Cấm uống rượu bia trong cơ quan, kể cả liên hoan
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/7/2011 | 7:53:22 AM
Chiều nay 30/6, Bộ Giao thông vận tải đã có tờ trình lên Chính phủ về ban hành Nghị quyết mới “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.
|
Trong dự thảo nghị quyết này, vấn đề tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia được đặt lên hàng đầu.
Nghị quyết mới sắp được ban hành yêu cầu các cơ quan đoàn thể ban hành quy định cấm uống rượu bia trong cơ quan, đơn vị trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, kể cả trong liên hoan, tiếp khách; xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.
Cấm rượu bia trong giờ hành chính là quy định đã được Chính phủ ban hành năm 1996, trong đó có nội dung “Cán bộ công chức đảng viên không được uống rượu bia trong giờ làm việc, kể cả việc tiếp khách”. Nhưng dường như đó vẫn chỉ là quyết định... trên giấy.
Tờ trình của bộ Giao thông vận tải cho biết, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007, Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ, tai nạn giao thông đã được kiềm chế. Đặc biệt việc thực hiện thành công quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy trên toàn quốc và thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp khác của Nghị quyết đã kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trong 3 năm liên tiếp từ năm 2008 đến năm 2010, cụ thể: giảm 791 vụ tai nạn giao thông (giảm 5,4%), giảm 1.744 người chết (giảm 13,2%), giảm 407 người bị thương (giảm 6%).
“Tuy nhiên, kết quả kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian qua chưa thực sự bền vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa”, bộ Giao thông vận tải nhìn nhận, “những tồn tại trên là do sự lơi lỏng trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên liên tục và mạnh mẽ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất yếu kém”.
Bộ này cho rằng, các hành vi vi phạm: đi không đúng phần đường, làn đường; điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ quá tốc độ cho phép; lái xe ô tô sử dụng rượu, bia; điều khiển mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định; người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm… là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và làm tai nạn giao thông tăng cao.
“Để kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cần ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, bộ Giao thông vận tải kiến nghị.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Từ hôm nay 30-6, Nghị định 33 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 34 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực.
Vào lúc 18 giờ ngày 28-6, tại đèo Rào Quán thuộc địa phận Làng Cát (huyện Đakrong, Quảng Trị) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng: một xe tải chở 20 tấn chuối mất lái đã lao xuống vực sâu hơn 100m.
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 23 giờ 50 đêm qua (27/6), trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Vạn Khánh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã khiến 6 người tử vong.
YBĐT - Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa giao thông trong đời sống xã hội, đặc biệt là giới trẻ, Thành đoàn Yên Bái đã tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên thanh niên (ĐVTN) chấp hành Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức.