Cuộc "cách mạng" xóa bỏ hủ tục ở Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/12/2015 | 9:46:46 AM

YBĐT - Vận động đồng bào không để người chết lâu trong nhà đảm bảo vệ sinh và giảm chi phí ăn uống tốn kém cho con cháu, tiếp đó phải kể đến việc vận động đồng bào Mông thực hiện "ba bỏ" cây thuốc phiện.

Đám cưới của đôi bạn trẻ người Mông ở Trạm Tấu được tổ chức theo nếp sống mới.
Đám cưới của đôi bạn trẻ người Mông ở Trạm Tấu được tổ chức theo nếp sống mới.

Từ những chủ trương đúng đắn, những nghị quyết hợp lòng dân cùng sự vào cuộc đồng bộ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, sự gương mẫu trong triển khai thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhiệm kỳ 2010 - 2015 vùng cao Trạm Tấu đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu trên địa bàn.

Trạm Tấu là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh có trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 77%. Những năm trước đây, do hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu ăn sâu vào đời sống và sản xuất của người dân như: tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba trở lên chiếm đa số; đám tang còn để người chết lâu trong nhà; người ốm không đưa tới cơ sở y tế mà mời thầy mo tới gia đình cúng ma; sản xuất nông nghiệp chủ yếu bằng các giống lúa địa phương lại gieo cấy một vụ nên năng suất thấp; gia súc thường chăn thả rông nên mùa rét bị chết rất nhiều làm ảnh hưởng tới sức kéo và sản xuất nông nghiệp...

Xác định rõ những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống và cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã họp bàn và xây dựng 5 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội. Trong đó, phải kể đến 2 chương trình lớn về xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới và chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông, lâm nghiệp.

Chương trình gồm những nội dung cụ thể: tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ việc tảo hôn, thách cưới cao và thực hiện các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch; khâm liệm người chết vào quan tài và không để lâu trong nhà, xóa bỏ những hủ tục không còn phù hợp trong đời sống mới ở những đám tang; thực hiện ăn sạch, ở sạch, uống sạch và không nuôi nhốt gia súc gần nhà; đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bằng cách sử dụng những giống ngô, lúa có chất lượng, năng suất cao, chuyển đổi diện tích sắn và lúa nương kém năng suất sang trồng ngô đồi, đưa cây ngô trở thành cây hàng hóa; thực hiện trồng cỏ voi, dự trữ rơm khô và thức ăn cho gia súc trong mùa rét, không thả rông gia súc để đảm bảo sức kéo. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy về sắp xếp đất đai các xã vùng cao, đảm bảo cho hộ nông dân có đất sản xuất, không di dịch cư tự do, không tái trồng cây thuốc phiện, không đốt phá rừng làm rẫy...

Theo đó, Đảng bộ huyện Trạm Tấu thực hiện phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong Ban thường vụ, Ban chấp hành phụ trách cụm xã, xã, thị trấn; lãnh đạo trưởng, phó các cơ quan giúp đỡ thôn, bản theo phương pháp cầm tay chỉ việc; bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đảng viên tham gia phụ trách hộ. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động người thân, con, cháu thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của tỉnh, của Trung ương thông qua các chương trình, dự án đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp đồng bào từng bước được tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống.

Từng là cán bộ Ban thường vụ phụ trách xã đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng 3 năm, đồng chí Nguyễn Văn Xa - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu thực sự là người có công lớn trong việc giúp xã vận động đồng bào phá bỏ cây thuốc phiện, tham gia làm đường giao thông, xây dựng đời sống văn hóa mới và chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Những năm trước đây, khi trong gia đình có người thân mất thì người Mông ở Tà Xi Láng thường mổ trâu, bò, thực hiện tục bón cơm cho người chết trong nhà và cứ thế  ăn uống tới bốn, năm ngày mới đem chôn cất. Từ năm 2010, nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được đưa vào Nghị quyết HĐND, đưa vào tiêu chí bình xét hộ gia đình văn hóa, lại có cán bộ huyện xuống tận nơi cùng với các tay ngành, tay xã, các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ vận động, tuyên truyền, dần dần đồng bào đã nghe ra, không để người chết lâu trong nhà đảm bảo vệ sinh và giảm chi phí ăn uống tốn kém cho con cháu.

Tiếp đó phải kể đến việc vận động đồng bào Mông thực hiện "ba bỏ" cây thuốc phiện. Đây thực sự là cuộc chiến với hủ tục đã ăn sâu trong cách làm của bà con, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các lực lượng công an, quân đội trong công tác triệt phá loại cây chết người này. Đã có nhiều cánh rừng pơ mu cổ thụ bị chặt hạ ở các thôn, bản vùng sâu, vùng cao của các xã: Bản Mù, Làng Nhì, Tà Xi Láng, Xà Hồ, Túc Đán, Bản Công... để trồng cây thuốc phiện. Nhằm làm tốt công tác "ba bỏ" cây thuốc phiện, Huyện ủy, UBND huyện Trạm Tấu đã huy động sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, phối hợp với lực lượng nòng cốt là Công an tỉnh và Ban chỉ huy quân sự huyện sát dân, bám địa bàn mà tuyên truyền, vận động.

Thời gian đó, Trạm Tấu nổi tiếng với phong trào "bốn cùng" là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con để triệt phá và chống tái trồng cây thuốc phiện trong dân. Song song với phong trào "bốn cùng" ấy là sự cương quyết của Đảng bộ huyện trong công tác cán bộ khi thực hiện xử lý cách chức Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND của 6 xã buông lỏng quản lý để xảy ra hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện là: Làng Nhì, Tà Xi Láng, Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ và Túc Đán. Những cán bộ trẻ, có năng lực và nhiệt tình công tác qua phong trào "bốn cùng" với dân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã được đề bạt đảm nhận gánh vác vai trò lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Xa tự hào: "Nếu như Bản Mù trước đây vận động đồng bào làm một vụ còn khó khăn thì nay bà con đã tự giác gieo cấy vụ xuân đúng lịch để kịp thời gian làm vụ mùa. Còn Tà Xi Láng nay đã đầy ắp những nương ngô năng suất cao trồng trên đất dốc thay thế cho cây thuốc phiện năm nào".

Nông dân huyện Trạm Tấu cấy lúa 2 vụ tại cánh đồng sản xuất chuyên canh lúa đặc sản ĐS-1 của huyện.

Từ những chủ trương đúng đắn, những nghị quyết hợp lòng dân cùng sự vào cuộc đồng bộ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, sự gương mẫu trong triển khai thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhiệm kỳ 2010 - 2015 vùng cao Trạm Tấu đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu trên địa bàn. Việc tổ chức ma chay, cưới xin, lễ hội đã đảm bảo văn minh và tiết kiệm, không còn tình trạng thách cưới cao, nạn tảo hôn và sinh con thứ ba giảm rõ rệt, người chết được khâm liệm vào quan tài và đưa đi chôn trước 48 tiếng. Đặc biệt, thực hiện chủ trương "ba sạch", đã có trên 87% hộ dân trong huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh, tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy không còn, sản xuất nông nghiệp của huyện có bước phát triển vượt bậc.

Đến nay, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt trên 6.500ha, nhân dân các xã trong huyện được vận động đã thực hiện chuyển đổi 700ha lúa ruộng gieo cấy 1 vụ lên 2 vụ, góp phần nâng hệ số sử dụng ruộng nước gieo cấy 2 vụ lên gần 2 lần. Theo đó, gần 1.000ha diện tích trồng lúa nương và trồng sắn kém hiệu quả được chuyển sang trồng ngô 2 vụ bằng giống mới cho năng suất cao. Ngoài 205ha cỏ voi, cán bộ, đảng viên trong huyện còn vận động nhân dân khai hoang thêm gần 100ha ruộng nước để thâm canh tăng vụ, trên 80% hộ chăn nuôi đã xây dựng chuồng trại cho gia súc. Vì thế, năm 2010 toàn huyện có trên 1.000 con gia súc bị chết đói, chết rét thì từ năm 2013 đến nay huyện không còn xảy ra tình trạng này. Từ chỗ 2 gia đình, hai dòng họ ở xã Xà Hồ tranh chấp đất đai dẫn tới đánh nhau đông người, có người phải vào tù thì nay, đảng viên trong huyện đã vận động được 280 hộ có nhiều đất san sẻ cho 338 hộ thiếu đất với diện tích 156ha để sản xuất phát triển kinh tế gia đình, không di cư tự do.

Hiện, cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lương thực của huyện có sự thay đổi rõ rệt, đã hình thành được vùng sản xuất chuyên canh lúa đặc sản ĐS-1 với quy mô 240ha và bước đầu hình thành vùng trồng ngô hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Năm 2015, tổng sản lượng lương thực có hạt của Trạm Tấu đạt tới 20.400 tấn, tăng gần 7.500 tấn so với năm đầu nhiệm kỳ, vượt 21,4% và về đích trước 3 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện nghiêm túc, riêng xã Hát Lừu đã đạt được 11/19 tiêu chí.

Những ngày cuối năm này, cùng với nhiều hoạt động triển khai đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, đội ngũ cán bộ, đảng viên huyện Trạm Tấu đang tích cực "bốn cùng" với dân, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm theo chủ trương ăn chung một tết Nguyên đán của tỉnh, tạo không khí đoàn kết vui tươi trong đồng bào các dân tộc vùng cao. Có sự vào cuộc đồng bộ, nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên trong huyện, chắc chắn xuân Bính Thân 2016 này sẽ là mùa xuân thứ 4 liên tiếp Đảng bộ huyện Trạm Tấu hoàn thành xuất sắc chương trình vận động 100% hộ đồng bào Mông trong huyện ăn chung một tết Nguyên đán, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đầu tiên trong những ngày đầu, tháng đầu, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới 2015 - 2020.

Thanh Hương

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục