Phụ nữ miền Tây chấp hành quy định mũ bảo hiểm
- Cập nhật: Thứ năm, 29/9/2011 | 2:56:43 PM
YBĐT - Từ chuyện đội MBH của chị em người dân tộc thiểu số ở miền Tây Yên Bái cũng đặt cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ về ý thức chấp hành pháp luật và về văn hoá trong cuộc sống cộng đồng.
|
Vừa dắt xe ra sân, vừa nhanh nhẹn đội chiếc mũ bảo hiểm (MBH) lên đầu, chị Điêu Thị Xiêng ở xã Nghĩa An cho biết: “Mới đầu chưa quen đội MBH cũng khó chịu nhưng nay cũng quen rồi. Đội MBH thì tốt đấy nhưng mũ nặng, búi tóc dày nên đội lâu nhiều khi cũng bị đau đầu”. Tôi hỏi, sao chị không tìm chiếc mũ nhỏ mà đội? Chị cười bảo: “Cái mũ nhỏ chỉ bảo hiểm cái tóc thôi chứ làm gì bảo hiểm được cái đầu! Lời nói mang tính bông đùa nhưng thật đúng bởi búi tóc (tằng cẩu) của người phụ nữ dân tộc Thái này khá to.
Là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Nghĩa An với trên 700 hội viên, chị Xiêng cho biết, qua tuyên truyền, vận động, chị em trong Hội chấp hành khá tốt việc đội MBH khi tham gia giao thông. Qua câu chuyện về MBH, chị cũng thừa nhận thời gian đầu mới thực hiện không phải không có những trường hợp đội mũ mang tính đối phó. "Chồng chở vợ đi chợ nhưng vợ đội MBH không cằm bé tý, vì vậy mũ chỉ chụp lên vành tóc. Để mũ khỏi rơi, người vợ hai tay giữ khư khư trên đầu, nhìn rất buồn cười". Mũ nhỏ, đầu to, từ đó mới có nhiều chuyện dở khóc, dở cười trên đường vì mũ rơi liên tục.
Ngược thời gian về thời điểm bắt buộc đội MBH, bên cạnh thuận lợi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Người điều khiển phương tiện nêu lên nhiều lý do, nào là MBH có tránh được tai nạn đâu, chỉ gây vướng víu, ai cần thì đội nếu có chỉ cần đội khi đi đường xa chứ chẳng cần thực hiện trong nội thành, nội thị làm gì vv...
Đối với người bình thường là vậy, đối người phụ nữ dân tộc, đặc biệt là phụ nữ Thái thì khó khăn hơn nhiều lần. Bởi theo phong tục, phụ nữ Thái, khi có chồng, bắt buộc họ phải búi tóc lên đỉnh đầu. Không những thế, họ còn dùng thêm tóc giả để làm cái búi tóc thêm to, như thế mới đẹp và giàu con cái, chỉ trừ khi gội đầu thì búi tóc ấy mới được gỡ ra.
Sau 4 năm thực hiện đội MBH khi tham gia giao thông tình hình đã khác. Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông thị xã, mặc dù là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế của các huyện phía Tây, vì vậy lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, trong đó có nhiều chị em là người dân tộc. Mặc dù vẫn mang phong tục tập quán nhưng chị em chấp hành việc đội MBH rất tốt, số vụ vi phạm mà lực lượng chức năng xử lý đối với đối tượng này trong những năm qua chiếm tỷ lệ rất thấp.
Nghĩa Lộ là địa bàn sinh sống của đa số bà con người dân tộc Thái, còn Mù Cang Chải là địa bàn của đa số người Mông. Mặc dù là huyện vùng cao nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, kinh tế phát triển, phương tiện xe máy trên địa bàn phát triển nhanh. Tuy nhiên, việc chấp hành đội MBH, nhất là trên tuyến quốc lộ 32 chạy qua địa bàn rất tốt.
Ông Trần Minh Vấn - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Mù Cang Chải cho biết: "Với phụ nữ người Mông (không phân biệt có chồng hay chưa chồng), đến tuổi, họ cũng dùng thêm tóc giả vấn thành vành quanh đầu. Vành tóc to bao nhiêu càng đẹp, càng thu hút được các chàng trai chú ý bấy nhiêu. Vì thế, khi ra khỏi nhà, họ rất chú trọng đến việc chăm sóc, giữ gìn vành tóc trên đầu. Do đó đối với nhiều người, khi điều khiển hay ngồi sau xe máy rất ngại đội mũ, vì phải tháo vành tóc ra mới đội được, mà mỗi lần vấn lại phải mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc chấp hành của chị em rất tốt, hầu hết chị em khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy là đội MBH".
Từ thực tế cho thấy, cái khó trong việc đội MBH của chị em người dân tộc, vậy mà họ vẫn khắc phục để thực hiện tốt trong khi không ít người, nhất là đối tượng tuổi trẻ có nhận thức tốt lại chấp hành luật giao thông rất kém. Mục đích đội mũ là để giảm chấn thương sọ não khi không may bị tai nạn giao thông - nguyên nhân chính dẫn đến tử vong nhưng vẫn còn rất nhiều người đội mũ chỉ mang tính đối phó với những chiếc mũ mỏng tanh, như mũ lưỡi trai, hầu như chẳng có tác dụng gì khi tai nạn xảy ra.
Thậm chí, cứ vắng bóng cảnh sát giao thông là người ta vi phạm pháp luật với các hành vi phóng nhanh vượt ẩu, đèo ba, bốn, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ vv... nhưng khi bị bắt là tìm mọi cách xin xỏ, hay ứng xử nhiều khi không có văn hoá. Ý thức tham gia giao thông kém là nguyên nhân chính để tai nạn giao thông gia tăng.
Từ chuyện đội MBH của chị em người dân tộc thiểu số cũng đặt cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ về ý thức chấp hành pháp luật và về văn hoá trong cuộc sống cộng đồng. Chẳng phải thế mà Tháng ATGT năm nay được tỉnh lấy chủ đề là: “Tháng Văn hoá giao thông”.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Vụ tại nạn nghiêm trọng xảy ra lúc 4 giờ 15 phút sáng nay 29/9 trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam làm 1 người chết và 23 người bị thương nặng.
YBĐT - Từ ngày 1/9-20/9, lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã kiểm tra, phát hiện xử lý 2.403 trường hợp vi phạm, phạt hành chính trên 588 triệu đồng.
Ngày 21/9/2011, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ký Quyết định số 1422/QĐ-UBND, về việc thành lập Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Yên Bái.
Ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Giao thông vận tải điều hòa vốn từ việc cắt giảm, dừng thực hiện các dự án khởi công mới của Bộ Giao thông vận tải là 14 tỷ đồng để tiếp tục bố trí triển khai Dự án xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý cấp phép lái xe thống nhất toàn quốc.