Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Mạch nguồn không vơi cạn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/5/2020 | 5:13:47 AM

Trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ thật vĩ đại, lớn lao mà cũng vô cùng giản dị, gần gũi. Cho đến nay, dù đã có rất nhiều tác phẩm viết về Bác thì Người vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo không vơi cạn của các thế hệ văn nghệ sĩ.

Mạch nguồn sáng tạo ấy thể hiện rõ và được tiếp sức mạnh mẽ qua Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Những cuốn sách của GS Phong Lê viết về Bác Hồ, trong đó có 2 tác phẩm đã được nhận Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

"Thế giới không cùng cho những khám phá”

Năm 2007, nhà văn - Thiếu tướng Hồ Phương cho ra mắt tiểu thuyết Cha và con viết về thời niên thiếu của Bác Hồ dưới góc nhìn mới. Nhà văn tâm sự: "Từ rất sớm tôi rất muốn viết về Bác, nhưng phải tới những năm gần đây mới có điều kiện để tìm thêm tài liệu. Tôi không quá ngần ngại là đã có nhiều người viết về Bác. Bởi cứ nghĩ, trong văn chương mỗi người đều có suy nghĩ riêng, sự rung động cùng sáng tạo nghệ thuật cũng riêng. Mọi sự trùng lặp về tài liệu không thể giết chết cảm hứng khám phá hoặc phá bỏ những cái nhìn khác nhau của tác giả”.

Quan điểm của nhà văn Hồ Phương đã được chứng minh qua Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (viết tắt là Cuộc vận động). Được khởi động từ tháng 3-2008, sau 3 năm triển khai Cuộc vận động đã có 129 tác phẩm văn học, nghệ thuật, 54 tác phẩm báo chí, 24 đơn vị báo chí, xuất bản và 19 đơn vị nghệ thuật, đội chiếu phim được trao giải thưởng.

Để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo lời Bác, từ năm 2011, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Giải thưởng) được tổ chức, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan hữu quan thực hiện. Việc xét chọn và trao giải được tổ chức hai lần trong một nhiệm kỳ 5 năm.

Cho đến nay, Giải thưởng và trước đó là Cuộc vận động đã đi qua 12 năm với 3 chặng đường (giai đoạn 2008 - 2011, 2011 - 2015 và 2015 - 2020), thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, nhà báo trong nước và kiều bào ở nước ngoài tham gia. 

Ban tổ chức đã nhận được hàng ngàn tác phẩm, công trình của nhiều tập thể, cá nhân với nhiều thể tài như văn xuôi, thơ, kịch nói, truyện kể dân gian, lý luận phê bình, mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh, các loại hình báo chí... Mỗi tác giả bằng cảm xúc và tài năng của mình đã thể hiện góc nhìn độc đáo, riêng có để mỗi tác phẩm luôn có sự khác biệt, vừa có chỗ đứng riêng vừa góp phần cùng nhau làm nên mạch chảy cho dòng sách về Bác và về những tấm gương học tập, làm theo lời Bác.

Giáo sư Phong Lê, người hai lần được nhận Giải thưởng (vào năm 2013 và năm 2020) đã chia sẻ với báo Hànộimới Cuối tuần: "Những giá trị vĩnh cửu, thế giới không cùng cho những khám phá là ý tưởng luôn thường trực rõ nét trong tôi mỗi khi tiếp xúc với thơ văn Hồ Chí Minh, từ những trang viết đầu tiên của Người trong thân phận một thanh niên mất nước mang tên Nguyễn Ái Quốc với bản Yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919 đến Di chúc năm 1969. Sự nghiệp viết của Bác tròn 50 năm. Các tác phẩm của Bác thực sự là "tiếng nói của vũ khí” và "vũ khí của tiếng nói”. Đó là lý do để tôi nghiên cứu và viết về Bác trong tư cách một tác gia lớn nhất của văn học hiện đại qua cuốn sách Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh”.

Sức lan tỏa của một giải thưởng

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy Giải thưởng ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Giải thưởng, các tác phẩm gửi dự thi có chất lượng tốt, bám sát chủ đề, thể hiện sự kính trọng, tình cảm của văn nghệ sĩ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu. Nhiều tác phẩm phản ánh gương tập thể và cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực công tác, vùng miền khác nhau, với những việc làm thiết thực, cụ thể, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.

Từ năm 2018 đến nay, đã có gần 6.000 tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá của tác giả, nhóm tác giả, tập thể, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, của tác giả là người nước ngoài gửi tham gia Giải thưởng. Các tác phẩm đều bám sát chủ đề, một số tác phẩm có quy mô lớn, được đầu tư sáng tác công phu.

Trong số các tác phẩm được nhận giải thưởng nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), lĩnh vực văn học đã vinh danh các tác phẩm như Trăng Tân Trào (Hữu Thỉnh), Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh (Phong Lê), Thơ chúc tết mừng xuân của Bác Hồ và lời bình (Lê Xuân Đức), Một người - thơ - tên gọi (Nguyễn Thế Kỷ), Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo (Dương Thành Truyền)... Ngoài ra còn có tác phẩm thơ Hồ Chí Minh - tên người là cả một niềm thơ và Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ của nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez.

Thành công là vậy, số lượng tác phẩm lớn là vậy nhưng mạch nguồn sáng tạo về chủ đề tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không vơi cạn. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam  nhận xét: "Chúng ta đã có nhiều tác phẩm viết về Bác và về những tấm gương làm theo lời Bác, nhưng vẫn còn nhiều tấm gương cao đẹp chưa được biết đến”.

Trường ca Trăng Tân Trào của nhà thơ Hữu Thỉnh chính là tác phẩm được phát triển từ câu chuyện về một tấm gương chưa được nhiều người biết tới. Đó là một thầy thuốc đã chữa bệnh cho Bác Hồ vào mùa thu năm 1945. Chữa khỏi bệnh cho vị lãnh tụ nhưng người thầy thuốc ấy chưa bao giờ kể công hay nhận tấm bằng khen: "Người chẳng để tên gì/ Lặng xanh vào cõi núi/ Không cả nghe giọng nói/ Giấu mình trong sớm mai”. Chỉ tiếp cận qua lời kể và sách báo nhưng trí tưởng tượng của thi sĩ mang đến cho bạn đọc câu chuyện thơ chân thực và xúc động. Tìm kiếm, sáng tác, quảng bá những tấm gương làm theo lời Bác như thế cũng là một phần nhiệm vụ mà văn học, nghệ thuật, báo chí cần phát huy.

Vinh danh những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, sức lan tỏa của Cuộc vận động, của Giải thưởng càng thêm mạnh mẽ, góp phần xây dựng nhân cách con người, đề cao giá trị chân - thiện - mỹ.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Cán bộ các bộ phận tại trụ sở UBND xã luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và nhiệt tình hướng dẫn người dân giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh gọn.

Những năm qua đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên luôn đoàn kết, đồng thuận, chung sức, đồng lòng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đưa xã Bảo Hưng cán đích xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2023 vừa qua.

Cô giáo Lê Thị Bích Thủy (thứ 2, bên trái) tại lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và nhận giải thưởng “Cánh cung đỏ” năm 2024.

Nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tặng bằng khen vì đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, năm học 2021-2022; được UBND huyện Văn Yên trao tặng giải thưởng “Viên phấn vàng”…, cùng hàng loạt sáng kiến trong công tác giáo dục, sôi nổi trong phong trào, hoạt động Đoàn, cô giáo Lê Thị Bích Thủy - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường, Tổ phó chuyên môn Tổ Hóa - Sinh - Công nghệ, Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên vừa trở thành một trong 10 gương mặt tiêu biểu được Tỉnh đoàn Yên Bái tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và trao giải thưởng “Cánh cung đỏ” năm 2024…

Chi bộ Công an xã Yên Thắng phối hợp Đoàn thanh niên Công an huyện Lục Yên tổ chức ra mắt mô hình “Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó” trên địa bàn xã Yên Thắng.

Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã giúp cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Lục Yên phát huy vai trò quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Từ đó, xây dựng Đảng bộ, đơn vị ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay.

Huyện ủy Văn Yên tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức học tập Chỉ thị 05 chuyên đề năm 2024.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ chính trị chuyên đề năm 2024, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, cùng với triển khai các nhiệm vụ chính trị theo Chương trình hành động 188 của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện Văn Yên đã triển khai học tập nội dung chuyên đề năm 2024 tới 100% tổ chức cơ sở đảng bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục