“Loạn” xe đi chung, xe kết hợp: Vì sao khó xử lý?

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/6/2022 | 7:43:17 AM

Loại hình “xe đi chung”, “xe kết hợp” đã vi phạm quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng.

Tài xế
Tài xế "xe kết hợp" BKS 22A – 142.65 ngang nhiên dừng đón khách tại quán Thuỷ Mộc trên đường Võ Chí Công (Hà Nội) để về Tuyên Quang

Ngày 29/6, Báo Giao thông đăng tải bài viết "Loạn” xe đi chung, xe kết hợp chở khách liên tỉnh” phản ánh tình trạng xe đi chung, xe kết hợp không đăng ký kinh doanh vận tải ngang nhiên gom, đón trả khách vận chuyển liên tỉnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với khách hàng.

"Loạn” xe đi chung, xe kết hợp: vì sao khó xử lý?

Tài xế "xe kết hợp" BKS 22A - 142.65 ngang nhiên dừng đón khách tại quán Thuỷ Mộc trên đường Võ Chí Công (Hà Nội) để về Tuyên Quang

Theo Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hành vi này đã vi phạm Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Những "xe đi chung”, "xe kết hợp” mà Báo Giao thông đã phản ánh, chở khách và có thu tiền của hành khách tức là có hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.

Điều này đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 14 - 20 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải.

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Lê Tuấn Giang, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Yên Bái cho biết, bản chất của những "xe đi chung”, "xe kết hợp” hoạt động kinh doanh vận tải hành khách nhưng không đăng ký kinh doanh. Đây là một hình thức "lách luật” để trốn thuế và tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng với các loại hình vận tải hành khách khác, trong đó có vận tải hành khách tuyến cố định.

Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Yên Bái từng có đơn kiến nghị, phản ánh đến Sở GTVT về hoạt động của những "xe đi chung”, "xe đi ghép”.

Một chủ doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định Yên Bái - Hà Nội cho biết, vận tải hành khách tuyến cố định vốn gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhiều thời điểm phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.

Đến nay, khi được hoạt động trở lại, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá xăng dầu tăng liên tục và hoạt động của loại hình "xe đi ghép”, "xe đi chung” "lôi kéo” nhiều hành khách.

"Doanh nghiệp đang phải hoạt động "cầm chừng” và cố gắng tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động để gắng gượng qua giai đoạn này. Nếu như xe khách tuyến cố định phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh vận tải, phải chạy theo đúng thời gian, luồng tuyến, lộ trình đăng ký thì những "xe đi ghép” chạy liên tục, đưa, đón khách khắp TP Yên Bái và nội thành Hà Nội, dừng, đỗ bất cứ chỗ nào mà không mất tiền bến bãi, không phải nộp thuế cho Nhà nước.

Cũng nhờ đây, những xe này đi nhanh hơn, tiện hơn, thu hút được nhiều khách hàng. Loại hình dịch vụ này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống nói chung và xe khách theo tuyến cố định nói riêng”, chủ doanh nghiệp này nhấn mạnh.

Theo tính toán của PV, với chiếc xe Kia Sedona BKS 22A - 142.65 chở 7 hành khách từ Hà Nội - Tuyên Quang mà Báo Giao thông ghi nhận sáng 27/6 với giá vé 250.000 đồng/người. Tổng số tiền thu về 1.750.000 đồng/chuyến. Mỗi ngày những chiếc xe này chạy trung bình 2 chuyến (lượt đi và lượt về), số tiền thu được 3.500.000 đồng/ngày.

Tuy nhiên, theo sổ mua xăng dầu của chiếc xe này, cứ cách 2 ngày mới phải đổ xăng một lần, số tiền đổ xăng dao động từ 1,4 - 1,9 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cầu đường chỉ mất vài chục nghìn đồng (do xe đến nút giao IC4 đã ra khỏi cao tốc Nội Bài - Lào Cai).

Điều này cũng đồng nghĩa với việc tổng chi phí trong 2 ngày đi của những chiếc xe này chỉ dao động khoảng hơn 2 triệu đồng (chỉ mất phí xăng dầu, cầu đường và không phải chịu thuế, phí bến bãi khác). Tính ra lãi đến gần 5 triệu đồng cho 2 ngày, mỗi ngày gần 2,5 triệu đồng cho một đầu xe.

Ông Lưu Việt Anh, Phó Giám đốc Sở GTVT Tuyên Quang khẳng định, hoạt động của các "xe đi chung”, "xe kết hợp” là hành vi trốn thuế, không đăng ký kinh doanh vận tải nên khó quản lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do không biết thân nhân tài xế là người như thế nào. Đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến các loại hình vận tải hành khách truyền thống.

"Loại hình này mới đầu chỉ có 1-2 người có xe cá nhân hoạt động tự phát, sau nhiều người thấy hiệu quả, cũng mua xe để nhận chở khách, dần dần hình thành một đội xe để phân chia hành khách với nhau. Sau đó xuất hiện thêm hình thức tổ chức, cùng góp vốn đầu tư phương tiện và thuê tài xế chạy.

Đến nay, theo ghi nhận có khoảng gần 200 xe tại Tuyên Quang hoạt động bằng hình thức này”, ông Việt Anh nói thêm và bày tỏ lo lắng khi hiện nay chưa có cách nào quản lý loại xe này mà việc xử lý lại gặp nhiều khó khăn.

Sổ theo dõi mua xăng dầu của xe BKS 22A - 142.65 cho thấy cứ cách 2 ngày chiếc xe này mới phải đổ xăng một lần. Ngoài phí xăng dầu và cầu đường, những chiếc "xe đi chung", "xe kết hợp" không nộp thêm bất kỳ loại thuế, phí nào khác

Khó xử lý vì sao?

Dù đã có quy định và chế tài xử phạt tuy nhiên lực lượng chức năng tại các địa phương cho biết rất khó để quản lý và xử lý loại hình vận tải "xe đi ghép”, "xe đi chung”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Nam, Chánh thanh tra Sở GTVT Yên Bái cho biết, do không đăng ký kinh doanh vận tải, không có phù hiệu, biển số xe lại nền trắng, hoạt động không khác gì xe cá nhân, gia đình nên rất khó để phát hiện vi phạm.

Để xử lý được các xe này, lực lượng chức năng phải cử người theo dõi, giám sát ghi hình, thậm chí "cài cắm” người giả làm hành khách để thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, lực lượng mỏng nên không thể thực hiện thường xuyên, liên tục.

Chưa kể, các chủ xe, tài xế cũng rất "thủ đoạn” khi sử dụng "chim mồi”, "hoa tiêu” theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để mật báo với các tài xế hòng thay đổi lộ trình, né tránh việc kiểm tra.

Thậm chí, để xử lý một chiếc xe có dấu hiệu vi phạm, lực lượng TTGT Yên Bái phải mất nhiều ngày liền mật phục. Đơn cử, tháng 1/2022, theo phản ánh của Công ty cổ phần vận tải thuỷ bộ Yên Bái về việc xuất hiện xe ô tô BKS 21F-000.66 dừng, đỗ trước cửa bến xe để đón khách.

Ngày 12/1/2022, Thanh tra Sở GTVT Yên Bái đã lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) đối với lái xe Phạm Anh Tú điều khiển xe 16 chỗ BKS 21F-000.66 với hành vi "Vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không có hoặc không mang theo Lệnh vận chuyển hoặc có mang theo Lệnh vận chuyển nhưng không ghi đầy đủ thông tin, không có xác nhận của bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến theo quy định" theo quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX 2 tháng từ ngày 13/1/2022.

Sau đó, liên tiếp trong các ngày 24-27/1/2022, TTGT Yên Bái thường xuyên cử người giám sát ghi hình tại bến xe và một số vị trí theo phản ánh chiếc xe này hay dừng đón khách.

Qua quá trình thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, TTGT Yên Bái đã phát hiện và lập biên bản VPHC đối với lái xe Phạm Anh Tú về hành vi: Điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu (biển hiệu) không do cơ quan có thẩm quyền cấp, quy định, phạt tiền 6 triệu đồng.

Cơ quan này cũng lập biên bản VPHC đối với bà Trần Thị Tâm, chủ phương tiện này về hành vi: Giao phương tiện cho người làm công điều khiển phương tiện vi phạm quy định tại Nghị định 100, số tiền xử phạt 7 triệu đồng.

Lái xe Phạm Anh Tú cũng bị tước quyền sử dụng GPLX 2 tháng.

"Dù hoạt động trái quy định pháp luật nhưng những chiếc "xe đi ghép”, "xe kết hợp” lại rất được lòng khách hàng, người dân mong muốn sử dụng vì tiện lợi. Chính vì thế khi lực lượng chức năng kiểm tra đã "hùa” vào bảo vệ tài xế, nhận là người nhà nhờ chở đi có việc khiến công tác đấu tranh, xử lý gặp khó khăn.

Loại hình vận tải trái phép này đang khiến các phương tiện chở khách tuyến cố định rơi vào cảnh chật vật, không thể chịu nổi do không có khách đi xe trong khi phải chịu thuế, phí và sức ép lớn từ giá xăng dầu”, - ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở GTVT Tuyên Quang. 

Cũng tương tự như ở Yên Bái, trước sự "nở rộ” của loại hình "xe đi ghép”, "xe kết hợp”, các đơn vị kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã làm đơn phản ánh đến Sở GTVT.

Ngay sau đó, Sở GTVT Tuyên Quang đã chỉ đạo TTGT phối hợp với lực lượng CSGT kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm một số cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải khách dưới hình thức hợp đồng về các hành vi: Chở khách theo hợp đồng thu tiền của từng khách đi xe; Không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định; Chở khách theo hợp đồng nhưng không mang theo hợp đồng vận chuyển,...

"Đối với các nhóm taxi kết hợp, xe đi chung,.. do không thực hiện các thủ tục để quản lý, các xe này hoạt động như các xe cá nhân không kinh doanh vận tải dẫn đến việc theo dõi, quản lý, xử lý gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi hành khách tự lựa chọn dịch vụ, tự liên hệ nên không có sự phối hợp xác minh của hành khách đi xe, không chứng minh được vi phạm nếu chủ xe thỏa thuận với hành khách,…”, đại diện TTGT tỉnh Tuyên Quang cho biết.

Về phía lực lượng CSGT, Thiếu tá Vũ Hoàng Anh Tuấn, Đội trưởng đội CSGT-TT, CATP Tuyên Quang cũng cho biết, đơn vị từng huy động tối đa quân số để phát hiện vi phạm và kiểm tra, xử lý hoạt động của "xe đi chung”, "xe kết hợp” trên địa bàn.

Cơ quan này còn cử cán bộ, chiến sỹ xuống Hà Nội, giả làm hành khách để đặt "xe đi chung”, "xe kết hợp” về Tuyên Quang nhằm thu thập chứng cứ về việc gom, đón trả khách, thu tiền trực tiếp hành khách và thông báo vị trí chiếc xe để lực lượng CSGT tại Tuyên Quang "đón lõng” kiểm tra, xử lý.

Tuy nhiên, cách thức này chỉ áp dụng được trong thời gian ngắn bởi các tài xế sau đó lập tức phát hiện, thông tin có lực lượng chức năng "cài cắm” trên xe bị lộ. Có trường hợp tài xế chở khách (trong đó có cán bộ, chiến sỹ CSGT Công an TP. Tuyên Quang) đi lòng vòng rồi thả xuống giữa đường tại Sơn Dương với lý do "có việc gấp phải quay lại Hà Nội” để né tránh việc bị xử lý khi về đến TP. Tuyên Quang.

Theo lực lượng chức năng các tỉnh, việc chứng minh các "xe đi chung”, "xe kết hợp” vận chuyển khách dù không đăng ký kinh doanh vận tải thực sự gặp nhiều khó khăn, do không có sự hợp tác của người dân trong việc "tố giác”, rò rỉ thông tin lực lượng chức năng "cài cắm” người giả làm hành khách, hiện tượng "chim mồi” báo vị trí lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Trong khi đó, nếu không chứng minh được sẽ không có căn cứ để lập biên bản xử lý theo quy định pháp luật.

(Theo Báo Giao thông)

Các tin khác

Thực hiện kế hoạch của Công an tỉnh Yên Bái, bắt đầu từ sáng 20/6, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) công an huyện Văn Yên đã ra quân đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Số 0 được sửa thành 8, số 1 thành 4.

Các tài xế “hô biến” chữ E thành F, số 0 được sửa thành 8… để né camera xử phạt nguội. Việc này vừa gây khó khăn cho công tác quản lý vừa khiến nhiều người bị phạt oan.

Với quy định mới trong đào tạo, sát hạch cấp GPLX, người học sẽ khó để lấy được bằng lái xe hơn trước đây.

Trong ngày đầu TP.HCM áp dụng sát hạch bằng lái xe theo hình thức mới đã có tới 44% học viên không đạt yêu cầu.

Lực lượng chức năng cưa thùng xe.

Từ ngày 20/6 đến nay, cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước đã xử phạt gần 2.700 trường hợp cơi nới thùng xe, chở quá tải trọng, phạt gần 12 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục