Làng du lịch bên dòng Nậm Kim

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/11/2015 | 3:07:28 PM

YBĐT - Không chỉ làm món ăn phục vụ, ông Dơn "cũng phải học "Hê - lô", "Thanh - kiu", "Bông - roa", "Méc - xi"  để giao lưu với khách Tây".

Một tiết mục múa đón khách của đồng bào dân tộc Thái.
Một tiết mục múa đón khách của đồng bào dân tộc Thái.

Trước đây, nói đến Mù Cang Chải là người ta vô cùng ngán ngẩm bởi cái nghèo, bởi núi non heo hút. Giờ thì núi non vẫn thế, nhưng đi lại thuận tiện, cuộc sống đổi thay, cảnh quan ruộng bậc thang, văn hóa bản địa đang ngày càng hấp dẫn du khách.

Trò chuyện với Chủ tịch UBND thị trấn Mù Cang Chải Đỗ Công Chúng, anh tự hào khẳng định: "Sự thay đổi đó, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn có một yếu tố quan trọng, đó là do người dân đã biết phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương". Anh cũng cho biết thêm, đối với nhiều nơi, dịch vụ du lịch cộng đồng không có gì mới, nhưng đối với Mù Cang Chải, du lịch là hai từ mới lạ. Vậy mà, chẳng ai ngờ, chỉ thời gian ngắn, với sự năng động, nhạy bén, của người Thái bản Kim Nọi ở thị trấn huyện đã biết làm kinh tế du lịch. Nhiều "lão nông tri điền" giờ cũng biết vài câu tiếng Anh, Pháp để giao tiếp với khách, biết nấu ăn, làm hướng dẫn viên du lịch.

Thật lạ! Nhớ lại cách đây vài năm, tôi đã vào Kim Nọi. Cũng như bao làng bản của người Thái khác, bản Kim Nọi nằm bên dòng Nậm Kim thơ mộng - con suối bắt nguồn từ đỉnh Cao Phạ huyền bí. Nhìn từ quốc lộ 32, bản làng với những nếp nhà sàn xinh xắn nhìn hướng ra cánh đồng rộng. Nhưng quả thật, chuyến đi vào thăm bản, lúc đó cho tôi cảm giác thất vọng khi nhìn bên ngoài đẹp thế, nhưng vào trong mới thấy cảnh trâu buộc dưới gầm nhà sàn, chuồng lợn, nhà vệ sinh, nước thải toàn mùi xú uế. Vậy mà, nay lại khác! Bản Kim Nọi trở thành bản làm du lịch.

Con đường đất xuyên qua cánh đồng được thay thế bằng đường nhựa, một bên có hàng bóng điện cao áp. Vào trong bản mới thấy sự thay đổi nhiều quá. Không còn cảnh trâu buộc gầm sàn. Nhà nhà đã có công trình vệ sinh hiện đại như nơi phố thị. Đường nội bản phong quang, sạch sẽ, hầu hết được bê tông hóa. "Tất cả là do du lịch!" - Bí thư chi bộ thôn Tòng Văn Phích khẳng định.

Cảnh quan tươi đẹp, kiến trúc nhà ở mang đậm bản sắc dân tộc và văn hóa bản địa chính là điểm hấp dẫn du khách đến với Mù Cang Chải.

Cùng Bí thư chi bộ, chúng tôi đến nhà ông Tòng Văn Dơn - một trong những gia đình đầu tiên làm du lịch. Ngôi nhà sàn được dựng từ năm 1985, khá rộng rãi. Câu chuyện về làm du lịch giữa chúng tôi và chủ nhà khá rôm rả. Ông Dơn làm du lịch từ khi ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng danh thắng quốc gia. Để đón mừng sự kiện này, tỉnh, huyện đã tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Du khách khắp nơi nườm nượp kéo về để chiêm ngưỡng danh thắng và khám phá văn hóa vùng Tây Bắc. Có lẽ, do điều kiện nhà nghỉ, ở trung tâm huyện chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hoặc do du khách muốn khám phá văn hóa bản địa nên cách đây khoảng 3 năm, một hôm ông Dơn nhận được điện thoại của Công ty Du lịch Á Châu tại Hà Nội đặt vấn đề muốn hợp tác sử dụng nhà của ông làm điểm ngủ, nghỉ cho du khách. Nhưng điều kiện đặt ra là, để làm điểm lưu trú, gia đình ông phải có nhà vệ sinh sạch sẽ để phục vụ du khách.

“Choáng” trước đề nghị của Công ty này, vì từ bé đến giờ ông có biết đến làm du lịch gì đâu! Nhưng đây có lẽ là cơ hội để phát triển kinh tế và không chỉ bám mãi vào trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi? Sau nhiều trăn trở, ông Dơn quyết định thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng gần 40 triệu đồng đầu tư xây nhà tắm, nhà vệ sinh, mua chăn, màn, gối đệm. Bỏ ra một món tiền khá lớn để hồi hộp ngóng đợi, rồi những vị khách đầu tiên cũng tới. “Chính xác là 5 người, với giá cho một ngày đêm là 80 nghìn đồng một người. Qua một đêm, bỗng ngôi nhà sàn bao năm sinh sống đã cho thu vài trăm ngàn!” - ông Dơn phấn khởi kể lại.

Sau một thời gian chỉ cho thuê chỗ ngủ, từ nhu cầu của khách, dù chỉ có hai vợ chồng, nhưng ông Dơn bắt đầu phục vụ cả ăn, uống. “Làm món ăn cho khách ta là những món truyền thống của người Thái, còn cho khách Tây cũng đơn giản. Bữa tối, bữa trưa họ ăn nem cuốn, thịt kho, thịt nướng, thịt sấy, rau sào và sáng ăn bánh mỳ”. “Không chỉ vậy, chúng tôi cũng phải học "Hê - lô", "Thanh - kiu", "Bông - roa", "Méc - xi"  để giao lưu với khách Tây. Phải chịu khó nghe và học vài câu để xem họ bằng lòng hay không với cách phục vụ của mình. "Giờ thì đã có kinh nghiệm, nên chúng tôi biết thời điểm nào khách đông, nhìn là biết khách từ nước nào tới, sở thích của họ là gì” - ông Phích tiếp lời.

Gần nhà ông Dơn, có ông Lương Văn Dương, Lương Văn Sanh... tất thảy có 10 nhà làm dịch vụ này. Nhiều nhà cũng đang có ý định đầu tư để mở dịch vụ du lịch. Ngoài lo ăn nghỉ cho khách, các gia đình làm dịch vụ còn kết hợp bán một số mặt hàng địa phương như: vải thổ cẩm, quần áo dân tộc, mật ong, rượu sơn tra, thuốc dân tộc… Đặc biệt, nhà ông Dương còn mở dịch vụ tắm thuốc, xông hơi. Dẫu chưa được bài bản như cách làm của người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình), ở Mộc Châu (Sơn La) hay gần hơn là ở thị xã Nghĩa Lộ, nhưng việc làm du lịch cộng đồng đã làm thay đổi cuộc sống của bà con Kim Nọi.

Ông Tòng Văn Dơn đang chuẩn bị chỗ nghỉ để đón khách

Về kinh tế, mỗi khách ăn, ngủ là 280 ngàn đồng/ngày, đêm và nếu chỉ ngủ nghỉ thì 80 ngàn đồng/người. Mỗi nhà có thể đón được 10 - 15 khách thì ít nhất mỗi tháng cũng thu nhập thêm vài triệu đồng, đó là số tiền không nhỏ đối với nhà nông. Đấy là chưa tính vào những dịp như tuần văn hóa - du lịch danh thắng ruộng bậc thang, khách phải đặt chỗ trước hàng tháng. Không những vậy, nhiều lao động địa phương có thêm việc làm, thu nhập từ bán thực phẩm, bán hàng đặc sản. Nguồn thu từ du lịch, bà con đầu tư để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nên nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, xe máy và đầu tư máy móc phục vụ nông nghiệp. “Hơn thế, có khách về nghỉ, nhất là khách Tây, chúng tôi còn học được nhiều điều ở họ, nhất là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường” - Bí thư Phích cho biết thêm.

Đêm về, Kim Nọi sáng đèn cao áp. Ngồi trong nhà sàn của ông Phích, gió thổi mát rượi. Tôi nghĩ miên man, chẳng ai có thể ngờ những người nông dân quen với “chân nấm tay bùn” lại có thể thay đổi tư duy, chuyển đổi tập quán sinh hoạt để thay đổi cuộc sống bằng hướng đi mới. Ông Phích bảo: “Hiện giờ, gia đình tôi mới chỉ phục vụ nấu ăn cho khách khi có nhu cầu, nhưng mỗi tháng cũng có thêm vài triệu. Các con tôi có ý định đầu tư thêm nhưng vẫn còn thiếu nhiều thứ lắm anh ạ, chưa được như các nơi khác”.

Trăn trở của Bí thư Chi bộ thôn, tôi hiểu đó là mong muốn có cách làm du lịch một cách căn cơ, bài bản, có tính bền vững hơn; đó là làm sao để mọi người có kỹ năng, có sự liên kết với nhau để làm du lịch mà không để tự phát như hiện nay; là việc đầu tư đường sá trong bản để khách đi lại tham quan thuận tiện; là dịch vụ ăn uống, công trình vệ sinh của mỗi gia đình cần thay đổi phù hợp... Đấy là, chưa nói đến những dịch vụ mang tính hỗ trợ như thành lập đội văn nghệ để du khách tiếp cận đời sống văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào Thái; thành lập làng nghề để cung cấp các sản phẩm đồ lưu niệm; là liên kết đưa khách tham quan Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, thăm bãi đá cổ, thăm hang động, rừng nguyên sinh, tắm suối khoáng; là những vấn đề liên quan đến thông tin, quảng bá... Tất cả những thứ đó là để níu chân du khách ở lại lâu hơn, chứ không chỉ nghỉ qua đêm như hiện nay. Để làm được điều này, không chỉ có sự nỗ lực của người dân, mà còn cần có sự tiếp sức nhiều hơn nữa từ các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, thậm chí là mở rộng liên kết ra ngoại tỉnh.

 Đình Tứ

Các tin khác
Giám đốc Quang trao đổi với các chủ trại thỏ vệ tinh về cách phòng bệnh cho thỏ.

YBĐT - Nhiều người dân gọi ông với cái tên thân mật “giám đốc của nông dân”, không chỉ bởi doanh nghiệp của ông chuyên kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp mà còn vì dáng vẻ bề ngoài chân chất của ông.

Ông Đỗ Ngọc Lân - Chủ tịch HĐND phường Nam Cường trao đổi công tác quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội & làm đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Sinh ra trên quê hương Nam Cường nên từng thửa ruộng, nương chè, ngõ xóm và đời sống người dân thế nào, ông Lân là người rất thấu hiểu. Bởi thế, khi biết tôi muốn tìm hiểu về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa này, như chạm đúng mạch nguồn cảm hứng của ông.

Bao quanh thị trấn Trạm Tấu là những rừng thông ngút ngàn xanh.

YBĐT - Đến với vùng cao Trạm Tấu, ấn tượng để lại trong lòng mỗi người là những rừng thông xanh ngút tầm mắt. Đồng bào Trạm Tấu hôm nay đã được hưởng 2 lợi ích từ rừng đó là lợi ích phòng hộ và lợi ích kinh tế. Đằng sau những cánh rừng ngút ngàn ấy là những mảnh đời bình dị, gắn đời mình với rừng cây.

Học sinh điểm trường Xéo Dì Hồ trong giờ ôn bài.

YBĐT - Đỉnh Xéo Dì Hồ ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải quanh năm ngập trong sương trắng giữa bạt ngàn rừng núi hoang vu. Ở đó có những thầy cô giáo trẻ đang lặng lẽ, cần mẫn như người gieo hạt, mang cái chữ đến vùng cao hẻo lánh. Họ đã dệt nên bao huyền thoại về dạy chữ, rèn người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục