Ngôi nhà thứ hai
- Cập nhật: Thứ năm, 27/7/2017 | 8:17:18 AM
YBĐT - Công tác điều dưỡng người có công (NCC) là một trong những chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với NCC với cách mạng. Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh mới đi vào hoạt động từ tháng 12/2015 nhưng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe NCC, góp phần thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.
Trung tâm trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để các đại biểu người có công rèn luyện sức khỏe.
|
Hiện nay, Trung tâm có cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ, đội ngũ cán bộ, phục vụ với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu của NCC trong công tác chăm sóc sức khỏe. Năm 2016, dự ước, Trung tâm đón và điều dưỡng 600 lượt đại biểu NCC trong và ngoài tỉnh về điều dưỡng tập trung nhưng thực tế chỉ đón tiếp và điều dưỡng 268 đại biểu trong tỉnh và 39 đại biểu NCC tỉnh Lai Châu bởi một số lý do khách quan. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, đã đón tiếp 479 lượt NCC, đạt 50,9% chỉ tiêu kế hoạch.
Nằm bên dòng sông Hồng, không khí tại đây luôn mát mẻ và trong lành. Những cụ già thư thái ngồi chơi cờ, trò chuyện với nhau về gia đình, con cái, ôn lại những kỷ niệm chiến đấu anh dũng để bảo vệ quê hương, đất nước. Bác Hà Văn Thành ở thôn 5, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái là bệnh binh hạng 1/3 cho biết: “Khi mới đến Trung tâm, tôi đã cảm nhận được sự thân thiện của cán bộ, trang thiết bị sinh hoạt đầy đủ đã tạo cho tôi cảm giác thoải mái. Xin cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Trung tâm hiện có 8 biên chế và một số hợp đồng. Về cơ sở vật chất, Trung tâm có 5 tòa nhà gồm tòa nhà đa năng có đầy đủ thiết bị thể thao, giải trí; 3 tòa nhà nghỉ điều dưỡng với 66 giường, trang bị đầy đủ tiện nghi như điều hòa, nóng lạnh, ti vi…; khu nhà bếp được thiết kế một chiều theo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng chí Lục Thị Vinh - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh cho biết: “Năm 2017, Trung tâm phấn đấu đón tiếp 941 đại biểu của 9 huyện, thị, thành phố theo quy trình khép kín khoa học. Trung tâm về tận các xã, phường đón các đại biểu đúng giờ, đúng địa điểm và bảo đảm an toàn. Khi đến Trung tâm, các đại biểu được thăm khám sức khỏe ban đầu, cấp phát thuốc bổ, lưu giữ hồ sơ bệnh án, tư vấn về sức khỏe và nghe nói chuyện, thông tin về các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Cùng với đó, công tác cấp dưỡng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực đơn hợp lý, có chế độ ăn kiêng phù hợp với từng đại biểu. Đặc biệt, chúng tôi rất chú trọng đến thái độ tinh thần phục vụ của cán bộ, phải nhiệt tình, chu đáo, tận tình, lễ phép… Điều này đã để lại ấn tượng cho các đại biểu”. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, công tác chăm sóc NCC ở Trung tâm còn một số hạn chế như: cán bộ, viên chức và người lao động chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác điều dưỡng, chưa được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ; nhân lực mỏng nên sắp xếp bố trí việc làm khó khăn; kinh phí hoạt động hạn chế; tâm lý một số đại biểu NCC không muốn đi điều dưỡng tập trung tại một địa điểm nhiều lần; công tác tuyên truyền chưa sâu sát đến với các đại biểu NCC vẫn chưa nhận thức được lợi ích từ việc điều dưỡng tập trung…
Để công tác điều dưỡng NCC phát huy hiệu quả hơn nữa, đồng chí Lục Thị Vinh cho biết thêm: “Trước hết, cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, cơ sở vật chất; tăng cường công tác tuyên truyền đến với các đại biểu NCC; tiếp tục đào tạo cho cán bộ nâng cao trình độ, tập huấn về năng lực quản lý, kỹ năng chăm sóc, điều dưỡng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét tạo điều kiện để cán bộ có phụ cấp đặc thù của công việc”.
Thực tế cho thấy, nhu cầu điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe của NCC với cách mạng là rất lớn. Để thực hiện tốt chính sách chăm sóc, điều dưỡng NCC, đòi hỏi cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, tạo điều kiện thuận lợi để NCC thụ hưởng chính sách một cách tốt nhất.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, cùng với chính sách ưu đãi người có công (NCC) với nước được thực hiện đầy đủ, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực, cùng chung tay chăm lo cho NCC.
YBĐT - Với truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, tỉnh Yên Bái không ngừng đẩy mạnh Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tích cực giải quyết các tồn đọng sau chiến tranh và các chính sách hậu phương quân đội, đặc biệt là phong trào phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), bảo đảm các mẹ có cuộc sống cao hơn bình diện chung của tỉnh.
YBĐT - Với tinh thần và ý chí nỗ lực, những người lính năm xưa đã và đang phát huy truyền thống tốt đẹp của “bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình, vươn lên phát triển kinh tế.
YBĐT - Trong 3 năm trở lại đây, toàn huyện Văn Chấn có 39 nhà người có công được hỗ trợ làm nhà với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Riêng năm 2017 toàn huyện có 7 nhà được sửa chữa và xây mới. Cùng với nguồn tiền cấp trên phân bổ, huyện đã trích kinh phí từ nguồn ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm, các cơ quan, ban ngành tại Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ cho các gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở.