Những câu chuyện đau buồn, những con số thương vong do hệ lụy của rượu, bia sẽ còn tiếp diễn khi ý thức của người dân trong quá trình tham gia giao thông vẫn còn ở mức thấp.
Bác sĩ Lê Hồng Đức - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 cho biết: "Tôi đã làm việc nhiều năm tại khoa hồi sức - cấp cứu các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương, chứng kiến nhiều cái chết đau lòng, cấp cứu những bệnh nhân bị chấn thương nhưng nồng nặc mùi rượu, bia. Không ít người còn bất hợp tác, thậm chí còn gây gổ với bác sĩ. Tôi chỉ mong muốn cảnh tỉnh mọi người những tác hại ghê gớm của rượu, bia đến sức khỏe con người và cả những nguy hiểm khi điều kiển phương tiện, tham gia giao thông trong tình trạng say rượu. Qua đó, tôi cũng kiến nghị với Nhà nước, cần nâng cao các chế tài xử lý với trường hợp điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 488 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ quan trung ương của các đoàn thể; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã có đủ các chế tài xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đầy đủ và khá chi tiết, thậm chí tăng nặng hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng lái xe sau khi đã uống rượu, bia, thậm chí điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu không phải là hiếm gặp. Vấn đề ở đây chính là ý thức của mỗi người lái xe.
Ông Nguyễn Văn Hải ở thành phố Yên Bái - nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông cho biết: "Tôi gãy 3 xương sườn, gãy cẳng chân bởi một anh lái mô tô trong tình trạng say rượu. Tôi ủng hộ phương án tiếp tục tăng nặng các hình phạt với những trường hợp đã uống rượu bia mà vẫn lái xe. Cần phạt nặng, thu tiền vào ngân sách rồi dùng số tiền đó phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông và hỗ trợ những nạn nhân tai nạn giao thông”.
Người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia thường phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ), buồn ngủ, kỹ năng lái xe giảm, phản xạ kém… Chỉ cần một trong số những yếu tố trên cũng đủ dẫn đến tai nạn giao thông.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm những trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, tiến tới tăng nặng các chế tài xử phạt là giải pháp cần thiết của Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Với mỗi người dân, đã đến lúc chúng ta cần gây dựng phong trào "uống rượu, bia văn minh”, đừng ép nhau uống quá, đã uống rượu, bia thì không lái xe… bởi tác hại của rượu, bia thật khủng khiếp.
Tấn Đạt