Nghị lực không tàn phế

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/7/2017 | 8:34:37 AM

YBĐT - Đều là thương binh nặng hạng ¼, người chồng đã để lại đôi chân nơi chiến trường, cặp đôi vợ chồng Nguyễn Trọng Hùng - Đỗ Thị Nhâm đã làm nên những mảnh ghép cuộc sống dầy ý nghĩa mà người lành lặn phải cảm phục.

Những tấm ảnh ông Hùng ghi lại thành công của buổi đầu khởi nghiệp.
Những tấm ảnh ông Hùng ghi lại thành công của buổi đầu khởi nghiệp.

Như đã hẹn trước, tôi được chị Huyền - cán bộ lao động - thương binh và xã hội của phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái đưa đến gặp ông - thương binh nặng hạng ¼ Nguyễn Trọng Hùng.

Ngôi nhà vợ chồng ông mới mua lại, chuyển về ở được ít hôm nên hãy còn bộn bề, đang sang sửa. Ông Hùng nhẹ nhàng đu người trên đôi tay với hai chiếc ghế gỗ nhỏ, tươi cười mời khách vào nhà. Đón chén trà thơm nóng trên tay ông, nghe ông kể chuyện đời lính, chuyện đời mình với những thăng trầm buồn, vui đủ cả, tôi thầm cảm phục nghị lực sống của thương binh tàn nhưng không phế ấy.

Nhập ngũ ngày 20/7/1980, đơn vị C6, D5, E266, F313, tham gia chiến đấu trên mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Thượng sỹ Nguyễn Trọng Hùng được giao phụ trách trung đội lính bộ binh. Với riêng ông, trận đánh đêm 29 rạng sáng ngày 30/11/1984 là một bước ngoặt của cuộc đời.

Là người chỉ huy đi đầu đưa bộ đội ta lên chiếm lại chốt bị địch đánh chiếm, khi chỉ còn cách chốt chừng 350m, Thượng sỹ Nguyễn Trọng Hùng đạp phải mìn của địch, 2 chân của ông bị cắt đứt. Ông được đưa về hậu phẫu, sau này an dưỡng ở Đoàn 235. Tại đây, ông đã tìm được người bạn đời của mình, cũng là thương binh nặng hạng ¼ - nữ thương binh Đỗ Thị Nhâm.

Hạnh phúc ngập tràn tổ ấm nhỏ bé, lần lượt 2 cô con gái, sau này thêm cậu con trai trào đời. Thế nhưng, khó khăn cũng chất chồng khi mà nhu cầu chi tiêu của gia đình lớn dần lên theo các con, không thể chỉ trông vào số tiền trợ cấp thương tật của Nhà nước. Cuộc sống chật vật, vết thương trong người lại thường xuyên tái phát, sức khỏe suy kiệt khiến ông cảm thấy bất lực với chính mình. Những đêm dài không ngủ, hàng trăm câu hỏi đặt ra trong đầu, những nghề, những việc được ông nghĩ tới.

Ông luôn đau đáu một điều: “Tuy mình là thương binh nặng, mất cả hai chân nhưng Bác Hồ đã động viên “Thương binh tàn nhưng không phế”. Tuổi mình còn trẻ, cuộc sống hãy còn ở phía trước, nhất định phải phấn đấu vượt khó mà vươn lên để nuôi con khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn”. 

Rồi vợ chồng ông lao vào làm, làm đủ nghề, cứ có công có việc kiếm được đồng tiền chính đáng là làm: từ nghề mổ lợn bán tại chợ; rồi mở quầy tạp hóa bán giải khát tại nhà, đến chuyện lên “đường 7” vùng Tân Nguyên, Bảo Ái cách nhà tới 20 km thuê địa điểm mở quán bán hàng ăn... Thế nhưng, thu nhập bấp bênh chẳng thể đủ sống.

Năm 2004, ông Hùng lên phường Yên Thịnh xin làm bảo vệ chợ vào ban đêm và nhận trông coi hàng hóa cho các hộ kinh doanh trong chợ; đồng thời, thuê ki-ốt để kinh doanh ăn uống. Cả vợ và các con ông tập trung vào làm. Công việc ổn định, thu nhập đều đều, lại gần nhà nên chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc sống của gia đình ông đã tạm đủ ăn, đủ tiêu.

Có thêm chút vốn liếng tích lũy, vợ chồng ông Hùng đánh liều thế chấp sổ lương và sổ đỏ nhà đất vay ngân hàng 150 triệu đồng mua đất xây dựng trang trại chăn nuôi khép kín, xây bể biôgas, mua máy nghiền thức ăn để phục vụ chăn nuôi lợn. Ông đầu tư mua 30 con lợn giống. Công việc chăn nuôi thuận lợi, đàn lợn lớn trông thấy mỗi ngày. Thế nhưng, dường như trời vẫn muốn thử lòng người. Trận mưa lũ đêm ngày 11/7/2005 đã cuốn trôi chuồng trại và đàn lợn của gia đình ông, thiệt hại khoảng 35 triệu đồng. Nợ nần chồng chất khiến vợ chồng ông cảm thấy buồn chán và bi quan.

Được bà con xóm phố động viên, anh em thân thuộc giúp đỡ vốn liếng, ông Hùng tiếp tục củng cố trang trại đầu tư chăn nuôi. Lứa lợn đầu tiên xuất chuồng đạt gần 4 tấn, thu 43 triệu đồng, trừ chi phí, vợ chồng ông để ra 9 triệu đồng tiền lãi. Năm 2006, ông xuất chuồng 3 lứa lợn thu trên 120 triệu đồng, lãi gần 30 triệu đồng, cộng với nguồn thu nhập từ kinh doanh hàng quán trong chợ, tổng thu nhập của gia đình ông đạt tới gần 40 triệu đồng/năm. Ông được bình chọn là Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.

Tháng 6/2007, ông Hùng vinh dự được đi Dự Hội nghị tổng kết phong trào thương binh có thành tích xuất sắc trong xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi tại Hà Nội, được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trao tặng bằng khen. Nghị lực vượt lên chiến thắng đói nghèo đã đưa người thương binh tàn phế ấy trở thành người lính đi đầu trên trận tuyến phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Năm 2008, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam...

Ngẫm lại những tháng ngày gian truân ấy, ông Hùng bảo chuyện đời mình chẳng khác nào cổ tích. Hai lần thiên tai, hỏa hoạn tưởng như trắng tay, thế rồi sau mỗi mất mát, thiệt hại ấy, vợ chồng ông lại có thêm nghị lực để kiên cường bám trụ cuộc sống, vật lộn mưu sinh. Cứ đều đặn duy trì hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, gà sạch và kinh doanh dịch vụ ăn uống, thu nhập mỗi năm cũng ngót nghét gần trăm triệu đồng, vợ chồng ông chẳng những đã có cuộc sống ổn định, nuôi dạy 3 con đều được học hành đỗ đạt, có việc làm ổn định mà gia đình ông còn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả ở địa phương.

“Giờ thì con cái phương trưởng rồi, vợ chồng cũng được an nhàn hơn. Ngôi nhà ngoài phố để cho cậu con trai kinh doanh buôn bán, tôi mới mua thêm khu đất này, rộng rãi để ở và làm chăn nuôi” - ông Hùng bộc bạch.

Cho tôi xem tờ giấy mời đích danh ông và vợ ông, với vai trò là người phục vụ thương binh nặng, tham dự lễ tri ân người có công với cách mạng vùng Tây Bắc tổ chức tại tỉnh Sơn La, ông Hùng phấn khởi: “Thật mừng là năm nào Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến anh em thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công. Còn gì mừng hơn là bản thân mình thấy rằng vẫn luôn sống có ích trong cuộc đời, dẫu có là thương tật nhưng không phải là tàn phế bỏ đi. Trong khó khăn, soi vào câu nói của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế” như thể được tiếp thêm nghị lực, để rồi càng thấm thía niềm vinh dự và trách nhiệm của người lính đi đầu”.

Phạm Minh

Các tin khác
Thương binh Hoàng Hữu Thắng (phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm trong quân ngũ.

YBĐT - Trong một đợt điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Yên Bái, tôi thấy một người đàn ông cao, gầy, bước chân khập khiễng. Khi bác sỹ kéo cao chiếc áo bệnh nhân, tấm lưng ông chằng chịt hàng chục vết sẹo to, nhỏ hiện ra như khẳng định đó là một con người ít nhất đã một lần đối mặt với cái chết cận kề. Người đàn ông đó là cựu chiến binh Hoàng Hữu Thắng - thương binh hạng 3/4.

YBĐT - Nhiều năm nay, xã Phú Thịnh là một trong những địa phương của huyện Yên Bình làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Công tác này đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục và xem như nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của xã.

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Cúc, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), ngày 25/7, đoàn công tác do đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái làm trưởng đoàn đã tới thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Cùng đi có lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, thị xã Nghĩa Lộ.

Hội Cựu TNXP tặng quà cho bà Hoàng Thị Nấng là thân nhân liệt sỹ, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Sáng ngày 25/7, cán bộ, lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh và thành phố Yên Bái đã tới xã Tuy Lộc thăm và tặng quà gia đình bà Hoàng Thị Nấng ở thôn Hợp Thành, là thân nhân của liệt sỹ Nguyễn Văn Khéo hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và gia đình cựu thanh niên xung phong Mai Xuân Vĩnh ở thôn Minh Long.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục