Phân cấp gắn với thanh tra, kiểm soát
Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực ngày 8/6 đã thể hiện việc phân cấp quản lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát của UBND, Sở GTVT các tỉnh, thành phố.
Cụ thể, thay vì Cục Đăng kiểm VN như trước đây, hiện Sở GTVT địa phương sẽ là đơn vị thực hiện cấp, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định.
Đồng thời, có trách nhiệm tổ chức quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới; thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại Nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan khác trên địa bàn.
Sở GTVT sẽ thông báo (bằng văn bản hoặc thông qua chương trình phần mềm) kết quả thực hiện các nội dung quy định trên đến Cục Đăng kiểm VN và công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT danh sách các đơn vị đăng kiểm được cấp, tạm đình chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe giới; danh sách đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Sở GTVT.
Để Sở GTVT thực hiện công tác này, Nghị định đã quy định Cục Đăng kiểm bàn giao hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới (bản sao có xác nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc bản điện tử) cho Sở GTVT để lưu trữ, quản lý theo thẩm quyền.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định điều khoản chuyển tiếp để các sở GTVT có thời gian chuẩn bị sau khi được phân cấp, phân quyền trong việc thực hiện quy định của nghị định này. Cụ thể, Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục thực hiện cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, đánh giá duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, hoạt động của đơn vị đăng kiểm khi Sở GTVT chưa thực hiện được và có văn bản đề nghị. Tuy nhiên sự hỗ trợ này cũng chỉ duy trì đến hết năm 2025 bởi Nghị định quy định kể từ ngày 1/1/2026, Sở GTVT phải thực hiện các nhiệm vụ này.
"Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, những quy định tại Nghị định 30 sẽ là điều kiện, cơ sở để trong thời gian tới công tác thanh, kiểm tra hiệu quả, thực chất hơn, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân cũng rõ hơn.”
|
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trên phạm vi cả nước; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm;
Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng thống nhất chương trình phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu kiểm định, truyền số liệu, quản lý dữ liệu xe cơ giới kiểm định và cơ sở dữ liệu đăng kiểm viên trên cả nước;
Kết nối, chia sẻ dữ liệu xe cơ giới kiểm định với các cơ quan chức năng để phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước; tổ chức việc cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định đối với các phương tiện vi phạm theo đề nghị của cơ quan chức năng;
Cơ quan này cũng thực hiện việc biên soạn tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ theo đề nghị của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, tổ chức, cá nhân có nhu cầu; phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật bổ sung nghiệp vụ đăng kiểm; hướng dẫn cho Sở GTVT về nghiệp vụ quản lý, kiểm định xe cơ giới;
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm còn có trách nhiệm công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục danh sách các đơn vị đăng kiểm được cấp, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; danh sách đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ.
Theo Cục Đăng kiểm, quy định trên cũng phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đăng kiểm.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, việc phân cấp mạnh mẽ như Nghị định giúp nêu cao vai trò quản lý của các Sở GTVT.
"Là cơ quan quản lý hoạt động về GTVT trên địa bàn, Sở GTVT nắm rõ quy mô phương tiện, khả năng gia tăng mỗi giai đoạn. Khi một doanh nghiệp muốn mở trung tâm đăng kiểm, Sở GTVT địa phương sẽ có trách nhiệm trong việc rà soát, xem xét việc có cần thiết mở thêm trung tâm đăng kiểm trên địa bàn đó hay không, vị trí đặt trạm có phù hợp không, để đảm bảo các đơn vị đăng kiểm hoạt động trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển", ông Quyền khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Quyền, hiện nay, Cục Đăng kiểm VN chưa có chức năng thanh tra chuyên ngành, mới chỉ dừng ở công tác kiểm tra nên chưa phát huy được hiệu quả giám sát, thanh tra trong lĩnh vực đăng kiểm. Trong khi đó, Sở GTVT có lực lượng Thanh tra Sở sẽ có đủ thẩm quyền để thanh tra, phát hiện tồn tại và có chế tài xử lý kịp thời, đủ sức răn đe. Từ đó, góp phần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kiểm định xe cơ giới, nâng cao an toàn phương tiện và bảo vệ tính mạng con người.
Thêm chế tài xử lý đơn vị đăng kiểm tự ý đưa ra yêu cầu làm khó người dân
Bên cạnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động đăng kiểm về địa phương, Nghị định 30 cũng siết chặt công tác quản lý hoạt động này, bổ sung thêm quy định tạm đình chỉ 3 tháng đối với trung tâm đăng kiểm và thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên nếu đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định do Bộ GTVT ban hành về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân; từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trái quy định của pháp luật.
Quy định này được bổ sung dựa trên thực tiễn qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và báo chí về việc thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp TTĐK tự ý ra các yêu cầu làm khó chủ xe như: phải có chứng từ bảo dưỡng mới được kiểm định xe, có giấy uỷ quyền nếu không phải chủ xe đưa đi đăng kiểm,…hay từ chối thực hiện dịch vụ lập hồ sơ phương tiện cho xe thuộc diễn miễn đăng kiểm lần đầu.
Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định: Khi bị tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, đơn vị đăng kiểm phải thực hiện việc khắc phục các vi phạm nêu trong quyết định tạm đình chỉ và chỉ được hoạt động trở lại khi đã hoàn thành việc khắc phục vi phạm đồng thời thông báo về tình hình hoạt động của đơn vị đến Sở GTVT và Cục Đăng kiểm VN nhằm nâng cao ý thức khắc phục vi phạm của các đơn vị.
(Theo Giao thông)