Bài 1: Vẫn còn những thách thức
- Cập nhật: Thứ năm, 3/9/2015 | 9:58:04 AM
YênBái -
YBĐT - Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 126 xã đạt trên 5 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 40 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, 3 xã đạt 19 tiêu chí.
Người dân xã Tân Lập (huyện Lục Yên) làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Quang Thiều)
|
Sau hơn bốn năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành cùng sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, Chương trình XDNTM tại tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Diện mạo nhiều địa phương đã có đổi thay rõ nét nhưng XDNTM cũng đang vấp phải hàng loạt khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ với chiến lược lâu dài.
Khi mới triển khai xây dựng chắc hẳn không ít người còn mơ hồ hay nghi ngờ tính khả quan của Chương trình XDNTM thì nay đến đâu người ta cũng bàn về nông thôn mới (NTM) như thể hiện niềm tin, sự khao khát bộ mặt nông thôn phát triển, thay da đổi thịt. Thuận lợi có, khó khăn có nhưng quan trọng hơn NTM đang khiến bà con nông dân dần thay đổi tuy duy lao động sản xuất, sinh hoạt. Đến nay, toàn tỉnh có 126 xã đạt trên 5 tiêu chí NTM, trong đó 40 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, 3 xã đạt 19 tiêu chí. Hơn 4 năm qua, từ nhiều nguồn vốn, toàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp xây dựng mới trên 300 công trình kết cấu hạ tầng nông thôn cho các xã.
Nổi bật là những đột phá trong phát triển giao thông nông thôn (GTNT). Sau bốn năm thực hiện Đề án phát triển GTNT, toàn tỉnh đã kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng với tổng chiều dài 454km và mở mới nền đường 868,5km. Đánh giá của các ngành chức năng cho thấy, bộ mặt nông thôn Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Chương trình XDNTM ở Yên Bái vẫn đang vấp phải hàng loạt những khó khăn, thách thức.
Ông Hoàng Văn Nguyên - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải trăn trở: “Địa hình của Mù Cang Chải bị chia cắt, độ dốc lớn nên khi mở đường rất khó để đáp ứng yêu cầu bề rộng nền đường 4m trong XDNTM. Thêm vào đó, nhiều thôn, bản cách trung tâm xã tới 30km nên đòi hỏi kinh phí rất lớn. Đơn cử như từ trụ sở UBND xã Nậm Có đi bản Mú Cái Hồ, Đá Đen mất khoảng 30km hay từ trụ sở UBND xã Chế Tạo đi bản Háng Tày, Nả Háng cũng khoảng 30km…”.
Trăn trở này hoàn toàn có cơ sở khi đến nay, Mù Cang Chải mới chỉ có 7/233,3km đường liên thôn, bản được cứng hóa. Ngay cả huyện Văn Chấn, một trong những “điểm sáng” trong làm GTNT đến nay, cũng mới chỉ có hai xã hoàn thành tiêu chí về giao thông là Thanh Lương và Tân Thịnh.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn chia sẻ: “Đối với những xã vùng cao, để cứng hóa 50% đường thôn, bản là rất khó khăn do nhiều nơi địa hình hiểm trở, đồi núi dốc lại cách xa trung tâm, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế, đóng góp của người dân có hạn”. Qua rà soát của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM tỉnh Yên Bái, hiện, toàn tỉnh mới chỉ có 7,9% số xã đạt tiêu chí về giao thông, một con số khá khiêm tốn.
Ngoài tiêu chí về giao thông, các tiêu chí về thủy lợi, nhà ở, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo... cũng là những thách thức mà các địa phương đang gặp phải trong quá trình XDNTM hiện nay. Ông Mùa A Tồng - Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông (huyện Mù Cang Chải) băn khoăn: “Hiện nay, xã đã đạt 10 tiêu chí NTM. Thế nhưng, đối với tiêu chí văn hóa, nếu cứ giữ nguyên phải xây dựng một hội trường văn hóa đa năng có 200 chỗ ngồi, có các phòng chức năng và sân bóng đá thì quả thực là chẳng biết bao giờ mới làm được”.
Qua tìm hiểu, khó khăn chung của các xã là không có quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa. Trong khi đó, những nhà văn hóa đã xây dựng chủ yếu chỉ có diện tích 70 - 80m2. Nếu cứ chuẩn theo tiêu chí thì chưa đạt. Vì vậy, nên tùy theo điều kiện thực tế của địa phương để có những điều chỉnh cho phù hợp, chứ không thể áp tiêu chí ở vùng thấp cũng như vùng cao.
Ngoài những băn khoăn trên, nhiều địa phương cũng cho rằng, tiêu chí về nhà ở chưa cập với phong tục, bản sắc văn hóa của một số vùng, miền. Đơn cử như, người Tày ở Lục Yên và nhiều nơi đã quen với nhà sàn. Đây cũng là một nét văn hóa lâu đời cần được duy trì. Nếu cứ làm đúng theo tiêu chí đề ra là phải có tường cứng, cột cứng, nền cứng và mái cứng thì sẽ rất khó thực hiện. Hay đối với đồng bào dân tộc Mông ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, từ lâu, nhiều thế hệ cùng chung sống trong một gia đình. Nhà ở của họ thường là nhà gỗ, thấp, không có phòng riêng, nếu đòi hỏi diện tích nhà ở đạt từ 14m2/người trở lên, bao gồm: phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh tự hoại thì sẽ không hợp lý với thói quen sinh hoạt của đồng bào nơi đây.
Rõ ràng, trong 19 tiêu chí XDNTM, tiêu chí nào cũng cần thiết nhưng điều chỉnh, vận dụng sao cho hiệu quả, phù hợp với các nguồn lực ở từng địa phương để đời sống của nhân dân được nâng lên mới là đích cuối. Đường cứng hóa, nhà cửa sạch đẹp sẽ là tiền đề để người nông dân yên tâm lao động sản xuất và có thu nhập ổn định... đó mới chính là NTM. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận, để hoàn thành mục tiêu XDNTM, Yên Bái vẫn còn nhiều khó khăn như: đời sống của một bộ phận dân cư nông thôn còn thấp; tỷ lệ nghèo đói cao; nhận thức và tập quán canh tác của một số đông bào dân tộc thiểu số còn hạn chế... Vì thế, trong khi chờ các cấp, ngành điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp với thực tế từng vùng, miền, các địa phương cũng phải tự vận động đưa ra những cách làm linh động, hiệu quả và phù hợp với nội lực tại cơ sở. Trước tiên là tập trung tuyên truyền nhân dân tham gia giải quyết những tiêu chí không cần nhiều nguồn lực đầu tư đó là: vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dạy và học, an ninh trật tự...
Trong quá trình triển khai XDNTM, nhiều địa phương đã có những cách làm hay và sáng tạo. Chia sẻ về kinh nghiệm đó, bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) bộc bạch: “Những hộ ven đường, xã triển khai xây dựng hố rác tập trung tại những điểm khác nhau, sau đó, vận động nhân dân đóng tiền thuê đội dịch vụ đi thu gom. Còn những hộ bên trong, vận động đào hố rác gia đình. Qua ba lần kiểm tra, hộ nào không thực hiện thì cán bộ xã trực tiếp cầm cuốc, xẻng đào cho dân. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn Việt Thành đã hoàn thành nhanh chóng tiêu chí về môi trường”.
Người dân tham gia làm đường giao thông tại xã Mai Sơn, huyện Lục Yên.
Một điển hình khác về những sáng tạo trong XDNTM là xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái). Để thực hiện được tiêu chí cuối cùng về cơ sở vật chất văn hóa, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, để xây dựng nhà văn hóa xã, xã đã tổ chức hội nghị kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia đóng góp, ủng hộ được trên 200 triệu đồng để mua sắm các trang thiết bị. Nhờ vậy, Tuy Lộc là xã đầu tiên của tỉnh đạt đủ các tiêu chí để làm thủ tục đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Thực tế cho thấy, để XDNTM một cách thành công, cần sự tham gia góp sức, đồng lòng của nhân dân cùng các nguồn lực xã hội hóa đầu tư tập trung xây dựng tiêu chí giao thông trước tiên. Để giải quyết vấn đề trên, trước hết, các địa phương cần phải hoàn thiện quy hoạch hệ thống đường liên thôn, liên xã, cắm mốc các tuyến đường bảo đảm đạt yêu cầu về chiều rộng của chuẩn NTM. Khi sức dân chưa đủ và nguồn ngân sách đầu tư còn hạn hẹp, các tuyến đường này tạm thời rải cấp phối để bảo đảm thuận lợi trong giao thông.
Ông Trần Hữu Sính - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Chấn cho rằng: “Nhu cầu về giao thông và thủy lợi rất lớn nhưng vốn đầu tư có hạn, vì vậy, trước mắt, cần lồng ghép các nguồn lực, làm đến đâu, chắc đến đó. Khi nhìn nhận, đánh giá cũng nên mềm dẻo hơn, đường dân đi được bốn mùa, kênh mương bảo đảm tưới tiêu thuận lợi là được, chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải cứng hóa”. Theo ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, bên cạnh việc duy trì công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn nữa về Chương trình XDNTM, năm nay, việc phân bổ vốn sẽ tập trung cho những xã có khả năng hoàn thành 19 tiêu chí, các xã điểm của huyện, tỉnh cùng với đó là tăng cường hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Chìa khóa cho sự thành công của Chương trình, trước nhất, chính địa phương phải nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí NTM để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân ở chính khu vực đó; phát huy cao nguồn lực tại chỗ; lồng ghép các chương trình, dự án lấy nhóm tiêu chí kinh tế làm đòn bẩy, tạo đà cho các nhóm tiêu chí khác phát triển.
Hùng Cường
Bài 2: Đòn bẩy từ nhóm tiêu chí kinh tế