Yên Bái: Mỗi người dân khỏe theo lời dạy của Bác
- Cập nhật: Thứ ba, 21/2/2017 | 6:45:24 AM
YBĐT - Có thể tự hào nhìn nhận, thực hiện lời Bác dạy về rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) mà phong trào rèn luyện thân thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân với nhiều nội dung thiết thực, đây cũng là yếu tố tạo nguồn cho thể thao thành tích cao.
Giờ xuất phát của các vận động viên tham gia thi tài tại Giải Việt dã Báo Yên Bái năm 2016.
|
Mỗi người dân khỏe theo lời dạy của Bác
Hơi xuân còn đọng trong căn phòng làm việc của Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Phạm Văn Dương, vậy nên câu chuyện của tôi với ông về việc thực hiện lời Bác dạy trong rèn luyện thân thể của người dân, về thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi.
Đúng "cá tính” dân thể thao, Phó Giám đốc Dương phấn khởi trao đổi: "Dù là tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng sự nghiệp thể thao nói chung và phong trào thể thao quần chúng nói riêng của Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Thể thao Yên Bái đã khẳng định được vị trí là một trong những địa phương có phong trào thể dục, thể thao (TDTT) phát triển trong khu vực đấy!”.
Lời vị lãnh đạo ngành VH-TT&DL trao đổi thấy cũng không phải nói quá cho ngành mình. Làm công tác tuyên truyền hay đi, quan sát để ý thì quả thật, quảng trường, sân vận động, bờ hồ, sân nhà văn hóa tổ dân phố, thôn, bản, thậm chí bãi đất trống, ruộng mạ… giờ là nơi luyện tập thể thao của đông đảo người dân.
Phong trào rèn luyện thân thể phát triển đến nỗi chẳng nói đâu xa, ngay như bà mẹ tôi, trên 70 tuổi rồi nhưng sáng nào cũng cùng mấy ông bà cùng xóm dậy sớm lên sân nhà văn hóa thôn tập mấy bài dưỡng sinh, dạo mấy vòng đi bộ. Vì lý do nào đó, hôm nào, các cụ không đi tập được là có vẻ buồn! Chưa kể dạo này phần đông các cụ ham mê môn bóng chuyền hơi, đâu đâu cũng thấy thành lập đội để chiều chiều luyện tập, tổ chức thi đấu giao hữu. Thấy các cụ phấn khởi, con cháu ai cũng mừng.
Còn với thanh niên thành phố, sáng sớm rủ nhau chạy bộ, chiều tập trung chơi bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... Thời gian gần đây lại nổi lên phong trào tập Gym - môn thể thao bắt nguồn từ tận thời Hy Lạp cổ đại, (Gym - gymnasium có nghĩa các hoạt động vận động và luyện tập cho cơ thể trong phòng tập) để có thể hình săn chắc, đẹp. Chẳng vậy mà ra đường, giờ nhìn chú nào cũng lực lưỡng, săn chắc, cao ráo. Quả là điều đáng mừng!
Phấn khởi hơn không chỉ tại khu vực thành phố, nơi đô thị, những nơi tập trung đông dân cư, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, mà tại khu vực nông thôn, miền núi, phong trào luyện tập thể thao của người dân cũng phát triển. Đi công tác cơ sở đâu đâu chúng tôi cũng thấy bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, chạy bộ...
Nhớ có lần vào Tân Phượng - xã vùng cao, nơi sinh sống của đa số đồng bào Dao của huyện Lục Yên thấy hầu như thôn nào cũng có sân bóng chuyền mà lòng thấy vui! Tất cả điều này được minh chứng sinh động qua các con số biết nói: số người tập luyện thường xuyên của tỉnh từ 10,5% tỷ lệ dân số năm 2000 lên 29,5% năm 2016 (215.200 người); số gia đình đạt tiêu chuẩn "Gia đình thể thao” tăng từ 8,5% (năm 2000) lên 18%. Các tỷ lệ này ngang bằng với bình quân chung của cả nước.
Từ 118 CLB thể thao năm 2000, đến nay, toàn tỉnh có 505 CLB, bên cạnh đó, còn có 58 hội thể thao, 5 liên đoàn thể thao, 1.850 đội thể thao. Không chỉ đối với người dân, qua đánh giá, trên 95% tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn "Rèn luyện thân thể” theo quy định.
Cùng với đó, thể thao học đường cũng không ngừng phát triển với 80% số trường học thực hiện giáo dục thể chất có nề nếp. Trong đó, hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT của học sinh, sinh viên ngày càng đa dạng đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo toàn diện.
Nhiều trường thực hiện các hoạt động thể thao ngoại khóa thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Đặc biệt, tại thị xã Nghĩa Lộ, hầu hết các trường trên địa bàn đã đưa môn võ Nhất Nam là một nội dung trong quá trình rèn luyện, đào tạo học sinh.
Thi đấu bóng chuyền trong Hội thi Thể thao "Mừng Đảng, mừng Xuân 2017”.
Cùng phong trào, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT cũng được quan tâm, đầu tư. Đến nay, các huyện, thị, thành phố đều có sân vận động, nhà tập thể thao đơn giản đáp ứng nhu cầu luyện tập của người dân. Đối với cấp tỉnh, đã có 3 nhà tập luyện và thi đấu, 2 sân vận động, 6 bể bơi, trên 20 sân quần vợt; hầu hết các cơ quan, đơn vị đều có sân cầu lông, bóng chuyền… Hơn thế, qua xã hội hóa, nhiều cá nhân đã đầu tư xây dựng sân bóng đá nhân tạo, địa điểm tập Gym, bể bơi... để phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân.
- Kết quả trên do đâu khi mình là tỉnh miền núi khó khăn? - tôi hỏi Phó Giám đốc Dương.
- Kết quả trên không nằm ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó, với vai trò, chức năng của mình, ngành VH-TT&DL đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội phát động Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” - vị Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đã có gần 40 năm gắn bó và trải qua nhiều vui, buồn với "nghiệp” thể thao, nhất là thể thao phong trào trả lời ngay.
Các nguyên nhân được lãnh đạo ngành VH-TT&DL phân tích kỹ càng, cụ thể. Điển hình về công tác phối hợp, nếu giai đoạn 2000 - 2005, Sở mới chỉ ký kết chương trình phối hợp với 16 ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thì tới giai đoạn 2011 - 2015, con số này đã lên 24. Từ ký kết, hầu hết các ngành đều thành lập câu lạc bộ TDTT ở cấp mình và các đơn vị trực thuộc để vừa làm công tác tham mưu vừa là bộ máy trực tiếp quản lý, tổ chức các hoạt động TDTT cơ sở.
"Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 500 giải thể thao quần chúng được tổ chức từ cấp xã, phường, thị trấn, huyện, thị, ngành. Còn đối với cấp tỉnh, đầu năm có Hội thi thể thao "Mừng Đảng, mừng Xuân” trong cán bộ, công chức lực lượng vũ trang; đối với thanh, thiếu niên có Giải Việt dã truyền thống Báo Yên Bái; lực lượng vũ trang có Hội thao Quốc phòng toàn dân; thiếu niên - nhi đồng có Cúp Bóng đá Phát thanh - Truyền hình; người cao tuổi có Hội thi Thể thao người cao tuổi...
Với hệ thống giải như vậy phong trào nào chẳng phát triển. Nói thì nói vậy nhưng cái chính đó là điều kiện kinh tế những năm qua có sự phát triển mạnh, đời sống người dân khá lên. Bên cạnh đó, qua tuyên truyền, vận động, nhận thức của nhân dân về rèn luyện thân thể nâng lên. Từ đó, tạo ra phong trào!” - Phó Giám đốc Dương bổ sung.
Thi đấu đẩy gậy tại cơ sở.
Có thể tự hào nhìn nhận, thực hiện lời Bác dạy về rèn luyện TDTT mà phong trào rèn luyện thân thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân với nhiều nội dung thiết thực, đây cũng là yếu tố tạo nguồn cho thể thao thành tích cao.
Từ hệ thống đào tạo vận động viên thành tích cao của tỉnh gồm 10 môn thể thao với 3 tuyến: đội tuyển trẻ, đội tuyển tỉnh và tuyến năng khiếu, đến nay, Yên Bái đang duy trì 4 đội hạng A quốc gia; có 11 VĐV đạt cấp kiện tướng và 14 VĐV cấp I; 10 VĐV trong các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia. Năm 2016, các đội tuyển thể thao Yên Bái tham gia 22 giải toàn quốc và quốc tế giành 47 huy chương các loại; trong đó, có 10 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 25 Huy chương Đồng (trong đó, có 3 huy chương quốc tế).
- Phong trào đã phát triển, tuy nhiên như nhiều địa phương khác trong khu vực, thể thao quần chúng của Yên Bái phát triển chưa toàn diện, chất lượng chưa cao, mới tập trung ở những nơi có điều kiện thuận lợi và chưa thật sự bền vững? - tôi nhận xét.
- Đúng vậy! Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có cả chủ quan và khách quan như: kinh phí cấp cho sự nghiệp nhất là ở cơ sở thấp, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, điều kiện kinh tế của người dân nhiều còn hạn chế... nhưng cái chính vẫn do công tác lãnh chỉ đạo và quản lý. Đây chính là trăn trở của những người có trách nhiệm của thể thao tỉnh nhà!” - Phó Giám đốc Dương thẳng thắn.
- Vậy để phong trào thể thao quần chúng tiếp tục phát triển, nâng cao sức khỏe người dân với điều kiện hiện nay chúng ta phải làm gì? - tôi hỏi.
- Cùng sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành về sự nghiệp TDTT, phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phải chuyển phong trào từ tự phát sang tự giác!” - Phó Giám đốc Dương trả lời.
Cái bắt tay chặt thay lời tạm biệt, trong tôi tràn đầy tin tưởng, thực hiện lời Bác dạy: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước...” mỗi người dân Yên Bái hôm nay sẽ lựa chọn cho mình một môn thể thao phù hợp, để ai ai cũng có sức khỏe lao động và học tập, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đình Tứ
Các tin khác
YBĐT - Là những gương mặt tiêu biểu của tuổi trẻ Yên Bái được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 8 vừa qua, 4 chàng trai trẻ đại diện cho 4 lĩnh vực khác nhau đã khẳng định tuổi trẻ Yên Bái hôm nay đã và đang nỗ lực học tập, luôn xung kích trên mọi lĩnh vực, xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
YBĐT - Đến nay, toàn xã Đại Phác không còn nhà tạm; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 25 triệu đồng/năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 96%.
YBĐT - Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh ở xã Phúc Lợi (Lục Yên) đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, tạo chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
YBĐT - Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, nhiều chi, đảng bộ cơ sở trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của đơn vị, tạo khí thế, động lực thúc đẩy phong trào thi đua.