Ngày 27/7, nghĩ về tấm lòng của Bác với thương binh, liệt sĩ
- Cập nhật: Thứ năm, 20/7/2017 | 2:07:47 PM
Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù bận nhiều công việc của đất nước, vẫn trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ, vẫn thắp “một nén hương thành” viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang, “thay mặt Chính phủ, và nhân dân toàn quốc nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc”.
Nghĩa trang liệt sĩ trên đảo Nam Yết.
|
Không quốc gia nào trên thế giới không có đài tưởng niệm, nhất là để tưởng niệm những người hy sinh vì đất nước, dân tộc.
Nước Nga có mộ liệt sĩ vô danh ở Thủ đô Moscow được xây dựng từ năm 1966. Nước Anh, nước Pháp đều có mộ liệt sĩ vô danh đặt ở Thủ đô London, Thủ đô Paris. Nước Mỹ từ năm 1921 có mộ liệt sĩ vô danh nằm ở nghĩa trang quốc gia Arlington, bang Virginia. Ai Cập có đài tưởng niệm liệt sĩ vô danh Cairo và Hy Lạp có mộ liệt sĩ vô danh ở quảng trường Syntama, trung tâm Thủ đô Athens…
Nhưng có lẽ không đâu như ở Việt Nam, đến năm 2016 cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 1.750 đài tưởng niệm liệt sĩ.
Quốc tế có nhiều ngày lễ trong năm, như Ngày quốc tế kỷ niệm tưởng nhớ nạn nhân của nạn diệt chủng Đức quốc xã (27/1), Ngày tưởng niệm tất cả nạn nhân của chiến tranh hóa học (29/4), Ngày quốc tế hòa bình (21/9), Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12)… Nhưng trong hơn 130 ngày lễ quốc tế không thấy có Ngày Thương binh-liệt sĩ (27/7) như đã và đang có ở Việt Nam suốt 70 năm qua.
Ngày 27/7 ở Việt Nam có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống và đạo lý hàng nghìn năm của dân tộc: Luôn tôn thờ các anh hùng hào kiệt và những người hy sinh vì nước, vì dân.
Trong thời hiện đại, ngay khi nền tự do độc lập của dân tộc vừa giành lại được, toàn dân Việt Nam đã phải nêu cao ý chí quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, thực hiện “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; những tổ chức Hội giúp binh sĩ bị nạn, Hội giúp binh sĩ bị thương hình thành ở một số địa phương để vận động đồng bào hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương.
Đáp ứng yêu cầu thực tế đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn ngày kỷ niệm thương binh-liệt sĩ và thành lập Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc… Ngày 27/7/1947, tại chiến khu Việt Bắc, lần đầu tiên ngày kỷ niệm ấy đã đi vào lịch sử.
Từ đó đến nay, cứ đến dịp 27/7 cả nước từ Trung ương đến các địa phương, từ những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, đến mỗi người dân, đều có nhiều hoạt động chăm lo cho thương binh, liệt sĩ - những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù bận nhiều công việc của đất nước những năm kháng chiến trường kỳ, hay khi đất nước bị chia cắt, vẫn trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ, vẫn thắp “một nén hương thành” viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang, “thay mặt Chính phủ, và nhân dân toàn quốc nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc”.
Người nhắc nhở: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta” và “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc”.
Ngày 27/7 là “dịp để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, thương mến thương binh”, làm “một việc nghĩa, mọi người tự động làm, tuyệt đối không cưỡng bức”. Người kêu gọi “nhường cơm, sẻ áo” và đề nghị: “Các cơ quan, các bộ đội, các trường học, các đoàn thể và toàn thể đồng bào cả nước đều nhịn ăn một bữa”, phải “thiết thực báo cáo kết quả”, phải “phân phối cho khắp”; tất cả “các giới, các tổ chức hăng hái tham gia, đặc biệt là đoàn thể phụ nữ, thanh niên và nhi đồng cần phải ra sức tuyên truyền, giải thích và giúp việc”.
Là người khởi xướng phong trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện trước những hoạt động thiết thực làm gương cho mọi người theo. Không chỉ gửi thư thăm hỏi, năm nào Người cũng gửi quà cho thương binh và gia đình liệt sĩ: Năm 1947 gửi chiếc áo lụa vừa được chị em phụ nữ biếu, cùng 1 tháng lương, 1 bữa ăn của mình và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là 1.127 đồng; năm 1949, gửi một số khăn mặt, áo quần, 1 tháng lương là 1.000 đồng; năm 1951 tặng một số bộ quần áo; năm 1952, gửi 1 tháng lương, 2 phiếu công trái quốc gia; năm 1953, gửi 1 tháng lương và 30 chiếc khăn tay; năm 1954, gửi 1 tháng lương 45.000 đồng và 30.000 đồng do Việt kiều vừa tặng…
Tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nào cũng dành sự chăm sóc cụ thể, thiết thực cho thương binh, gia đình liệt sĩ. Cho đến trước lúc đi xa, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân công việc sau chiến tranh “trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” và “đầu tiên là công việc đối với con người” là thương binh, liệt sĩ và các gia đình họ.
Trong Di chúc (bản viết tháng 5/1968), Bác dặn kỹ từng người, từng đối tượng, từng công việc cụ thể:
Đối với thương binh, “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần ‘tự lực cánh sinh’”.
Đối với các liệt sĩ “mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.
Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ “chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Thương binh và liệt sĩ có ở khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam, từ đất liền ra hải đảo. Nghĩa trang liệt sĩ phần nhiều ở cấp huyện và không ít có tới cấp xã là điều đặc trưng và thiết thực của đạo lý dân tộc, con người Việt Nam. Công tác thương binh, liệt sĩ ở các địa phương cả nước đều được chú trọng theo chủ trương xã hội hóa ngày càng có hiệu quả, nên ai cũng đã có khả năng “tự lực cánh sinh” và không ai bị đói rét.
Những nghĩa trang đặc biệt của quốc gia và các tỉnh, thành phố đã được xây dựng khang trang, đủ lớn và đúng tầm. Nghĩa trang ở một số địa phương đã có vườn hoa rộng, bia kỷ niệm đẹp. Nhưng vẫn còn nhiều hơn những huyện và xã rất khó khăn cả về quy hoạch và xây dựng, chưa có đủ vườn hoa và bia kỷ niệm. Thậm chí đâu đó còn có cả những “khuất tất” trong di dời mộ và dựng bia…
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nói: “Đau lòng nhất là còn 300.000 liệt sĩ chưa biết danh tính, 200.000 liệt sĩ chưa về với đất mẹ”. Đặt những con số đó bên cạnh hiện có 4.810 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 3.077 nghĩa trang liệt sĩ, càng thấy việc Bác dặn “mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ” là rất cụ thể, thiết thực và căn cơ, càng thấy còn nhiều việc phải làm; phải phấn đấu nỗ lực nhiều nữa cho mục đích cao cả “đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân”.
(Theo chinhphu.vn)
Các tin khác
YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngày 20/7, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Dũng- Phó Tư lệnh Quân khu 2 cùng đoàn công tác của Quân khu và Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái đã đến thăm, động viên và tặng quà các gia đình chính sách và Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), sáng 20/7, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn thành phố Yên Bái.
YBĐT - Sáng 20/7, Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Tỉnh đoàn Yên Bái, UBND phường Nam Cường (thành phố Yên Bái) tổ chức đối thoại trực tuyến về chủ đề "Yên Bái phát huy truyền thống, sức mạnh cộng đồng trong công tác đền ơn đáp nghĩa".
YBĐT - Đã 33 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời đạn bom trong trận chiến khốc liệt tại mặt trận biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của những cựu chiến binh (CCB) ngày ấy.