Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018), hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948 - 2018), 60 năm ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018)

Bác mãi luôn ở bên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/5/2018 | 8:10:41 AM

YBĐT - Tháng 5 lịch sử, chúng tôi về thăm Nghĩa Lộ - Mường Lò - cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, là điểm khởi đầu cho chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ và cũng là địa phương duy nhất có Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tây Bắc.

Đoàn cựu chiến binh thị xã Nghĩa Lộ và các em thiếu nhi tới thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn cựu chiến binh thị xã Nghĩa Lộ và các em thiếu nhi tới thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước khi vào viếng Bác tại Khu tưởng niệm, chúng tôi đến thăm Khu Di tích lịch sử văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ - nơi có tượng đài Chiến Thắng hiên ngang ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Từ đây, phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh, mới thấy được Nghĩa Lộ có vị trí quân sự chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng Tây Bắc trong giai đoạn chống thực dân Pháp. 

Chẳng thế mà tại đây, thực dân Pháp đã cho xây dựng một hệ thống đồn bốt kiên cố nhằm án ngữ cửa ngõ Tây Bắc. Chúng bố trí thành phân khu quân sự mạnh nhất trong 4 phân khu của Pháp ở vùng Tây Bắc Việt Nam. 

Chị Phạm Thị Duyên, hướng dẫn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu cho chúng tôi và du khách về giai đoạn ác liệt nhất xảy ra tại Căng - Đồn. Thu Đông 1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc với trận mở màn là tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ. Đánh vào phân khu Nghĩa Lộ tức là đánh vào phân khu đầu não, phá tan phòng tuyến sông Đà, tạo thế và lực để quân ta tiến lên giải phóng Lai Châu và toàn bộ khu Tây Bắc.

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ có ghi lại, cuộc hành quân tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ là những kỷ niệm khó quên đối với bộ đội, dân công. Anh em phải vượt qua hàng trăm cây số đường rừng, núi cao, đèo sâu hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đường trơn mưa ướt, nhão bùn như vữa bốc lên mùi tanh của lá mục, muỗi vắt hàng đàn, bệnh tật, thú dữ, kẻ thù luôn rình rập... có thể hy sinh bất cứ lúc nào. 

Trong lúc khó khăn ấy, anh em nhận được thư của Bác: "Gửi các cán bộ, chiến sĩ. Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sĩ đều phải: quyết tâm chiến đấu, triệt để chấp hành mệnh lệnh. Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn. Thương dân, trọng dân và tốt với dân. Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng. Bác chờ tin thắng lợi của các chú để khen thưởng các chú!”. 

Với lời lẽ thật giản dị nhưng đầy chất thép, bức thư không chỉ thể hiện sự quan tâm thật đúng lúc, kịp thời của Bác mà còn có tác dụng cổ vũ tinh thần chiến sỹ mạnh mẽ. Bức thư chính là sức mạnh, là động lực cho cán bộ, chiến sĩ hăng hái tiến vào trận địa với quyết tâm giành thắng lợi. 

Để tỏ lòng kính trọng, muốn được thường xuyên thắp hương tưởng nhớ Bác, ngày 2/7/1982, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Văn Chấn - Nghĩa Lộ đã khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ chí Minh thị xã Nghĩa Lộ. Nhân dân các địa phương đã tự nguyện đóng góp hàng ngàn ngày công xây dựng. Chỉ sau 14 tháng xây dựng công trình đã hoàn thành.

Ngày 3/9/1983, Khu tưởng niệm đã được khánh thành và mở cửa để nhân dân và du khách vào viếng và thăm quan. Năm 1997, Khu tưởng niệm được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận thuộc hệ thống bảo tàng là chi nhánh thứ 13 trong cả nước.



Lễ khởi công xây dựng vườn quả Bác Hồ tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ năm 1982.(ảnh tư liệu)
 
Hòa cùng dòng người vào viếng Bác, chúng tôi đến thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào một sáng tháng 5 đầy nắng. Với diện tích 2,1ha gồm 3 hạng mục công trình lớn là nhà sàn, vườn cây, ao cá. Khu triển lãm ảnh và trên 1.000 hiện vật, tư liệu gồm: tranh ảnh, phim phóng sự về Bác Hồ. Thật may mắn, chúng tôi được biết đến tư liệu đáng quý nhất về Bác Hồ với nhân dân Yên Bái và đến nay những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bức ảnh buổi nói chuyện của Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Yên Bái tại sân vận động Yên Bái. Tuy chỉ là một tấm ảnh nhưng cũng đã thể hiện được hết tình cảm của Bác với nhân dân các dân tộc Tây Bắc.
 
Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ được giao quản lý Khu tưởng niệm đã không biết bao nhiêu lần thuyết minh về lịch sử tấm ảnh này. Song, lần nào cũng vậy vẫn cảm xúc ấy, tình cảm ấy đã khiến cho chúng tôi và du khách lặng người xúc động trước giọng nói nhẹ nhàng đầy truyền cảm về tình cảm của Bác dành cho người dân nơi đây. 

Ngày 25/9 mùa thu năm 1958, Yên Bái khi đó là một trong những tỉnh khó khăn nhất miền Bắc, Bác Hồ đã đến thăm Yên Bái. Nghe tin Bác đến, đồng bào các dân tộc khắp nơi trong tỉnh đã trèo đèo, lội suối, băng rừng để xuống thị xã Yên Bái lắng nghe lời dạy, lời chỉ bảo ân cần của Người.
 
Trong buổi nói chuyện với hàng ngàn người dân Yên Bái, trước tiên, Bác nói đến vấn đề đoàn kết dân tộc. Người khẳng định đây là vấn đề số một, hết sức quan trọng bởi vì: "Trước kia bọn thực dân, phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích, oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức, bọc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ”.
 
Để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ ý nghĩa cũng như cách thực hiện đoàn kết dân tộc, Người đã dùng những hình ảnh, ví dụ hết sức gần gũi, sinh động mà sâu sắc: "10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xòe 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó…”.
 
Cả biển người lắng nghe lời dạy bảo của Bác mà thấm thía, tự sâu trong lòng mỗi người thấy được nhiệm vụ của mình đối với Tổ quốc, với quê hương. Kết thúc buổi nói chuyện, trước toàn thể đồng bào, Người đề nghị: "Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi, liệu các cô, các chú có hứa với Bác thực hiện được không?”. Đáp lại lời của Người, như một làn sóng, biển người hô vang "quyết tâm”. Cuối cùng, Bác bắt nhịp cho mọi người cùng đứng dậy hát bài "Kết đoàn”.

Cũng tại đây, chúng tôi đã được chứng kiến tình cảm của một người con thị xã Nghĩa Lộ sau bao năm đi xa nay trở về muốn trao tặng một kỷ vật thiêng liêng có ý nghĩa lịch sử to lớn của nhân dân Tây Bắc dành tặng Bác. Đó là bà Hoàng Thị Dong, cựu giáo viên của Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ cùng người thân từ Hà Nội lên trao tặng Khu tưởng niệm bức ảnh Bác Hồ chụp với đoàn đại biểu nhân dân các dân tộc Khu tự trị Thái, Mèo năm 1955 sau này là Khu tự trị Tây Bắc.
 
 
Đoàn đại biểu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ tới thăm Khu tưởng niệm và thả cá tại "Ao cá Bác Hồ”.

Trong bức ảnh đó bà Hoàng Thị Dong đứng sát ngay bên trái Bác. Nói về bức ảnh, bà Dong xúc động: "Tôi là giáo viên của Trường Thiếu nhi dân tộc khu học xá Tây Bắc. Đầu tháng 9/1955, tôi vinh dự được chọn tham gia Đoàn đại biểu các dân tộc khu Tây Bắc về thăm Thủ đô Hà Nội và cũng là đoàn đầu tiên được về thăm Thủ đô sau giải phóng Tây Bắc. Sáng 15/9/1955, đoàn được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Sau cuộc gặp mặt, Bác mời mọi người trong đoàn ra chụp ảnh lưu niệm. Đại biểu nào cũng thấy sung sướng và vinh dự, ai cũng muốn được đứng cạnh Bác Hồ, lúc đó Bác chỉ vào tôi và bảo cho cháu đứng cạnh bên trái Bác. Thật bất ngờ và sung sướng. Những kỷ niệm này đã qua hơn 60 năm nhưng không bao giờ phai trong ký ức của tôi”.

Thời gian trôi qua, chiến trường của trận đánh ác liệt năm xưa nay đã hoàn toàn thay đổi. Cùng với cả nước, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn giành được nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng
 
Thị xã Nghĩa Lộ từ một vùng đất còn khó khăn, nay đã vươn lên trở thành trung tâm văn hóa thương mại dịch vụ phát triển ở khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái, nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm nét bản địa. Nơi đây đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức không gian văn hóa bản địa đặc trưng của người Thái Nghĩa Lộ. Đối với chúng tôi Nghĩa Lộ còn là cái nôi lưu giữ những hình ảnh và giá trị tư tưởng, nhân văn của Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc”.
 
Ngọc Sơn

Các tin khác
Lãnh đạo thành phố Yên Bái kiểm tra hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn.

YBĐT - Các chi, đảng bộ cơ sở đã đăng ký trên 100 tập thể, cá nhân mô hình, điển hình tiên tiến để triển khai thực hiện.

YBĐT - Các chi bộ sinh hoạt theo chuyên đề vào tháng 4, tháng 8, trong đó, chú trọng thông tin các bài viết liên quan đến học tập Bác để đảng viên học tập. Đồng thời, các chi bộ còn chọn lọc những câu chuyện hay, bài học sâu sắc từ Bác để cán bộ, đảng viên xác định rõ mục tiêu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện.


Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác.

YBĐT - Xác định rõ việc học và làm theo Bác không phải là những việc quá cao siêu mà từ những điều giản dị nhất,100% cán bộ mặt trận từ tỉnh đến cơ sở căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình đã tự nguyện đăng ký những việc làm, hành động cụ thể trong học tập và làm theo Bác.


Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Làng Nhì luôn khắc sâu lời Bác dặn, nỗ lực, sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.

YBĐT - Trong lần tới thăm Yên Bái cách đây 60 năm (1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng bộ và nhân dân Yên Bái: "Trước kia chúng ta khổ vì thực dân phong kiến bóc lột. Bây giờ chúng ta đã được thoát khỏi, chúng ta phải làm thế nào cho sướng hơn. Muốn sướng hơn phải ăn no mặc ấm. Muốn ăn no mặc ấm phải làm thế nào? Phải tăng gia sản xuất!”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục