Cần coi trọng an toàn giao thông nông thôn
- Cập nhật: Thứ hai, 24/10/2011 | 9:29:00 AM
YBĐT - Thời gian gần đây, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh Yên Bái có những diễn biến phức tạp. Tính riêng tháng 9 đã có 31 vụ tai nạn giao thông , làm chết 10 người bị thương, 36 người so với tháng 8 tăng 6 vụ, tăng 6 người chết.
Công an xã Âu Lâu kiểm tra, kiểm soát tình hình trật tự ATGT trên địa bàn.
|
Những năm gần đây, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có sự phát triển về hạ tầng cơ sở. Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa ngày một nhiều. Tuy nhiên có một thực tế là công tác đảm bảo an toàn giao thông(ATGT) ở nhiều vùng nông thôn chưa được chú trọng, Luật Giao thông đường bộ dường như chưa đến gần với cuộc sống người dân nông thôn.
Thời gian gần đây, tình hình tai nạn giao thông(TNGT) trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp. Tính riêng tháng 9 đã có 31 vụ tai nạn giao thông , làm chết 10 người bị thương, 36 người so với tháng 8 tăng 6 vụ, tăng 6 người chết. Điều đáng lo ngại là tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ở khu vực nông thôn đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân gia tăng TNGT ở nông thôn là do sự bùng nổ về phương tiện giao thông, trong khi đó ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân còn hạn chế. Những năm gần đây, ở khu vực nông thôn phong trào kiên cố hóa đường giao thông nông thôn phát triển mạnh.
Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã được cải thiện tuy nhiên chưa đồng bộ, ở nhiều địa phương đường liên thôn, liên xã được đổ phẳng lì tạo điều kiện cho xe máy chạy nhanh hơn nhưng rất ít khi thấy có biển báo, gờ giảm tốc độ ở những nút giao thông nguy hiểm. Trong khi nhiều người có xe mới, thấy đường đẹp là phóng nhanh. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp tai nạn và va quệt giao thông xảy ra là do phương tiện từ đường làng, đường xã lao thẳng ra va chạm với các phương tiện ở đường tỉnh lộ, quốc lộ.
Mới đây trên địa bàn thôn 8 xã Hợp Minh đã xảy ra một vụ tai nạn khiến anh Đỗ Văn Luận, sinh năm 1952, trú tại tổ 20, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ tử vong. Nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do đối tượng Đặng Văn Hậu, sinh năm 1986, trú tại thôn 8, xã Hợp Minh khi lùi xe ô tô biển kiểm soát 21H- 5438 ra giữa quốc lộ 37 nhưng không quan sát, đúng lúc đó anh Luận đang đi theo hướng từ phía cầu Ngòi Lâu đi về cầu Yên Bái. Do không tránh kịp nên anh Luận đã va chạm vào phía sau xe ô tô và tử vong.
Cho đến thời điểm này thì vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số vụ tai nạn, va quệt giao thông hay số vi phạm về ATGT ở nông thôn, nhưng có một thực tế tình trạng vi phạm về TT ATGT như chưa có bằng lái, uống rượu bia, chở quá số người quy định vẫn diễn ra phổ biến. Trong đó điển hình nhất là việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, quy định người điều khiển mô tô, xe gắn máy bắt buộc đội mũ bảo hiểm, ở nông thôn xem ra vẫn còn mới.
Nhiều người coi việc đội mũ bảo hiểm chỉ là hình thức đối phó chứ chưa quan tâm đến bảo vệ tính mạng của mình. Tư tưởng mình đi trong đường làng mình, xã mình chứ có đi đâu xa mà cần đội mũ bảo hiểm vẫn là tâm lý chung của một bộ phận người dân. Chính sự chủ quan đó đã khiến nhiều người khi gặp tai nạn thường có thương tích nặng hơn. Hầu hết chính quyền ở cấp xã vẫn chưa quan tâm đến công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Công tác giáo dục Luật giao thông chưa thường xuyên, có nơi hoạt động của Ban ATGT xã chỉ là hình thức. Công tác tuyên truyền về ATGT dường như chưa đến sát với cuộc sống người dân.
Ở nhiều địa phương công tác đảm bảo TT ATGT chỉ phó mặc cho lực lượng công an xã. Nguyên nhân do ở các vùng nông thôn mối quan hệ tình làng nghĩa xóm được coi trọng, do sự vị nể người trong làng ngoài xóm thường xuyên gặp nhau nên nhiều lỗi vi phạm của người dân khi tham gia giao thông tại các tuyến đường liên thôn bị bỏ qua nên không có sự răn đe cần thiết. Việc tổ chức thi và cấp bằng lái xe chưa thuận tiện về thời gian và địa điểm. Người dân muốn đi học thi lấy giấy phép lái xe phải đi xa có nơi hàng chục cây số nên tâm lý người dân ngại không muốn đi.
Ở xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) vẫn còn tình trạng người dân đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. (Ảnh: Đức Hồng)
TNGT có thể xảy ra trên tất cả các tuyến đường do đó công tác đảm bảo ATGT cần được thực hiện đồng bộ ở mọi tuyến đường từ quốc lộ đến các tuyến đường liên thôn liên xã. Công tác tuyên truyền cần phải thường xuyên liên tục từ nông thôn đến thành thị. Để giảm thiểu TNGT ở nông thôn đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy chính quyền các địa phương.
Các địa phương cần gắn công tác phát triển giao thông nông thôn với việc đảm bảo ATGT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT đến với mọi nhà đặc biệt là đối với thanh thiếu niên ở khu vực nông thôn. Xây dựng phong trào thi đua thôn, xóm, gia đình không có người vi phạm luật giao thông, kết hợp với nhà trường đoàn thể để nâng cao nhận thức của mỗi người khi tham gia giao thông.
Đồng thời công tác đảm bảo TT ATGT cần có sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể từ xã đến thôn chứ không thể phó mặc toàn bộ cho lực lượng công an xã. Trong công tác tuần tra, kiểm soát không chỉ tập trung kiểm tra, kiểm soát ở những điểm nóng, điểm đen về TNGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ mà cả ở các khu vực nông thôn.
Lực lượng Công an xã cần tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tránh tình trạng nể nang do quen biết. Các ngành chức năng cần mở rộng hơn nữa việc tổ chức học thi lấy giấy phép lái xe ở các xã để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân được tiếp cận các quy định của Luật giao thông. Có như vậy TNGT mới giảm góp phần đảm bảo bình yên cho các vùng quê.
Văn Thông
Các tin khác
Trên đường đi học về, một nhóm học sinh cấp 2 bị xe tải chạy tốc độ cao tông vào làm 2 em chết tại chỗ, 1 em khác bị chấn thương sọ não.
Khoảng 20h35 ngày 19/10, trên tuyến đường Dốc Sỏi - Dung Quất, đoạn đi qua xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe máy, khiến 2 người chết và 4 người bị thương nặng.
Khoảng 5 giờ 15 phút sáng 19.10, trên QL1A đoạn qua xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang (Khánh Hòa), xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Chiều 17/10 chốt lại cuộc họp với Hà Nội, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh giờ học, làm việc để chống ùn tắc. Cơ quan trung ương có thể làm việc từ 9h sáng đến 6h chiều.