng chất kích thích trên đường mới chỉ là phần ngọn của vấn đề.

"Trong quy định xử phạt nồng độ cồn, mức cao nhất là 30-40 triệu đồng. Và trong cơ thể có chất ma túy mà điều khiển ô tô, mức phạt lên đến 30-40 triệu đồng, tước GPLX lên đến 24 tháng. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải đánh giá cả một quá trình. Cụ thể là việc quản lý người lái xe, nhất là người kinh doanh vận tải.

Bởi, trong quá trình kiểm tra vi phạm, nhất là vi phạm về người điều khiển và sử dụng chất ma túy, chúng tôi nhận thấy một lượng rất là lớn thuộc về người lái xe kinh doanh vận tải, xe tải, xe contener. Cá biệt, có một số trường hợp người lái xe khách cũng có chất ma túy trong cơ thể. Điều này, rất nguy hiểm, và cũng đặt ra cho chúng ta vấn đề là quản lý người lái xe như thế nào?", ông Nhật nói.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật phân tích, chúng ta cũng phải nhìn nhận từ nhiều vấn đề. Từ doanh nghiệp quản lý vận tải, họ không phải chỉ đơn thuần là tiếp nhận người lái xe theo nhu cầu của mình, kiểm tra người lái xe xem có bằng lái xe phù hợp hạng xe mình thuê để điều khiển hay không? Mà chúng ta cũng cần phải quan tâm đến những vấn đề khác như sức khỏe, cả quá trình lái xe an toàn. Ngoài ra, ngoài việc kiểm tra sức khỏe đầu vào, cũng cần phải kiểm tra đột xuất, qua đó, mới phát hiện được lái xe đó có dương tính với ma tuý hay không?

Nếu người lái xe đã vi phạm, cơ quan quản lý người lái xe cũng cần phải có thay đổi trong quản lý và giám sát lái xe và vi phạm của họ. Ví dụ, khi lái xe vi phạm nồng độ cồn, hay vi phạm ma túy ngoài việc bị xử phạt hành chính, tước GPLX, và kết thúc công việc thì cũng cần có đánh dấu, hoặc có biện pháp quản lý nhà nước nào để ngăn chặn và phòng ngừa người lái xe.

"Chúng ta phải có lịch sử lái xe an toàn và chính đó là điều kiện để người lái xe có thể xin việc. Qua đó, có thể chứng minh cho nhà tuyển dụng biết mình là người lái xe an toàn, ổn định, giúp cho công ty tuyển dụng mình hoạt động tốt lên. Và ngay chính việc cấp đổi như thế, cũng hợp lý hơn. Và vấn đề này cũng có đề xuất, áp dụng chấm điểm của người lái xe. Đây cũng là biện pháp quản lý để tăng tính răn đe, chứ không phải chúng ta chỉ sử dụng biện pháp nâng cao mức phạt, hay tước giấy phép", Đại tá Nhật nêu ví dụ.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật dẫn chứng, chỉ trong 5 ngày thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 2.050 trường hợp vi phạm. Trong đó vi phạm nồng độ cồn là 2.031 trường hợp, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy 19 trường hợp. Và ngay trong 2 ngày gần đây nhất, lực lượng CSGT cũng phát hiện 3 trường hợp dương tính với ma túy. Như vậy, cũng phản ánh lên tình trạng vi phạm việc sử dụng các chất cấm đối với lái xe rất nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Nêu vai trò của các công ty, doanh nghiệp trong việc quản lý các tài xế, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, các doanh nghiệp nên có chương trình khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe đột xuất để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của mình, chứ không chỉ nên chạy theo lợi nhuận.

Một vấn đề nữa đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước về người lái xe này cũng phải có trách nhiệm quản lý lái xe để làm sao ngăn chặn được tình trạng vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn, cũng như chất ma túy nhất là đối với lái xe kinh doanh vận tải.

Hiện nay mức xử phạt đối với tài xế và sử dụng ma túy với ô tô từ 30-40 triệu, mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép từ 22-24 tháng. Đây cũng là hình phạt cũng khá nghiêm khắc, nhưng theo Đại tá Nhật thì cũng cần có thêm biện pháp quản lý Nhà nước chặt chẽ.

"Phạt tiền, tước giấy phép là một phần, nhưng quan trọng hơn chúng ta phải có biện pháp quản lý khác. Ví như, làm lái xe kinh doanh vận tải, nếu trong quá trình làm có sử dụng chất ma túy thì rất khó khăn trong việc tìm việc làm. Vì nó được coi như đó là người sẽ không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Mặc dù chúng ta sẽ đồng ý, phải để cho người sử dụng ma túy hòa nhập cộng đồng nếu người ta cai nghiện thành công. Nhưng nếu như người ta vẫn sử dụng ma túy thì cần phải có biện pháp quản lý chặt hơn, bởi đây là nguồn nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến các vụ TNGT thảm khốc", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.

(Theo VTC)

Các tin khác
Hiện trường vụ tai nạn.

Xe tải BKS 17H-005.54 chở dưa hấu đang lưu thông hướng Kon Tum - Quảng Nam bị lật trên đèo Lò Xo khiến tài xế chết tại chỗ, 1 phụ xe bị thương.

Chiếc xe máy tại hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Quốc Phương

Chiều 7/3, trên đường Hùng Vương, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ tai nạn tự ngã xe máy khiến hai thanh niên bị thương.

Tàu du lịch bị chìm ở Cửa Đại khiến 17 người thiệt mạng.

Xét báo cáo của Bộ Công an và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vụ tai nạn giao thông đường thủy trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường bảo đảm an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.

Lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra, nhắc nhở việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa trên hồ Thác Bà.

Ngoài 80 km đường thủy trên hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái còn có hơn 100 km đường thủy nội địa trên sông Hồng, sông Chảy với trên 200 tàu, thuyền, sà lan được đăng ký, đăng kiểm đang hoạt động. Riêng tàu chở khách có khoảng 40 phương tiện hoạt động ở 4 tuyến cố định trên hồ Thác Bà, 5 bến đò ngang sông Hồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục