Mẹ vẫn đợi con về
- Cập nhật: Thứ ba, 18/7/2017 | 1:55:08 PM
YBĐT -"Ngày nó đòi đi bộ đội, mẹ không cản chỉ biết dặn dò nó phải cẩn thận còn về với bố mẹ, các em. Nó còn cười bảo: "Con về, mẹ lấy vợ cho con nhé!". Thế mà nó đi hơn 50 năm rồi, tới giờ vẫn chưa về với mẹ!".
Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hiền.
|
"Mẹ có 7 đứa con, 3 con trai nhưng 2 thằng đi chiến trường không trở về nữa. Thằng Cộng không phải con mẹ đẻ ra nhưng mẹ nuôi nó từ bé, coi nó như con đẻ lại thương nó nhất, nó cũng là đứa tình cảm với mẹ. Ngày nó đòi đi bộ đội, mẹ không cản chỉ biết dặn dò nó phải cẩn thận còn về với bố mẹ, các em. Nó còn cười bảo: "Con về, mẹ lấy vợ cho con nhé!". Thế mà nó đi hơn 50 năm rồi, tới giờ vẫn chưa về với mẹ!".
Ngước nhìn lên khủng ảnh trên bàn thờ, lau hàng nước mắt, mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hiền ở thôn Đồng Phú A, xã Việt Cường (Trấn Yên) run run kể với tôi trong nghẹn ngào.
ở tuổi 88, cái tuổi đã “gần đất xa trời”, mẹ Hiền vẫn ngày ngày ngóng trông tìm được hài cốt của 2 người con đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhắc đến hai người con của mình là trên khuôn mặt khắc khổ với nhiều nếp nhăn của mẹ lại tràn ngập tình yêu thương, sự chờ mong xen lẫn buồn tủi.
Mẹ có hai người con đi bộ đội là Hà Kim Cộng sinh năm 1945 và Nguyễn Khắc Dư sinh năm 1950. Cộng là con của người em trai bên chồng, nhưng bố mẹ anh mất từ năm lên 4, mẹ đem anh Cộng về nuôi nấng.
Thương con mất bố mẹ từ nhỏ nên mẹ càng chăm lo, yêu thương mong muốn bù đắp tình cảm cho anh Cộng nhiều hơn. Tuổi mẹ già, mắt đã mờ, chân đã chậm, tai đã lãng nhưng mẹ vẫn luôn nhớ khuôn mặt sáng, dáng người cao, tính tình hòa đồng vui vẻ, được mọi người yêu mến của con trai mẹ.
Không chỉ vậy mẹ Hiền cho biết: "Năm 1966, nó đi học xây mấy tháng trên huyện, về còn tham gia thanh niên xung phong đi xây ở các xã khác và về xây dựng sân hợp tác xã. Sân hợp tác chưa xây xong nó đã tình nguyện đi bộ đội. Lúc chuẩn bị đi nó hào hứng, phấn chấn ra mặt, nhưng sợ mẹ buồn nó luôn mồm động viên, mẹ yên tâm con đi vài năm thắng lợi con về, con khỏe lắm chẳng bom đạn nào giết được con đâu!".
Mẹ bỗng thẫn thờ ngó ra cửa, rồi như sực tỉnh mẹ kể tiếp. Anh Cộng là người sống tình cảm, đi đến đâu đều viết thư gửi về cho gia đình. Đến cuối năm 1967, đầu năm 1968 lâu lâu không thấy thư của anh, linh cảm của một người mẹ cho biết có điều chẳng lành xảy ra. Nhưng mẹ vẫn luôn tự động viên mình, con mẹ vẫn khỏe, anh vào vùng chiến đấu vất vả nên không có thời gian viết thư về cho nhà. Một thời gian sau gia đình nhận được giấy báo tử của anh. Như tiếng sét đánh ngang tai, lòng mẹ đau quặn thắt, mẹ khóc hết nước mắt vì thương anh.
Anh Cộng hy sinh được vài năm thì đến năm 1971, người con cả do mẹ sinh ra là Hà Khắc Dư, nhất quyết tiếp bước anh Cộng lên đường nhập ngũ. Mẹ đã mất một người con, lo sợ rằng ra chiến trường con mẹ lại không may mắn, nhưng biết tính con và vì sự nghiệp của cả dân tộc mẹ đồng ý cho anh đi.
Mẹ say sưa kể: "Thằng Dư nó quyết tâm đi bộ đội lắm, tay phải nó chỗ ngón cái có cục thịt thừa như sáu ngón tay ấy nên đi khám hai lần người ta đều không cho nó đi. Thế là về nó lẳng lặng tự cắt ngón thừa đi lúc nào không ai biết, nó còn viết thư xin nhập ngũ bằng máu, nó trầm tính nên đã quyết tâm cái gì thì làm bằng được. Tới lần thứ ba thì người ta cho nó đi. Đi khám sức khỏe về chỉ hai hôm sau là Dư lên đường luôn".
Anh Dư lên đường, mỗi bức thư gửi về tư nơi chiến trường bom đạn ác liệt nhưng thư nào cũng động viên gia đình ở nhà gắng lao động sản xuất, đừng lo cho anh. Thế mà anh đi chưa được bao lâu đến giữa năm 1972 mẹ nhận được tin báo tử của anh. Nỗi đau lại chồng chất nỗi đau trên đôi vai gầy của mẹ.
Hòa bình, Bắc - Nam đã sum họp một nhà, nhiều thanh niên trong làng nhập ngũ cùng các con của mẹ trở về nhưng hai người con trai của mẹ Hiền đã mãi mãi không về. Nỗi đau giằng xé làm cho mái tóc của mẹ ngày thêm bạc trắng như sương, cuộc sống của mẹ cũng trở nên trầm lắng hơn.
Lần giờ nén hương, khẽ vuốt tấm ảnh trên bàn thờ mẹ lẩm nhẩm bảo: "Chúng nó đi còn chẳng để lại tấm ảnh nào cho mẹ, ảnh này chỉ là ảnh vẽ thôi con ạ! Được chính quyền các cấp quan tâm các khoản trợ cấp mẹ được nhận đầy đủ, cuộc sống cũng tốt hơn. Năm nào vào các dịp lễ tết cũng được nhận quà của Chủ tịch nước và các cấp, các ngành. Năm ngoái mẹ được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng xây được nhà khang trang như thế này, phấn khởi lắm con ạ! Giờ mẹ ở đây có thằng thứ ba đỡ đần, chẳng phải lo gì lúc tuổi già nữa".
Như có niềm tin lớn mẹ bảo: "Ngôi nhà hoàn thành rồi, trời cho mẹ sống ngày nào thì ngày ý mẹ vẫn chờ chúng nó về ở cùng. Mong sao một ngày chính quyền báo tin tìm thấy con mẹ, mẹ vẫn mong và vẫn hy vọng bởi có nhiều bộ đội bị thất lạc sau chiến tranh giờ cũng đã trở về".
Người phụ nữ Việt Nam bao đời vẫn vậy, tảo tần, chịu đựng hy sinh vì chồng con, nhưng khi đất nước cần vẫn sẵn sàng tiễn đưa những người thân yêu nhất ra tuyến đầu bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc, để rồi lại “khóc thầm lặng lẽ” khi các anh mãi nằm lại với núi sông.
Trân trọng, ghi nhớ và tri ân những cống hiến vô giá của mẹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 2014, mẹ Hoàng Thị Hiền được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ hiện là một trong 5 Mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Trấn Yên còn sống. Ngót nửa thế kỷ trôi qua có những người con đi mãi không về, có những người mẹ vẫn mòn mỏi chờ mong vẹn nguyên lời hẹn thề trước lúc các anh ra đi.
Chia tay mẹ Hiền trong buổi chiều gió lộng, đi giữa cánh đồng thơm ngát mùi hương lúa trong tôi lại xốn xang lời bài hát: "Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi! Cho con xin chia sớt nỗi buồn, cho con xin xẻ đôi bát cơm, cho con hôn đôi mắt mỏi mòn. Cho con soi lại bóng hình con. Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi! Xin cảm ơn Người, người mẹ của tôi!".
Lê Thương
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, huyện Lục Yên đã quan tâm thực hiện chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
YBĐT - Hiện, trên địa bàn huyện có 1.025 đối tượng người có công và gia đình chính sách được hưởng trợ cấp.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã có 246 đối tượng người có công được hưởng chế độ điều dưỡng của Nhà nước.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, có lẽ vì thế mà viết về thương binh, liệt sỹ và những người có công là luôn là đề tài lớn. Nhân dịp kỷ niệm 70 ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), 38 tác phẩm viết về chủ đề này đã được trao giải thưởng.