Việc đưa vào sử dụng hệ thống "mắt thần” giám sát giao thông đã góp phần quan trọng để chấn chỉnh, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cũng như bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn.
Là người làm dịch vụ taxi, thường xuyên di chuyển trên đường nên ngay khi nắm được thông tin lực lượng chức năng sẽ triển khai "phạt nguội” vi phạm giao thông trên nhiều tuyến đường, anh Nguyễn Thanh Tùng, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái đã chủ động nắm thông tin và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
"Lâu nay, mỗi khi không thấy lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ là nhiều người lại có tư tưởng chủ quan, phớt lờ các quy định, quy tắc tham gia giao thông nên thường dẫn đến các va chạm, TNGT. Vì thế, khi hệ thống camera giám sát được các cơ quan chức năng vận hành để xử phạt vi phạm thì tất cả mọi người đều phải nâng cao y thức chấp hành pháp luật ATGT. Bản thân tôi đã tự ý thức về điều này và dần trở thành thói quen chấp hành nghiêm túc mỗi khi tham gia giao thông để không vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính” - anh Tùng cho biết thêm.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Văn Long, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho biết: "Trước đây, mỗi khi đèn đỏ, các phương tiện dừng đỗ rất lộn xộn, không tuân thủ theo vạch kẻ đường, nhưng từ khi hệ thống camera giám sát thông minh được đưa vào sử dụng, tôi thấy tình trạng này đã giảm hẳn. Nhiều người bạn của tôi sau khi nhận thông báo "phạt nguội” đã rút kinh nghiệm và thay đổi hẳn hành vi khi tham gia giao thông bằng cách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT”.
Qua ghi nhận, sau triển khai "phạt nguội”, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 549 trường hợp vi phạm, trong đó có 15 xe khách, 32 xe tải, 502 xe con với các vi phạm chủ yếu như: chạy quá tốc độ quy định 388 trường hợp, (9 xe khách, 18 xe tải, 361 xe con), không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông 161 trường hợp (6 xe khách, 14 xe tải, 141 xe con).
Lực lượng cảnh sát giao thông đã gửi thông báo vi phạm đến 549 chủ phương tiện trên toàn quốc. Tại tỉnh Yên Bái, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử lý vi phạm 65 trường hợp vi phạm, phạt tiền 250 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 45 trường hợp.
Được biết, hệ thống "mắt thần” được lắp đặt 26 camera thông minh, tập trung tại các nút giao thông, các tuyến đường trọng điểm và lắp đặt hệ thống phần mềm giám sát xử phạt giao thông (ITMON). Trên cơ sở đó, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ sử dụng dữ liệu, hình ảnh thu được từ hệ thống (cả ban ngày lẫn ban đêm) một cách rõ nét để xử lý theo 2 trường hợp: Trường hợp xử lý trực tiếp, sẽ sử dụng dữ liệu, hình ảnh phương tiện vi phạm của người tham gia giao thông được gửi đến thiết bị hỗ trợ hệ thống giám sát của các tổ tuần tra, kiểm soát công khai của lực lượng cảnh sát giao thông để tiến hành dừng phương tiện, xử lý vi phạm trực tiếp trên tuyến; trường hợp chưa dừng được phương tiện trên tuyến để kiểm soát sẽ dùng dữ liệu, hình ảnh phương tiện vi phạm được trích xuất từ camera giám sát giao thông phục vụ việc xác minh thông tin về chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và hoàn thiện các văn bản gửi về địa phương đó "phạt nguội”.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống giám sát lực lượng chức năng có thể biết được khu vực nào có mật độ phương tiện đông, có thể gây ùn tắc giao thông để kịp thời điều tiết đảm bảo ATGT trên tuyến đường.
Thiếu tá Hà Anh Tú - cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: "Bằng hình thức "phạt nguội”, người vi phạm không phải đến trụ sở của đơn vị quản lý tuyến đường đó để nộp phạt mà chỉ cần đến trụ sở cơ quan công an cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú hoặc nơi ở để thực hiện việc xử phạt. Qua đó, góp phần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, giảm thiểu được thời gian và đi lại của người dân. Sau gần 2 tháng triển khai cho thấy, so với thời gian trước khi thực hiện "phạt nguội”, tình hình TTATGT trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện đã ổn định hơn, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân được nâng lên rõ rệt; tình trạng vi phạm như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu… đã có dấu hiệu giảm dần trong thời gian qua”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh diễn biến tương đối phức tạp, khi các hành vi vi phạm pháp luật ATGT có xu hướng gia tăng. Đi cùng với đó, các vụ TNGT nghiêm trọng, rất nghiêm trọng cũng tăng lên, kéo theo số người chết tăng cao. Mặc dù các lực lượng chức năng đã huy động phương tiện, nhân lực tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, tuy nhiên tình hình vi phạm pháp luật ATGT vẫn diễn biến phức tạp.
Mỗi khi phát hiện lực lượng công an làm nhiệm vụ, người điều khiển phương tiện giao thông lại tìm cách thông tin cho nhau thông qua điện thoại, mạng xã hội để "tránh mặt” lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, do nhân lực mỏng, mật độ phương tiện đông nên lực lượng công an không thể triển khai tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn liên tục trong 24/24h. Vì thế, việc áp dụng "phạt nguội” đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng giảm thiểu tình trạng vi phạm luật giao thông của người điều khiển phương tiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT, hiệu quả về áp dụng pháp luật và đặc biệt đã từng bước giúp mọi người chấp hành tốt hơn quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Có 2 điểm giám sát tốc độ phương tiện giao thông, gồm:
1. Camera giám sát tốc độ phương tiện giao thông trên trục đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái với tốc độ tối đa cho phép đối với xe cơ giới là 60 km/h (trừ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy).
2. Camera giám sát tốc độ phương tiện giao thông trên trục đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái với tốc độ tối đa cho phép đối với xe cơ giới là 60km/h (trừ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy).
Có 7 điểm giám sát các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông đường bộ gồm: khu vực giao nhau giữa các trục đường Trần Phú - Nguyễn Văn Cừ - Âu Cơ (ngã tư quán đá); Điện Biên - Đinh Tiên Hoàng - Yên Ninh - Nguyễn Tất Thành (ngã tư km5); Điện Biên - Quang Trung - Lê Lợi (ngã tư km4); Nguyễn Thái Học - Điện Biên - Hoàng Hoa Thám - Lý Thường Kiệt - Bách Lẫm (ngã 5 Cao Lanh); Lý Thường Kiệt - Lê Hồng Phong - Yên Ninh - Thành Công (ngã tư Nam Cường); Yên Ninh - Kim Đồng - Đá Bia (ngã tư Bệnh viện Sản - Nhi); Nguyễn Tất Thành - Đại Đồng - Nguyễn Văn Mậu, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (ngã 4 thị trấn Yên Bình). |
Cần khắc phục những bất cập, hạn chế
Từ khi được đưa vào vận hành, sử dụng, hệ thống camera giám sát thông minh đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn cần phải giải quyết, xử lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống trong thời gian tới.
Bắt đầu từ 1/3, hệ thống camera giám sát giao thông trên nhiều tuyến đường của thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình đã chính thức được đưa vào sử dụng để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Nhiều vị trí camera bị dây điện, dây cáp quang và cây xanh che khuất, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Trong số 9 điểm lắp đặt camera giám sát thì có 2 điểm giám sát về tốc độ phương tiện giao thông trục đường Âu Cơ và Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái, với tốc độ tối đa cho phép đối với xe cơ giới là 60 km/giờ (trừ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy); còn lại 7 điểm giám sát các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông đường bộ, gồm các hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường; đi không đúng làn đường quy định; vi phạm các quy định về dừng, đỗ…
Sau 2 tháng sử dụng, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 500 trường hợp vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát. Tuy nhiên, quá trình vận hành, sử dụng, hệ thống cũng đã bộc lộ nhiều bất cập khiến công tác xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Qua ghi nhận, tại một số vị trí nhiều cây xanh, dây điện, dây cáp quang kéo ngang ảnh hưởng đến góc quay của camera như tại đường Thành Công, Hoàng Hoa Thám, Lê Hồng Phong; hay nhiều nơi đèn tín hiệu bị hỏng, đèn tối, góc quay camera quá cao so với đèn tín hiệu…, đã phần nào ảnh hưởng đến phát hiện, kiểm duyệt vi phạm của lược lượng chức năng. Bên cạnh đó, hiện nay do tình trạng mua bán phương tiện giao thông không sang tên, đổi chủ diễn ra nhiều, nhất là xe máy, xe điện.
Một số trường hợp chủ phương tiện đã thay đổi địa chỉ cư trú nhưng không khai báo hoặc đeo biển số giả, biển số mờ... khiến quá trình hoàn tất thủ tục xử lý mất rất nhiều thời gian, công sức. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, ngoài những vấn đề trên thì ngay tại đơn vị cũng gặp những khó khăn như hệ thống camera giám sát tại đây chưa được lắp đặt chống sét để đảm bảo an toàn, không có thiết bị lưu điện cho hệ thống máy tính phục vụ quản lý, khai thác, xử lý dữ liệu…
Ngoài ra, việc tra cứu thông tin phương tiện để xử lý vi phạm trên hệ thống cũng gặp không ít khó khăn. Đối với các xe mô tô, xe gắn máy hiện chưa có quy định ràng buộc về pháp lý để yêu cầu chủ phương tiện, cá nhân, tổ chức có liên quan đến cơ quan công an để giải quyết vụ việc vi phạm, do đó khó khăn trong việc thông báo chủ phương tiện, người vi phạm đến giải quyết. Cùng với đó, hiện nay biên chế Tổ vận hành hệ thống mới chỉ có 3 cán bộ, trong khi đó phải có ít nhất 5 đồng chí để đảm nhận công việc nên việc giám sát, xử lý vi phạm còn chưa mang lại hiệu quả.
Thực tế cho thấy, hiện nay vạch kẻ đường tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố đã bị mờ, nhất là tại các ngã ba, ngã tư nên việc xử lý vi phạm về sai làn, lấn làn của các phương tiện gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, hệ thống đèn tín hiệu, biển báo hiệu ở nhiều vị trí cũng chưa đồng bộ, hợp lý với tổ chức giao thông, ảnh hưởng đến việc phát hiện vi phạm của lực lượng chức năng và gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Đơn cử như từ đường Yên Ninh rẽ sang đường Lê Hồng Phong, đường Thành Công ra Lý Thường Kiệt…, ở những vị trí này nếu đèn đỏ mà có một phương tiện ô tô dừng phía trước thì các xe phía sau dù được phép rẽ phải nhưng cũng phải dừng theo, do vướng xe phía trước, nếu lách sang trái là đè vạch hoặc vào đường ngược chiều.
Những bất cập, khó khăn trên đang ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả vận hành của hệ thống camera giám sát giao thông trong việc quản lý, xử lý các vi phạm giao thông. Chính vì vậy, thời gian tới các ngành chức năng cần phối hợp với UBND thành phố xem xét, điều chỉnh những vấn đề còn bất cập, trong đó rà soát hệ thống biển báo, đèn tín hiệu để có những sửa chữa, thay đổi, bổ sung kịp thời; đồng thời nhanh chóng sơn, kẻ lại hệ thống vạch chỉ đường, nhất là tại các ngã ba, ngã tư. Bên cạnh đó, đơn vị quản trị về hệ thống kỹ thuật cần phối hợp với các đơn vị có liên quan để điều chỉnh lại vị trí các điểm camera chưa hợp lý cũng như hệ thống dây điện, dây cáp quang không ảnh hưởng đến góc quay của camera.
Có thể thấy, việc vận hành, đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát giao thông thông minh đang là công cụ đắc lực để lực lượng chức năng quản lý, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT. Tuy nhiên, để hệ thống được vận hành thông suốt, hiệu quả, chính xác thì các ngành chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông như hệ thống các máy móc, phương tiện phục vụ cho quá trình tiếp nhận, xử lý các thông tin, hình ảnh của lực lượng chức năng.
■ Thượng tá Phạm Văn Thảo - Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh:
Việc đưa vào hệ thống camera giám sát giao thông đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; phòng ngừa, răn đe người vi phạm, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác bảo đảm TTATGT, nhất là trong nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; đồng thời có tác dụng trong việc phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến giao thông. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục khắc phục khó khăn về nhân lực, thiết bị để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý vi phạm và tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các điểm cành cây, dây điện che khuất, ảnh hưởng đến góc quay của camera.
■ Anh Nguyễn Ánh Dương, tổ 2, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái:
Hiện nay, tôi thấy tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm giao thông diễn ra tương đối nhiều, nhất là việc không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi sai làn, lấn làn… Vì vậy, thời gian tới tôi mong muốn các ngành chức năng tăng cường sử dụng hệ thống camera giám sát giao thông để xử lý vi phạm liên quan đến đối tượng này. Qua đó, tạo tính răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT cho các em cũng như bảo đảm an toàn cho những người tham gia giao thông. |
Hà Hùng