Bà Lê Thị Quân, trú tại phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái nghẹn ngào kể lại: "Trước lúc ông tôi nhắm mắt xuôi tay, con cháu xúm lại hỏi: "Ông có nguyện vọng gì không?” Ông thều thào bảo: "Thằng Đức (anh trai tôi là liệt sĩ Lê Đình Đức, hy sinh từ năm 1969) chưa có mộ”. Nói rồi ông trút hơi thở cuối cùng.
Có thể nói, cha tôi và mấy anh em tôi chưa bao giờ vơi đi niềm mong mỏi tìm được phần mộ của anh ấy. Câu chuyện buồn và mong ước của bà Lê Thị Quân cũng giống như hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện buồn và mong ước của các gia đình liệt sĩ ở tỉnh Yên Bái và rộng hơn là đất nước Việt Nam này.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có tới hơn 300.000 ngôi mộ liệt sĩ chưa rõ thông tin, bên cạnh đó còn hàng chục vạn chiến sĩ còn nằm lại nơi rừng xanh, núi đỏ trong lòng đất mẹ hoặc nước bạn Lào, Campuchia. Nhiều chiến sĩ hy sinh mà thi thể còn mãi lặng lẽ dưới đáy sông, cửa bể nên chưa có mộ phần dù tấm bia chỉ là dòng chữ ngắn ngủi nhưng thiêng liêng "Liệt sĩ vô danh”. Tại tỉnh Yên Bái, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đang quản lý hồ sơ của 5.508 liệt sĩ, nguyên quán Yên Bái; toàn tỉnh hiện có 15 nghĩa trang, nơi yên nghỉ của 2.085 liệt sĩ, gần một nửa trong số ấy (979 phần mộ) không có thông tin.
Như đã nói, mong muốn lớn nhất của thân nhân các liệt sĩ là tìm thấy hài cốt người thân, chính vì vậy hàng chục năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định thông tin của các liệt sĩ không ngừng được triển khai và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, nhất là xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin vẫn sẽ là nhiệm vụ lâu dài và hết sức khó khăn của Đảng, Chính phủ, quân đội, ngành LĐ-TB&XH.
Song song với các giải pháp của Nhà nước, phần lớn các gia đình, dòng tộc có con em hy sinh nhưng chưa tìm được phần mộ đều nỗ lực bằng mọi biện pháp có thể, mong sao thỏa ước nguyện vọng của gia đình. Không ít gia đình đã cất công vào Nam, ra Bắc, ngược dãy Trường Sơn, vượt qua biên giới sang nước bạn Lào, Campuchia, tìm đến những nghĩa trang liệt sĩ, tìm đến những nơi diễn ra trận đánh lớn nhỏ hay con đường hành quân của đơn vị người thân mình; số khác thì tìm đến đồng chí, đồng đội của người thân với mong muốn có được chút thông tin dù là ít ỏi.
Nhiều ông bố, bà mẹ thương nhớ người con đã hy sinh, do không có điều kiện đi tìm phần mộ, họ gửi gắm hy vọng vào những lá thư cho chuyên mục "Nhắn tìm đồng đội” của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam với chút hy vọng rất mong manh; đôi khi chỉ là để được nghe tên con nhắc trên sóng quốc gia giống như một lời an ủi, động viên trước những thiệt thòi, mất mát bấy lâu. Cũng không ít gia đình vì nỗi khát khao tìm được hài cốt liệt sĩ, đã cậy nhờ vào tâm linh, không tiếc tiền bạc, công sức. Rồi khi những "nhà tâm linh”, "nhà ngoại cảm” bị phanh phui, số tiền chiếm đoạt lên tới cả chục, cả trăm tỷ đồng thì xót xa hơn, đằng sau những hành vi táng tận lương tâm ấy là khiến vết thương trong lòng của các thân nhân liệt sĩ càng thêm rỉ máu.
Tháng Bảy - tháng tri ân, tháng nghĩa tình. Trên các diễn đàn, câu chuyện về chế độ chính sách cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, đặc biệt là việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ được bàn luận, phân tích một cách kỹ lưỡng; trong đó, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cần dựa vào khoa học, cụ thể là đẩy mạnh việc giám định ADN. Để làm được điều này, Nhà nước và ngành LĐ-TB&XH cần sớm xây dựng ngân hàng gen, đồng loạt lấy mẫu gen thân nhân các liệt sĩ đưa vào lưu trữ; đẩy mạnh việc lấy mẫu gen hài cốt liệt sĩ ngay khi có thể (trong quá trình quy tập, sửa chữa nghĩa trang, di chuyển mộ phần, tổ chức khai quật toàn bộ số mộ liệt sĩ vô danh để lấy mẫu khi có thể…).
Cần hiểu rằng, thời gian không đợi chúng ta. Khi xương, răng liệt sĩ để quá lâu trong lòng đất, tế bào đã phân hủy thì việc giám định ADN cũng không thể thực hiện được. Thực tế, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái cũng đã hướng dẫn 2 gia đình liệt sĩ có phần mộ liệt sĩ ở tỉnh khác đi giám định ADN, tuy nhiên mẫu xương của liệt sĩ đã phân hủy nên không thể thực hiện việc giám định.
Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã diễn ra trong thời gian rất dài, trên phạm vi rộng lớn, lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu cũng như điều kiện, hoàn cảnh hy sinh rất đa dạng; việc chôn cất liệt sĩ, quản lý hồ sơ, phần mộ liệt sĩ trong điều kiện chiến tranh ác liệt nên rất dễ xảy ra thất lạc. Bên cạnh đó, sau chiến tranh, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương giải thể, sáp nhập, quá trình bàn giao hồ sơ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí của các cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều hạn chế, để xảy ra sai sót, chưa kể thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn; quá trình cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ còn xảy ra sai sót…
Chính vì vậy, trên 300.000 ngôi mộ liệt sĩ trên cả nước vẫn còn những tấm bia "Vô danh”, "Chưa biết tên” hoặc "Chưa xác định được thông tin”; hàng vạn hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy. Bổn phận của mỗi chúng ta khi hưởng tự do, độc lập, hòa bình và hạnh phúc là đền đáp công lao của các anh hùng liệt sĩ, chăm lo thật tốt đời sống vật chất và tinh thần của thân nhân các liệt sĩ.
Đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, cùng với đó là tổ chức xác định thông tin liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN… Không thể bù đắp được sự mất mát, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ nhưng chúng ta hãy làm tất cả để vết thương lòng của các thân nhân liệt sĩ bớt phần quặn thắt.
Lê Phiên