Noi gương học tập suốt đời của Hồ Chí Minh để trở thành Công dân học tập

  • Cập nhật: Chủ nhật, 17/5/2020 | 8:00:15 AM

Hồ Chí Minh cả đời tự học. Kinh nghiệm của Người là “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn.

Không phải học những gì cao xa mà học những cái có quanh ta

Các quốc gia hiện đại đang tìm kiếm mô hình công dân học tập để xây dựng xã hội học tập. Việt Nam cũng đang làm việc này, tức là đi tìm một mẫu hình người học tập suốt đời phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhằm mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Trong quá trình cùng các đồng nghiệp nghiên cứu những mô hình công dân học tập, những người tiêu biểu của việc học tập suốt đời, tôi rút ra kết luận: Nếu chọn ai là công dân học tập tiêu biểu của Việt Nam và thế giới, tôi sẽ chọn Hồ Chí Minh.

Nhiều người nói, cụ Hồ là bậc vĩ nhân, nhân cách của Người cao vời vợi, làm sao ta với tới được. Nhưng tôi nghĩ khác, ta làm theo những điều người chỉ ra, làm theo những lời dạy đó, ta sẽ là người có ích nhờ học tập. Như vậy là xứng đáng làm con cháu, làm người học trò nhỏ của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh không đòi hỏi người dân phải học những gì cao xa, mà học những cái có ngay quanh ta để mỗi chúng ta vượt lên chính mình. Một lần, trong thư gửi đồng bào xã Duyên Trang, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, Người viết:

"Học hành là vô cùng. Học càng nhiều biết càng nhiều càng tốt, vậy tôi khuyên đồng bào trong xã gắng học thêm thường thức như làm tính, lịch sử, địa dư, chính trị, vệ sinh”([1]).

Với dân chúng còn ít học thời đó, Hồ Chí Minh yêu cầu cần học những điều thường thức với khẩu hiệu Học để mà làm. Học điều nhỏ (thường thức) mà không làm được thì làm sao có thể học điều lớn (lý luận cao xa).

Hồ Chí Minh cả đời tự học. Kinh nghiệm của Người là "Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn.

Năm 1959, nhận lời mời của Tổng thống Sukarno, Hồ Chí Minh đi thăm Indonesia. Trong dịp này, Người đến nói chuyện với sinh viên tại trường đại học Patgia Giavan (Jakarta), tôi rất cảm động khi đọc lại bài phát biểu này:

"Tôi sẽ nói vài lời với các bạn. Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường học. Tôi đã đi du lịch và làm việc, đó là trường Đại học của tôi… Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, dạy cho tôi cách yêu, cách ghét: Dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình, căm ghét áp bức ích kỷ.

Trường học ấy dạy cho tôi khoa học quân sự. Với gậy tầm vông, nhân dân tôi đã đánh bại quân đội đế quốc Pháp và đã giành tự do với chiến thắng Điện Biên Phủ. Trường học ấy đã dạy cho tôi lịch sử. Tôi đã thấy trên 50 năm qua tất cả nhân dân bị áp bức như Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam… ngày càng đi lên.

Trường học ấy đã dạy cho tôi chính trị. Chính trị là gì? Theo như tôi biết, đó là sự đoàn kết nhân dân… Sự đoàn kết trong nước và sự đoàn kết giữa các nước anh em sẽ vĩnh viễn thanh toán bọn đế quốc.

Khoa học là gì? Nó có nghĩa khi trở thành hữu ích cho nhân dân… Các cháu sinh viên yêu quý! Các cháu sẽ là những nhà khoa học tương lai, không phải là những ông quan sống ở trên và cách xa nhân dân, mà là để làm việc cho nhân dân.”

Công dân học tập mẫu mực

Hồ Chí Minh thực sự là một công dân học tập mẫu mực: Học suốt đời và phục vụ nhân dân suốt đời. Học tập suốt đời, theo Hồ Chí Minh, là học tập trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như trong việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp.

Việc nhỏ mà không học được thì đừng nói đến học việc lớn, việc thấp mà học không xong thì chớ mong học được việc cao. Kinh nghiệm của Hồ Chí Minh là phải nuôi dưỡng động cơ học tập, xác định đúng mục tiêu học tập thì mới học được lâu dài và mới làm được điều lớn.

Tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I trường Đại học nhân dân (7/1956), Hồ Chí Minh đến thăm và có huấn thị như sau:

"Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền công tác lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân.

Thời gian các bạn đến nghiên cứu ở trường này tương đối ngắn ngủi, cho nên không thể yêu cầu quá cao, quá nhiều. Những điều các bạn nghiên cứu được ở đây có thể ví như một hạt nhân bé nhỏ. Sau này, các bạn sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho hạt nhân ấy mọc thành cái cây và dần dần nở hoa, kết quả.

Theo ý kiến của tôi, thì hạt nhân ấy có thể tóm tắt trong 11 chữ:

Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân[2].

Nói tóm tắt, minh minh tức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Nói cách khác, tức là "tiên thiên hạ chi ưu khi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”[3].

Chúng ta hoặc ít hoặc nhiều đều mắc phải tư tưởng, tập quán tác phong của xã hội cũ. Cho nên thực hiện 2 chữ chính tâm không phải dễ dàng.

Phải kinh qua cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới trong bản thân mình: một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ và liên tục. Nhưng ta phải kiên quyết thì cái mới nhất định thắng cái cũ và chính tâm nhất định thành công.[4]

Học tập là một quá trình lao động nặng nhọc mà mục đích là thâu tóm được kinh nghiệm nhân loại, biến kinh nghiệm đó thành tri thức của riêng mình.

Lao động sản xuất cũng là hoạt động nặng nhọc, đòi hỏi mồ hôi, công sức và cả nước mắt, nhưng lao động sản xuất là hoạt động của một giai đoạn lứa tuổi.

Đến một thời điểm nào đó, người ta sẽ nghỉ hưu, ngừng việc sản xuất do tuổi già sức yếu. Còn học tập là lao động nhiều khi còn nặng nhọc hơn cả lao động chân tay, đòi hỏi quá nhiều thời gian, con người phải chi phí quá nhiều năng lượng, nhưng học tập không có chế độ nghỉ hưu, mà phải tiến hành suốt đời.

Là một nhà uyên thâm Nho học, Hồ Chí Minh rất tâm đắc với câu nói của Khổng Tử:

"Học nhi bất yếm, Hối nhân bất quyện”[5].

Hồi còn ở trên chiến khu Việt Bắc, Người cho viết câu trên thành khẩu hiệu, treo ở phòng họp. Có đồng chí hỏi: "Bác ơi, câu này của Khổng Tử, sao Bác lại cho treo ở đây?”. Người đã trả lời: "Không, đây là di sản văn hóa”.

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng xã hội học tập, đang đề cao mẫu hình ai cũng phải học, ai cũng phải giúp người khác học. Thời đại kinh tế chia sẻ là như vậy.

Học tập mà chán thì không còn đâu là hiếu học; Dạy học mà chán thì không còn gì là trọng học. Công dân học tập coi hiếu học là hàng đầu, và coi trọng học cũng là giá trị hàng đầu.

Noi gương học tập suốt đời của Hồ Chí Minh để trở thành Công dân học tập - 2Nhấn để phóng to ảnh
Là một nhà uyên thâm Nho học, Hồ Chí Minh rất tâm đắc với câu nói của Khổng Tử: "Học nhi bất yếm, Hối nhân bất quyện” (Ảnh: Tư liệu)

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến nội dung trong lá thư cuối cùng của Hồ Chí Minh viết cho ngành giáo dục [6].

"Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt được những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật…

Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó.

Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới”.

Quả thật, khi đọc lại bức thư này, tôi cứ ngỡ Hồ Chí Minh đang căn dặn chúng ta về những điều cần thiết phải lưu ý trong sự nghiệp xây dựng xã hội học tập hôm nay.

Tôn vinh Hồ Chí Minh là công dân học tập số 1 của Việt Nam, tôi suy nghĩ đến những việc tôi làm để được mọi người công nhận tôi là một công dân học tập, tất nhiên chỉ là một công dân học tập nhỏ bé đứng dưới chân tượng đài người công dân số 1 vĩ đại Hồ Chí Minh.

Trong tấm gương sáng Hồ Chí Minh về phương diện học tập, tôi nhận thấy rằng Tự học là một năng lực cốt lõi. Chỉ có tự học mới có thể học tập suốt đời theo phương thức học mọi lúc, mọi nơi. Những bạn đồng trang lứa với tôi đều không còn cơ hội đến trường để học tập theo các lớp chính quy được nữa.

Chỉ có cách tiếp cận tri thức mới qua sách báo, qua mạng, qua các hoạt động khoa học và hoạt động xã hội. Tôi rất tâm đắc với câu nói của John Lubbock[7]: "Cái gì ta tự học được mới thực là của ta, hơn những cái người khác dạy cho ta”.

Để học hỏi sâu giúp cho hiểu biết thấu đáo, con người không được dấu dốt. Hồ Chí Minh đã dạy ta điều này: Không ai có thể nói, ta đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới học vấn mênh mông, xung quanh ta vô vàn điều mới lạ.

Trong thế giới ấy, đúng như Khổng tử nói, ngẩng lên, nhìn xuống đều là học vậy. Muốn học tập lâu dài, phải luôn nhận ra cái dốt của mình. Điều xấu hổ không phải bản thân cái dốt, mà là không dám nhận mình là dốt.

Trước công nguyên, nhà hiền triết Socrates[8] đã từng nói: Không có sự ngu dốt nào đáng xấu hổ hơn là tưởng rằng mình đã biết những điều thực ra mình chưa biết.

Là một giáo sư lâu năm, tôi tự thấy mình còn dốt

Hồi còn là sinh viên khoa Tâm lý - giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi bị hấp dẫn về bài giảng của Giáo sư Nguyễn Lân, khi thầy nói về tư tưởng giáo dục của Khổng Tử [9]. Trước đám học trò của mình, Khổng Tử dạy:

Tri chi vị tri chi, bất tri vị bất tri, thị tri đa

(Dịch là: Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, thế mới là biết).

Là một giáo sư lâu năm, tôi tự thấy mình còn dốt bởi còn nhiều điều chưa biết. Thiên hạ có thể cười cho rằng thế mà được gọi là giáo sư. Song, sự thực thì trong thiên hạ còn nhiều người chưa hiểu biết thế nào là giáo sư.

Tôi thì thấy hình như ngày càng thêm nhiều điều mình chưa hiểu. Chẳng hạn, từ khi xuất hiện chương trình Industry 4.0 ở Cộng hòa Liên bang Đức, Tôi đã tìm học nhiều về Cách mạng công nghiệp 4.0, những yếu tố then chốt mà cuộc Cách mạng này tạo ra trong xã hội hiện đại và chương trình xã hội 5.0 của Nhật Bản.

Tuy nhiên, đọc nhiều nhưng tôi cũng chưa thấu hiểu cái viễn cảnh của thế giới hiện đại trong vài chục năm tới. Vì thế, ngụp lặn trong đại dương thông tin về Industry 4.0, nhưng những tri thức về cuộc cách mạng này của tôi là chưa nhiều, chưa đủ để suy tính những bước đi của giáo dục người lớn trong thập niên 2021 - 2030 sắp tới.

Tôi không cho phép mình "thất học”

Với những người có học, được học nhiều lại càng phải nhớ rằng, mình còn phải học nhiều hơn nữa. Về điều này, tôi cho rằng Sarkozy[10] nói có lý: "Bác học, kỹ sư, kỹ thuật gia không được phép thất học về văn chương, nghệ thuật, triết học và nhà văn, nghệ sĩ, triết gia không được phép thất học về khoa học, kỹ thuật, toán học…”.

Tôi tán đồng quan điểm này, nhưng muốn nói thêm rằng, phải chọn lọc tri thức nào cần nhất để học trước. Ví dụ, với tôi, trong lúc đang làm khuyến học, tôi không cho phép mình "thất học” về các lĩnh vực:

- Những xu thế xây dựng xã hội học tập trên thế giới.

- Nội dung và phương pháp dạy và học người lớn trong điều kiện kinh tế số hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

- Những vấn đề lý luận trong khoa học giáo dục người lớn (Andragogy).

- Những nội dung cơ bản trong Chỉ thị 11-CT/TW, trong Kết luận 49-KL/TW, trong Kế hoạch triển khai Kết luận 49-KL/TW của Chính phủ theo Quyết định 489/QĐ-TTg, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 52-NQ/TW...

- Kinh nghiệm của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

Một trong những năng lực đặc biệt của công dân học tập là năng lực tư duy độc lập và tư duy phản biện trong quá trình học tập và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và hoạt động xã hội. Kinh nghiệm xã hội là quý, nhưng coi kinh nghiệm xã hội như một khuôn mẫu thì nó sẽ giết chết sự sáng tạo.

Đứng trước một vấn đề mới, ta có một ý tưởng để giải quyết. Nhưng học hỏi thêm rồi lật đi, lật lại vấn đề, ta có thể có ý tưởng mới, khác với ý tưởng ban đầu.

Cuối cùng, vấn đề đặt ra trở thành công dân học tập để làm gì. Công dân học tập trong hoạt động khoa học kỹ thuật có những năng lực và lý tưởng phục vụ không hoàn toàn trùng khớp với một nhà giáo được công nhận đạt danh hiệu công dân học tập ngành giáo dục.

Với tôi, tôi phấn đấu để có đủ năng lực đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030 theo Kết luận 49-KL/TW.

Lý tưởng mà tôi hướng tới là một hệ thống giáo dục mở, trong đó, ai cũng được học hành như Hồ Chí Minh mong ước. Để thực hiện lý tưởng đó, cần phải ham học, ham làm, quên tuổi tác trong quá trình trẻ hóa trí não của mình.

Không lão hóa học vấn về giáo dục người lớn, về giáo dục thường xuyên thì mới có sức cùng các chiến hữu khuyến học đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời của nhân dân trên khắp các địa bàn dân cư trong cả nước.

 (Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội KHVN/ báo Dân trí)

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh, Thư gửi đồng bào xã Duyên Trang (Tiên Hưng, Thái Bình) sách "Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch”, Nhà XB Sự thật, Hà Nội, 1958, Tập I, tr.225.

[2] Tạm dịch câu này như sau: Học tập là một con đường lớn. Muốn đi trên con đường đó, cái tâm phải trong sáng, học để phục vụ nhân dân.

[3] Nghĩa câu này: Lo thì phải lo trước thiên hạ, vui thì phải vui sau thiên hạ.

[4] Hồ Chí Minh. Bài nói chuyện tại lớp chính trị khóa I, trường Đại học nhân dân Việt Nam. Toàn tập, tập VII, Nhà XB Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.480

[5] Câu này có nghĩa là: Học không biết chán, dạy không biết mỏi.

[6] Hồ Chí Minh. Thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 1968 - 1969. Toàn tập, tập XII, Nhà XB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 402-403.

[7] John Lubbock (1834-1913), một chính trị gia tự do người Anh, một nhà từ thiện, một nhà khoa học và Polymath

[8] Socrates (470-399 TCN), nhà triết học Hy Lạp, được coi là nguồn tư duy chính của Phương Tây.

[9] Khổng Tử (551-479 TCN) một trong những nhà khai sáng Nho giáo, giảng sư và triết gia được đánh giá là lỗi lạc nhất của cõi Á Đông.

[10] Nicolas Sarkozy, Cựu Tổng thống Pháp, sinh ngày 28/1/1955, nhiệm kỳ Tổng thống 16/5/2007-15/5/2012. Bài nói về giáo dục đăng trên tờ Tạp chí Nhà Quản lý, số 57/2007 (Người dịch: Phạm Toàn)

Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký phát hành bộ tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỉ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.

Bộ tem thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền hình ảnh quê hương của Người, bên cạnh là Bảo tàng Hồ Chí Minh với biểu tượng bông sen trắng thanh tao đang vươn cánh.

Chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được truyền hình trực tiếp từ 5 địa điểm trên cả nước.

TS. Nguyễn Quốc Hùng say mê dịch sách viết về Bác Hồ

Trong di sản ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài sản quý giá và sinh động, vừa cụ thể thiết thực đó chính là tấm gương lao động ngôn từ của Người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khánh thành đền Chung Sơn sáng 16-5

Đền Chung Sơn tọa lạc trên núi Chung, huyện Nam Đàn, Nghệ An để tưởng nhớ và tri ân những công lao của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh cho quê hương, đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục