Trách nhiệm và ý thức của người tham gia giao thông
- Cập nhật: Thứ hai, 20/8/2012 | 10:11:38 AM
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã giảm đáng kể trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn giao thông.
(Ảnh: Đức Thành)
|
Mặc dù theo đánh giá của các ngành chức năng thì số vụ TNGT và số người chết đều giảm 20% so với cùng kỳ, tuy vậy trên mỗi tuyến phố, cung đường từ quốc lộ đến đường xã vẫn luôn tiềm ẩn TNGT. Vậy đâu là giải pháp quan trọng giảm thiểu TNGT?
Thực tế cho thấy, bất cứ người tham gia giao thông nào cũng không muốn để xảy ra TNGT nhưng ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ thì không phải ai cũng thực hiện. Rồi các cấp, các ngành đều vào cuộc và đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến luật, nâng cấp, làm mới đường xá, xoá điểm đen thế nhưng tình hình TNGT vẫn xảy ra.
Có nhiều ý kiến cho rằng, để tăng cường các biện pháp kéo giảm TNGT trước tiên phải nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị. Vì vậy, quy trách nhiệm cho người đứng đầu là để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, nhân viên thực hiện tốt hơn.
Chẳng hạn trên các tuyến phố, cung đường thường xảy ra TNGT phải tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát kéo giảm TNGT trên các cung đường đó. Nếu trên các cung đường đó để xảy ra TNGT nghiêm trọng, cảnh sát giao thông có trách nhiệm tuần tra kiểm soát trên tuyến này sẽ bị hạ bậc thi đua.
Nếu vẫn tiếp tục để xảy tai nạn sẽ luân chuyển hoặc điều chuyển ra khỏi ngành cảnh sát giao thông. Bởi có một thực tế, trên mỗi tuyến đường, cung đường mà có lực lượng cảch sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các lỗi vi phạm giao thông thì ý thức người tham gia giao thông chấp hành tốt hơn và cũng đồng nghĩa với TNGT giảm.
Vẫn biết trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông là của toàn xã hội, thế nhưng vai trò giám sát của cảnh sát giao thông là rất quan trọng, nhằm bảo đảm cho mọi người tham gia giao thông chấp hành luật. Để ai cũng phải nâng cao chấp hành luật khi đi đường, rất cần có sự giám sát hiệu quả của cảnh sát giao thông.
Cảnh sát giao thông được trang bị nhiều phương tiện kiểm tra, giám sát hiện đại để tăng cường hiệu quả khi làm nhiệm vụ. Do vậy, cảnh sát giao thông có thể áp dụng nhiều biện pháp tuần tra, kiểm soát để người tham gia giao thông luôn thấy được sự giám sát của cảnh sát giao thông.
Chỉ có giám sát hiệu quả mới có thể tạo được sự tự giác của người tham gia giao thông, để họ chấp hành nghiêm Luật giao thông. Trong số các vụ TNGT, va quệt giao thông thì có trên 90% số vụ là do ý thức của người tham gia giao thông kém. Từ phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng đến chở người quá quy định, phương tiện tham gia giao thông không đạt chuẩn, quá đát, uống rượu, bia khi tham gia giao thông... do đó cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đến mọi người dân thông qua các kênh tuyên truyền từ trực tiếp đến gián tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng thì các cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu trong việc chấp hành nghiêm Luật giao thông. Cán bộ, đảng viên của các cơ quan Nhà nước mà vi phạm Luật giao thông thì sẽ bị xử lý, kiểm điểm, hạ bậc thi đua, thậm chí khai trừ ra khỏi Đảng và cho nghỉ việc.
Hầu hết các cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến địa phương cũng thành lập ra Ban an toàn giao thông và có triển khai trong toàn cơ quan nhưng xem ra các cơ quan, nhất là người đứng đầu cơ quan thực hiện việc này chưa nghiêm, còn làm cho lấy lệ. Ngay cả việc cán bộ, đảng viên không được uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc nếu được thực hiện nghiêp chỉnh thì cũng góp phần hạn chế TNGT. Chúng ta vẫn quy định cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm luật bị xử lý, lực lượng công an gửi thông báo về cơ quan chủ quản để xử lý nghiêm khắc.
Thế nhưng chưa thấy có đơn vị, cơ quan nào xử lý cán bộ của mình khi vi phạm Luật giao thông và dường như ngành chức năng cũng “quên” không gửi thông báo cho cơ quan hay tổ dân phố. Từ những yếu tố đó cho thấy, TNGT chỉ giảm khi người đứng đầu các ngành, cơ quan đơn vị, chính quyền cơ sở có trách nhiệm và ý thức người tham gia giao thông được nâng lên.
Hạn chế TNGT, bảo sức khoẻ, tính mạng của mình và của toàn xã hội, hơn ai hết mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy ý thức và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi gia đình, do đó rất cần có sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2012 và phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT”, vừa qua, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh tổ chức xây dựng và ra mắt mô hình điểm Mặt trận Tổ quốc tham gia công tác bảo đảm trật tự ATGT tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, vào khoảng 4 h sáng ngày 17/8, trên địa bàn thành phố Yên Bái đã diễn ra trận mưa lớn, gây ngập úng cục bộ một số tuyến đường trên địa bàn thành phố.
Khoảng 16g ngày 16-8, tại khu vực chợ Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, Tây Ninh xảy ra một vụ tai nạn làm chết hai người, 1 người bị thương nặng.
YBĐT - Từ 17 giờ ngày 14/8, trên Quốc Lộ 70, đoạn từ Km 90 đến Km 101 thuộc địa phận xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã xảy ra tắc đường kéo dài khoảng 10 km, do một xe côngtenơ bị lật đổ giữa đường.