Gặp những chủ nhân của Giải thưởng Lương Định Của (bài 1): Mỗi người một con đường

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/1/2016 | 10:12:11 AM

YBĐT - Họ đều thuộc thế hệ 8X. Họ đều tham gia công tác Đoàn. Họ đều là những thanh niên mang trong mình khát vọng làm giàu chính đáng, trước hết cho chính bản thân.

Đoàn viên Nguyễn Việt Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên là điển hình phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá.
Đoàn viên Nguyễn Việt Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên là điển hình phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá.

Họ đều bất ngờ và tự hào khi vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ X, năm 2015. Họ đều sẽ tiếp tục con đường tương lai phía trước với một ý chí và quyết tâm mạnh mẽ hơn...

Cũng phải đôi ba lần thay đổi lịch thì Hà Quang Hành, dân tộc Thái - Bí thư Đoàn xã Phù Nham, huyện Văn Chấn mới thu xếp được cuộc gặp. Gặp nhau rồi, nghe em nói thì việc nào cũng quan trọng, nào là chuẩn bị công tác Đảng vụ cho cuộc kiểm tra định kỳ của đoàn kiểm tra Huyện ủy Văn Chấn, rồi lại đảm đương phần trách nhiệm khi Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã vắng mặt...

Ngay tức khắc, rất nhanh, Hành phóng vèo xe máy đưa tôi về nhà và theo đề nghị của tôi là ra thẳng đồng. Những luống bí bao tử đang lên xanh. Hành sà ngay vào và chỉ dẫn người chị họ đang tưới rau. Nhìn cái cách của Hành, ai cũng có thể thấy ngay sự gắn bó và thân thiết với đồng ruộng. Đem suy nghĩ ấy nói với em, Hành giải thích: “Em cũng không biết nữa chị ạ, cứ về nhà là em phải ra vườn ngay. Một phần chỉ có vợ em là lao động chính trong nhà, hết việc ở xã thì em về phụ giúp vợ. Một phần là em luôn muốn thấy cây bí của mình phát triển từng ngày”.

Năm 2008, Công ty Hạt giống Tân Lộc Phát, thành phố Hồ Chí Minh đến tìm thị trường tại Bản Khộn, xã Phù Nham - nơi gia đình Hành sinh sống. Sau hội thảo, Hành quyết định tham gia thử nghiệm trồng 2.000 m2 bí lấy hạt giống. Vụ đầu, Hành có gặp một chút khó khăn do cây bí chết héo nhiều và mắc một số loại nấm. “Hành thấy nản chứ?”. “Lo ngại cũng có nhưng em nghĩ, đã dám chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì phải chấp nhận cả các yếu tố rủi ro”.

Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng hàng năm. Năm 2015, Giải thưởng Lương Định Của lần thứ X được trao cho 150 thanh niên nông thôn tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực trong công tác Đoàn, Hội tại địa phương. Trong số đó, 21 thanh niên là người dân tộc thiểu số. Tỉnh Yên Bái có 3 thanh niên vinh dự nhận giải thưởng này.
Trăn trở để có kết quả như ý, kinh nghiệm mà Hành rút ra là cây bí hay bị héo xanh và chết sau mưa, cây bí chết ngắt quãng, luống nào cũng bị song không bị hết. Kết hợp thuốc của Công ty cung cấp với tự mày mò xử lý, em bảo, hiệu quả kinh tế của cây bí lấy hạt giống rõ ràng cao gấp đến hai, ba lần so với trồng cây ngô, trồng cây lúa nên vui mừng lắm, thật phấn khởi, tin tưởng hơn. Từ năm 2008 đến năm 2014, sản phẩm hạt giống làm ra đều do Công ty bao tiêu. Chất lượng sản phẩm hạt bí giống của em luôn luôn bảo đảm về độ thuần và tỷ lệ nảy mầm theo yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp.

Cứ thế, mỗi năm, Hành lại tiếp tục mở rộng thêm diện tích: năm 2013 là 4.500 m2 bí, 1.000 m2 mướp đắng cho thu nhập hơn 160 triệu đồng; năm 2014 vẫn mở rộng diện tích bí, mướp đắng, thử nghiệm 1.000 m2 dưa chuột lấy hạt giống trên đất hai vụ lúa thay thế cây ngô đông mang về trên 300 triệu đồng; năm 2015 có 6.500 m2 bí. Chưa hết, tự nghiên cứu và lai tạo, em đã có giống bí bao tử được thị trường ưa chuộng. Năm 2014, Hành đã dựng lên một ngôi nhà sàn mới của riêng hai vợ chồng.

Gọi điện đi, gọi đáp lại cũng chẳng dưới dăm bận mới có thể gặp Hà Văn Cường, dân tộc Tày - Bí thư Chi đoàn thôn 4, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên. Nhoắng cái “Em đang đi dựng nhà mới giúp hàng xóm” thì đã lại “Em đang ở ruộng dâu”... cứ như sóc.

Đến nhà Cường có thể cảm nhận ngay được không khí hòa thuận, nhất là của mẹ em và vợ em. Họ cười đùa, rôm rả khiến tôi phát ghen và phát nể. “Em sướng thế, mẹ chồng và con dâu cứ như mẹ đẻ và con gái!” - tôi thực lòng chia sẻ với Cường. Cường thành thật một cách không giấu diếm niềm vui tự đáy lòng: “Sao chị tinh vậy, vừa đến nhà em lần đầu đã biết? Chính cả em cũng không hiểu tại sao mẹ mình và vợ mình lại “hợp cạ” thế cơ chứ...”.

Tất cả chúng tôi phá lên cười giòn rụm. Theo Cường vào câu chuyện, tôi hiểu rằng, có được ngày hôm nay, em đã nhận thật nhiều những chia sẻ, động viên, yêu thương của mẹ mình bên cạnh sự nỗ lực tự thân. Gia đình thuần nông, 6 sào lúa suốt tháng quanh năm cũng chỉ có thể cầm cự cho cuộc sống đến một ngưỡng nhất định mà khó nói tới hai chữ khá giả.

Đọc báo, nghe đài rồi một lần đến chơi nhà một người cùng thôn, Cường nảy ý muốn thử trồng dâu nuôi tằm. Bốn sào lúa nước là diện tích em muốn chuyển đổi. Mẹ chỉ nói: “Làm cái gì lợi hơn thì con cứ làm” cũng đủ thấy niềm tin mẹ dành cho em.

Bất ngờ cùng thời điểm đó, Tân Đồng cũng triển khai trồng dâu nuôi tằm. Cường mua 4.000 cây giống, xã tổ chức tập huấn đã hỗ trợ cho em về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...

Ăn xong Tết Nguyên đán Giáp Thân 2004, Cường tiến hành trồng dâu và cuối năm đã cho thu hoạch. Lá dâu chưa to, năng suất chưa cao, hiệu quả chưa nhỉnh hơn cây lúa, quyết tâm tiếp tục làm vẫn nung nấu trong Cường.

“Con nhỏ người, mẹ sức yếu nên cứ làm tằm”, lời mẹ nhỏ nhẹ nhưng lớn mạnh nguồn động viên con trai vững tin. Sau năm ấy, một sào dâu thu nhập gấp đôi một sào lúa, công lại nhàn đi một nửa. Năm 2006 là năm người dân trong thôn hầu như nhổ bỏ hết cây dâu do giá kén xuống thấp.

“Riêng nhà em không bỏ một cây nào mà còn trồng thêm 2 sào dâu ở đất soi bãi” - Cường nói mình thấy vui vì đã suy nghĩ và lựa chọn đúng - “Giá xuống rồi sẽ lại lên”.

Năm sau, lũ kéo trôi toàn bộ 4 sào dâu trên đất soi bãi. Mất thì trồng lại, em không ngừng gây rộng, đến nay có 1,5 mẫu dâu. Cường còn có 2,5 ha quế, trên 200 m2 nhà tằm nuôi từ 7 - 10 vòng tằm/tháng, vườn ươm quế 20 vạn cây và cho thuê phông rạp, loa đài, bàn ghế. Có điều kiện kinh tế, Cường đã xây nhà năm 2011 rồi cưới vợ năm 2014.

Hà Quang Hành hướng dẫn cách chăm sóc bí bao tử.

Hẹn một lần là được, gặp Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn xã Y Can, huyện Trấn Yên, tôi tận mắt chứng kiến công việc thường ngày của em là chăm sóc đàn lợn. “Rất nhiều con đường để chọn, em đi hướng này bởi đâu?” - tôi gợi mở chuyện cùng em, người có đôi mắt rất sáng.

Câu hỏi này đã đưa cả Thắng và tôi quay về thời em chia xa tuổi học trò: “Học xong cấp III năm 2000, gia đình hoàn cảnh lắm nên em không nộp hồ sơ thi trường nào cả.

Trở về với gần mẫu ruộng cũng là em tính bài toán làm ăn ở quê nhà thuần nông của mình. Thể lực yếu thì không thể đi làm thuê rồi, làm ruộng dẫu có áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng không dễ giàu có, nuôi gà có hiệu quả đấy song rủi ro rất lớn trong điều kiện thực tế ở đây nên em quyết định chọn hướng nuôi lợn, phát triển dần dần”.

Cậu thanh niên dáng dấp mảnh khảnh và bé nhỏ khi đó đã đi tham quan tận Công ty Hòa Bình Minh, học hỏi qua tập huấn, cơ quan nông nghiệp huyện, đặc biệt là học “mót” của những người chăn nuôi thực tế.

Năm 2009, Thắng sang Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện liên hệ công việc: “Cũng thật may mắn bởi có chương trình hỗ trợ xây chuồng 30 triệu đồng cho quy mô chăn nuôi 20 lợn nái, tối thiểu 100 m2 chuồng, chị ạ”.

Có sự hướng dẫn nhiệt tình, động viên của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, em quyết định đưa từ 6 lợn nái của mình lên theo quy mô được chương trình hỗ trợ. Cuối năm 2009, lợi nhuận có thể coi như con số không vì đầu tư là chính, giá lợn giống so sánh đầu vào tương đương với đầu ra, nặng nhất là dịch bệnh.

“Phải thú thật rằng, bắt đầu gợn cảm giác khó khăn nhưng lòng tự nhủ lòng vẫn quyết tâm làm và đã làm là phải thành công. Tuy nhiên, em cũng nắm bắt và xác định rõ, giá cả thị trường sẽ luôn thay đổi. Vậy thì mấu chốt chính ở mình, sản phẩm mình làm ra thật sự phải luôn luôn có chất lượng cao cũng như luôn luôn giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu vào” - Thắng đã nghĩ là làm.

Hiện em có 500 m2 chuồng trại với khoảng 30 - 50 lợn nái, 300 - 350 lợn thịt, trên 500 con gia cầm mỗi lứa. Hỏi chuyện xây nhà, Thắng và vợ cùng cười, nụ cười hoa nở: “Thư thả chút ạ, việc lớn!”.

Nguyễn Thơm
Bài 2: Chung niềm tin, khát vọng

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục