Nỗi đau còn đến bao giờ?
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2011 | 7:36:58 AM
Chiến tranh đã đi qua 36 năm nhưng nỗi đau màu da cam vẫn mãi còn đeo đẳng cuộc sống thời bình của những gia đình người lính. Không dừng lại ở những người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ và thế hệ con cái của họ mà nghiệt ngã thay, di chứng tội ác chiến tranh vẫn đang còn đeo bám cả đến thế hệ thứ ba của những người lính.
Hai vợ chồng ông Lương Thanh Xuân cùng 3 con bị dị tật do di chứng chất độc da cam.
|
Mong ước không tật nguyền
Trong ngôi nhà sàn nhỏ làm bằng tre nứa, để chăm sóc các con, ông Lương Thanh Xuân ở thôn 16 xã Động Quan (Lục Yên) vừa chậm rãi kể về những tháng năm đánh Mỹ trên chiến trường Đông Nam bộ, cảnh ông tận mắt được chứng kiến giặc Mỹ rải thuốc diệt cỏ xuống những cánh rừng già. Vừa được nhìn những đứa con tật nguyền dị dạng thi thoảng lại gầm, rú do bị ảnh hưởng chất độc màu da cam của ông, lòng tôi chợt quặn thắt.
Năm 1964, theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, ông Xuân lên đường tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ, tham gia nhiều trận đánh như: chốt chặn đường 13, giải phóng Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long... Đúng dịp 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông Xuân xin nghỉ phép về quê xây dựng gia đình, rồi lại trở về Trung đoàn 141 tham gia Đại đội quân y tiếp tục sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia.
Giải phóng Campuchia xong, ông được điều sang làm trợ lý chính trị Trung đoàn pháo binh 450 ở Campuchia rồi được điều thẳng ra Bắc và tham gia công tác tại Bệnh viện 94, Quân đoàn 29 Bảo Yên năm 1979. Năm 1984, do điều kiện gia đình cũng như sức khỏe giảm sút, ông Xuân đã xin về nghỉ mất sức.
Những tưởng hạnh phúc của cuộc đời đã mỉm cười với người lính chiến khi những đứa con kháu khỉnh của vợ chồng ông lần lượt ra đời. Nhưng, bất hạnh thay khi 3/5 đứa con của vợ chồng ông bị tật nguyền bởi ảnh hưởng của chất độc màu da cam mà ông bị nhiễm. Chỉ có người con trai cả Lương Văn Tới và cô con gái thứ ba Lương Thị Tuyến là có vẻ lành lặn hơn thì đều đã xây dựng gia đình và sinh con nhưng những đứa cháu nội và cháu ngoại của ông sinh ra cũng rất chậm về nhận thức và ăn nói không lưu loát, học trước quên sau.
Bà Hoàng Thị Pháo, vợ ông Xuân nước mắt chứa chan tâm sự: “Ban đầu mới sinh ra, chúng cũng giống như những đứa trẻ khác. Cũng biết lẫy, biết bò nhưng 1 năm sau đều bị động kinh, mắt trợn ngược chảy nước dãi rồi liệt hẳn”. Vậy là suốt những năm tháng của thời bao cấp, khi ông Xuân vẫn còn ở trong quân đội, một mình người vợ trẻ “đầu tắt mặt tối” tranh thủ làm lụng lấy từng công điểm của Hợp tác xã để về nuôi con.
Những khi con lên cơn động kinh dữ tợn, cào cấu, bà bế con đi bộ cả 4 cây số lên tận xã Khánh Hòa khám bệnh cho con. Nghe bà con thôn xóm nói ở Viện Nhi Thụy Điển có thuốc chữa được căn bệnh này vợ chồng ông đã nhờ bà ngoại sang trông nhà rồi đưa các con đi chữa trị. Ngày ấy do không biết bị nhiễm chất độc màu da cam nên các bác sĩ khuyên gia đình cứ kiên trì chữa trị.
Mãi sau này qua báo, đài, ông bà mới biết các con mình phải gánh chịu di chứng của chất độc màu da cam từ ông và sau đó cũng đã được chính quyền làm chế độ hưởng trợ cấp 770 ngàn đồng/người. Cũng kể từ đó cùng với đồng lương mất sức ít ỏi 3 triệu đồng/tháng, ông Xuân có thêm khoản trợ cấp chất độc màu da cam hơn 1,7 triệu đồng.
Để chăm sóc 3 đứa con tật nguyền, hàng ngày vợ chồng ông đã phải bón cho các con ăn, dọn vệ sinh, tắm rửa cho từng đứa. Các con của ông bà trước kia còn bé thì việc chăm sóc bớt khổ, giờ thì chúng đã lớn, việc tắm rửa, vệ sinh, thay quần áo cho chúng ngày một vất vả hơn. Khổ hơn cả là cô con gái thứ 4 Lương Thị Tuyết sinh năm 1984 nay đã 28 tuổi nhưng cũng không thể tự mình làm vệ sinh cá nhân được.
Mọi cực nhọc đều dồn lên đôi vai gầy bé nhỏ của người mẹ già, trong khi Nhà nước chưa có chế độ cho người nuôi dưỡng. Chỉ tay về phía ông Xuân, bà Pháo nghẹn ngào: “Năm nay ông ấy đã bước sang tuổi 67, chất độc da cam đang hoành hành ốm đau triền miên. Giờ ông ấy đang bị vôi hóa cột sống chèn ép thần kinh, việc đi lại khó khăn, chắc chẳng mấy nữa không đi lại được… Một mình tôi sao có thể gánh vác nổi việc nuôi dưỡng 4 bố con bại liệt? Mong sao Nhà nước có Trung tâm chăm sóc người bị di chứng chất độc màu da cam nặng để chúng tôi bớt đi phần nào những khổ đau!”.
Thế hệ thứ 3 có được hưởng trợ cấp?
Trong cái nắng oi ả của trưa hè tháng 7, tại căn nhà riêng của con trai Đại tá Nguyễn Đình Xanh - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái ở tổ 67, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tôi lặng người nhìn bé gái Nguyễn Linh Chi - cháu nội của ông đại tá đang ngon giấc.
Bé Nguyễn Linh Chi cùng bà nội.
Trong những năm 1964 - 1976, đại tá Nguyễn Đình Xanh tham gia đánh Mỹ trên các chiến trường: Khe Sanh Quảng Trị, Bắc Kon Tum... Ông cũng là người trực tiếp được chứng kiến cảnh giặc Mỹ rải chất độc màu da cam trên các cánh rừng Trường Sơn.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, chiến thắng trở về dù đang là thương binh hạng 3/4 bị mất 41% sức khỏe, năm 1976 - 1977 ông vẫn đưa tù binh từ Nam ra Bắc. Sau đó ông được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Mường Khương rồi làm Chủ nhiệm chính trị, Chỉ huy phó, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái.
Những năm tháng sống, làm việc và công tác sau này, ông thường xuyên bị những cơn sốt rét rừng năm xưa hành hạ. Rồi chất độc màu da cam nhiễm phải trong những ngày ở chiến trường cũng không buông tha cho ông. Nhiều lần ông phải đi điều trị ở Bệnh viện 108, có đợt phải điều trị hơn 3 tháng để phẫu thuật khối u trên cơ thể.
Nỗi đau về thể xác không khuất phục được ông làm việc và cống hiến bởi có 3 người con (2 gái, 1 trai) và người vợ hiền luôn ở bên an ủi động viên và tiếp thêm cho ông nghị lực.
Năm 1997, về nghỉ chế độ, ông đã thực hiện được tâm nguyện của mình cùng vợ hoàn thành việc xây dựng hạnh phúc cho các con. Những tưởng mình thiệt thòi trong chiến tranh, các con sẽ được hưởng trọn niềm vui hạnh phúc nhưng năm 2005 ông lại phải chịu thêm một nỗi đau của cuộc chiến nữa.
Vợ chồng cậu con trai út của ông phải chịu di chứng chất độc màu da cam lại sinh ra một bé gái tật nguyền không chân, không tay. Còn anh Nguyễn Đình Nam con trai ông năm nào cũng phát ban 3 - 4 lần phải đi truyền giải độc. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người ông, người cha khi bế đứa cháu nội 4 tuổi Nguyễn Linh Chi cùng vợ chồng người con trai tìm đến một cơ sở làm tay, chân giả cho bé.
Nhưng, bé Chi còn quá nhỏ nên việc làm tay chân giả phải tạm hoãn lại. Vợ ông Xanh - bà Phan Thị Bình nói: “Bé Chi ngoan lắm, rất thích học bài. Giờ bé đang học lớp 1, tập viết chữ O, chữ A bằng cách tỳ phần tay ngắn ngủn sát nách kẹp vào cổ để viết. Việc rửa mặt vệ sinh cá nhân bé cũng làm như vậy”.
Được biết, trước đó, kể từ khi bé Chi ra đời vì thấy chế độ của Nhà nước qui định nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam chỉ được hưởng trợ cấp đến thế hệ thứ 2 còn thế hệ thứ 3 chưa có qui định, ông Xanh đã gõ cửa nhiều nơi ở các cơ quan liên quan từ tỉnh đến Trung ương nhưng mong muốn vẫn mãi dừng lại ở mong muốn bởi cuối năm 2010, Đại tá Nguyễn Đình Xanh đã vĩnh viễn ra đi bởi những căn bệnh do di chứng chất độc màu da cam hành hạ và mang theo nỗi niềm đau đáu.
Hình ảnh tiều tụy của bà Pháo (vợ ông Xuân) cứ cúi lom khom chăm sóc 3 người con dị tật do ảnh hưởng của chất độc màu da cam, hình ảnh của bé Nguyễn Linh Chi, cháu nội Đại tá Nguyễn Đình Xanh, không tay, không chân cố oằn mình che mặt không cho chụp hình cứ ám ảnh tôi suốt hành trình đi lấy tư liệu để viết phóng sự này. Nỗi đau ấy, hình ảnh ấy như một dấu hỏi chấm thật đậm, thật to vẫn đang bị bỏ ngỏ giữa dòng đời vội vã hôm nay của thời bình mà câu trả lời vẫn phải chờ sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và các cơ quan hữu quan có thẩm quyền.
Ông Phạm Văn Hảo - Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Yên Bái: “Đây là đòi hỏi chính đáng của các nạn nhân bị di chứng chất độc da cam thế hệ thứ 3. Cùng với đề nghị của ngành lên Trung ương, báo chí cũng cần góp tiếng nói, vì chưa có thống kê cụ thể nhưng chắc chắn trên cả nước cũng đang có rất nhiều nạn nhân thế hệ thứ 3 phải chịu thiệt thòi. Nhân đây, tôi cũng đề nghị việc giải quyết trợ cấp cho những người trực tiếp tham gia kháng chiến ở vùng nhiễm chất độc màu da cam theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế có qui định 8 loại bệnh ung thư có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hoá học/Dioxin. Nhưng nên thay đổi là các loại bệnh ung thư, chứ không nên khống chế trong 8 loại đó nữa, vì đây cũng là việc làm nhân đạo bởi người đã bị ung thư rồi thì còn sống được bao lâu nữa!”. |
Minh Đức