Gia tăng tình trạng thanh, thiếu niên không đội mũ bảo hiểm
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2011 | 9:44:54 AM
YBĐT - Thời gian gần đây, tình trạng người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm tại thành phố Yên Bái có chiều hướng gia tăng, trong đó tập trung phần lớn ở lứa tuổi thanh thiếu niên…
Còn rất nhiều thanh thiếu niên không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
|
Mỗi năm trung bình trên địa bàn toàn tỉnh có hàng trăm người chết và bị thương vì TNGT, trong số này có 1/3 người chết do không đội mũ bảo hiểm (MBH). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận 361 ca nhập viện vì TNGT thì có đến 198 ca bị chấn thương sọ não.
Thế nhưng, con số này dường như vẫn chưa đủ để cảnh báo khi mà số người chết vì TNGT và những vi phạm không đội MBH vẫn gia tăng. Đặc biệt, thời gian gần đây tình trạng vi phạm này diễn ra khá phổ biến. Trên nhiều tuyến đường có rất nhiều người dân không đội MBH khi tham gia giao thông. Ngay tại thành phố Yên Bái cũng xuất hiện nhiều trường hợp đi xe máy không đội MBH, thậm chí chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ...
Những trường hợp này thường tập trung vào lứa tuổi thanh, thiếu niên và thường diễn ra vào sáng sớm và buổi tối. Trên các tuyến đường của thành phố từ trục đường lớn Điện Biên hay các tuyến đường Yên Ninh, Trần Phú… rất dễ bắt gặp hình ảnh những nam thanh, nữ tú ung dung đi xe máy dạo phố đầu trần.
Cá biệt, trường hợp không đội MBH để thách thức lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Vào những ngày nắng nóng, nhiều người trang bị cho mình những đồ dùng chống nắng bảo vệ làn da nhưng lại quên MBH để bảo vệ tính mạng của chính mình.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) các lực lượng chức năng của thành phố đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, trong đó, tập trung xử lý các lỗi vi phạm như: đi sai phần đường, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, không đội MBH...
Trong 6 tháng, lực lượng CSGT thành phố đã phát hiện và xử lý 1.729 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó, chủ yếu là không đội MBH khi đi xe gắn máy, tạm giữ 183 phương tiện.
Tuy nhiên, những con số trên dường như chưa đủ tính răn đe và tình hình vi phạm về TT ATGT vẫn tiếp tục diễn ra. Có một thực tế là công tác xử phạt những lỗi liên quan đến MBH, CSGT mới chỉ tập trung mạnh vào số trường hợp người dân tự nguyện dừng phương tiện nhưng một số đối tượng vi phạm là thanh thiếu niên đèo ba, đèo bốn, đầu không MBH thì việc xử lý còn hạn chế.
Nghiêm trọng hơn, nhiều thanh thiếu niên khi thấy bóng CSGT hay lực lượng chức năng của thành phố thì quay đầu bỏ chạy với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người đi đường và bản thân. Thực tế đã có nhiều trường hợp tự bỏ chạy rồi gây tai nạn đáng tiếc.
Thượng tá Bùi Trung Thực - Phó trưởng Công an thành phố đánh giá: "Đại đa số người dân tham gia giao thông đều đã chấp hành quy định đội MBH khi điều khiển mô tô xe gắn máy. Tuy nhiên vẫn còn một số người đi mô tô, xe máy không đội MBH, đối tượng này chủ yếu vẫn là thanh thiếu niên. Một số thanh thiếu niên vi phạm luật chẳng những không chấp hành yêu cầu kiểm soát giao thông của lực lượng chức năng mà còn có những hành động gây cản trở, chống người thi hành công vụ, gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng CSGT làm công tác tuần tra, kiểm soát”.
Để giảm thiểu TNGT, Công an thành phố cũng mở nhiều đợt ra quân nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm TTATGT trong đó có hành vi không đội MBH bằng cách huy động phương tiện hiện có, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát vào giờ cao điểm như đầu giờ buổi sáng, chiều tối, xử lý các lỗi vi phạm trong đó có lỗi không đội MBH.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT ngoài việc chịu nguy hiểm khi làm nhiệm vụ thì chế tài xử lý cũng bộc lộ hạn chế vì nhiều thanh niên sẵn sàng nộp phạt để rồi lại tiếp tục vi phạm.
Những trường hợp không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra kiểm soát, đe dọa, chửi bới, lăng mạ và chống đối người thi hành công vụ… là những hành vi nghiêm trọng cần phải lên án và xử lý kiên quyết, đúng luật.
Đặc biệt, tình trạng thanh thiếu niên ý thức kém, thường xuyên không đội MBH khi tham gia giao thông cần có những biện pháp xử lý mạnh tay, nếu không sẽ dễ tạo phản ứng dây chuyền kéo theo nhiều người không thực thi Luật Giao thông đường bộ dẫn đến nhờn luật.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đảm bảo TTATGT đường bộ, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền Luật giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TTATGT, phối hợp với tổ chức Đoàn thanh niên, các trường học, chính quyền địa phương… tổ chức tuyên truyền, tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên. Hơn hết, các gia đình cần giáo dục con em mình chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ vì hạnh phúc của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Với quyết tâm thực hiện bảo đảm ATGT trên mọi mặt, trong 6 tháng đầu năm 2011, Thanh tra giao thông tỉnh Yên Bái đã thanh kiểm tra 747 trường hợp, xử lý 509 trường hợp, xử phạt trên 124 triệu đồng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT về việc thí điểm thành lập 9 trung tâm cứu hộ, cứu nạn đường bộ tại những khu vực trọng điểm xảy ra nhiều tai nạn giao thông, trong đó ưu tiên miền núi phía Bắc, miền núi Tây Nguyên, phía Tây Nghệ An, với tổng kinh phí 180 tỷ đồng.
Trước hàng loạt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do các xe khách gây ra trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng siết hoạt động của các phương tiện này.
Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 25/7, tại Km 486+500 QL 1A đoạn qua phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 1 người chết, 6 người bị thương nặng.