Gần 70 tuổi, mất tới 61% sức khoẻ do ảnh hưởng của chiến tranh, bom đạn trong những năm tham gia kháng chiến, nhưng với ý chí và nghị lực và của người lính không khuất phục trước khó khăn, ngay khi trở về địa phương, bệnh binh Nguyễn Văn Thành ở thôn Vạn Xuân, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái vẫn tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Với lợi thế đất vườn rộng, ông Thành cùng gia đình trồng rau màu và một số cây ăn quả như: thanh long, bưởi… đồng thời nuôi thêm gia cầm để bán. Đặc biệt, những năm gần đây, ông Thành đã chăm sóc và nhân rộng được trên 200 giò phong lan các loại, chủ yếu là Lan Phi Điệp, Hồ Điệp, Chồn, Tai trâu…. Vừa chơi hoa, ông vừa bán cho những ai có nhu cầu. Thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt và hoa lan của gia đình ông Thành hiện đạt trên 100 triệu đồng/năm:
"Sức khỏe tôi yếu và bệnh tật nhưng khi về bản thân mình phải tự cố gắng vì con cũng đông, các cháu còn ăn học nên phải cố gắng làm kinh tế có thu nhập đảm bảo để nuôi các con”, ông Thành chia sẻ.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, bệnh binh Nguyễn Văn Thành còn tích cực tham gia các hoạt động của thôn, của xã. Ông Thành có 5 năm liên tục là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Thịnh, sau đó là công an viên của thôn Vạn Xuân. Dù ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được người dân tin yêu, chính quyền địa phương ghi nhận. Đến nay, tuổi cao, sức yếu nhưng ông Thành vẫn luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương như: xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nông thôn mới; là tấm gương sáng cho con, cháu học tập noi theo.
Ông Lê Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình cho biết: "Gia đình của bác Nguyễn Văn Thành là một trong những gương tiêu biểu để cho nhiều hội viên Cựu Chiến binh cũng như hội viên, đoàn viên khác noi theo”.
Ngoài sự nỗ lực "vượt lên thương tật” của thương bệnh binh và gia đình chính sách, thời gian quan tỉnh Yên Bái và các địa phương đã có những sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt đối với các gia đình người có công. Trong đó, phải kể đến việc hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với 780 hộ gia đình với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng. Bên cạnh đó là nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế cho hộ gia đình người có công thông qua các hội tín chấp như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh…
Trong ngôi nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng, ông Đỗ Ngọc Thu, thương binh hạng 4/4 ở tổ 3, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên phấn khởi cho biết, trước đây, vì gia đình khó khăn, tuổi già, sức yếu nên ông bà phải ở trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp. Năm 2021, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng theo chương trình xây nhà ở cho người có công, cùng với tiền được bồi thường giải phóng mặt bằng, gia đình ông đã xây mới căn nhà kiên cố, rộng gần 100m2 khang trang, sạch đẹp: "Được Nhà nước quan tâm giúp đỡ cho tôi rất là cảm ơn Đảng và Nhà nước”.
Ông Phạm Tuấn Chung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có hơn 5.800 thương, bệnh binh, người có công và thân nhân. Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
"Chúng tôi tham mưu cho tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; thực hiện đúng, đủ, chính xác, kịp thời, công bằng và minh bạch các chế độ ưu đãi. Đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”, tăng cường sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quan tâm chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu cơ bản gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”, ông Chung nói.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh Yên Bái đang tổ chức các đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn. Bên cạnh đó các cơ quan, đoàn thể, địa phương và nhiều tổ chức, cá nhân cũng đang có những hành động thiết thực trong "Tháng 7 nghĩa tình”, góp phần đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”, "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội.
(Theo VOV)