Gặp những chủ nhân của Giải thưởng Lương Định Của: Bài 2 - Chung niềm tin, khát vọng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/1/2016 | 3:22:48 PM

YBĐT - Một con đường đi riêng, khó khăn cũng niềm riêng nhưng với Nguyễn Văn Thắng, Hà Văn Cường, Hà Quang Hành vẫn có những điểm chung. Những điểm chung ấy đã quyết định thành công của họ ngày hôm nay. Trước hết, đó là sự mạnh dạn, tự tin, không ngại việc mới.

Lễ trao giải thưởng Lương Định Của là hoạt động nổi bật của Festival Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ Nhất.
Lễ trao giải thưởng Lương Định Của là hoạt động nổi bật của Festival Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ Nhất.

Có thể có ý kiến cho rằng, điều ấy, bất luận tuổi nào cũng có người như vậy. Không hề sai. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường mà họ đã đi, từ bước khởi đầu: Cường khi 16 tuổi, Thắng năm 19 tuổi, Hành lúc 20 tuổi để hiểu hơn sức trẻ và cũng thật trân trọng sức trẻ. Năm 2004, Cường bắt đầu ý định theo con đường dâu tằm.

Trên địa bàn xã Tân Đồng ngày ấy cũng mới chỉ có vài ba hộ đang làm. Ở tuổi 16 của em, chắc dễ mấy ai quyết đáp một việc không phải nhỏ như vậy, dù là thử xem sao, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cả gia đình. Năm 2000, rời ghế nhà trường, Thắng lựa chọn làm một nhà nông thực thụ dẫu sức học của em hoàn toàn có thể thi đỗ một trường chuyên nghiệp. Thắng mạnh dạn và kiên định con đường đã chọn vì phù hợp với điều kiện nhà mình bấy giờ. Năm 2008, Hành quyết định tham gia trồng thử nghiệm bí đỏ lấy hạt giống. Một loại cây cùng với một sự chuyển đổi hoàn toàn mới mẻ chẳng riêng với bản thân Hành mà còn với cả đồng đất Bản Khộn quê em.

Một điểm chung nữa thật sự rõ nét ở ba thanh niên này: năng động, sáng tạo, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu và nắm vững quy luật thị trường. Cuối năm 2014, Hà Quang Hành đã nghiên cứu và lai tạo thành công một giống bí mới. Giống này hội đủ các ưu điểm của hai giống bí mà gia đình em đã trồng: nhiều quả, quả thơm, ngon. Hành đã nhân rộng và cung cấp sản phẩm quả non - gọi là bí bao tử - cho khu vực chợ thị xã Nghĩa Lộ. Đều đặn 60 - 70 kg bí bao tử mỗi ngày, em tiêu thụ trên thị trường suốt vụ hè thu năm 2015. Giá đầu vụ 15.000 đồng một ki-lô-gam, cuối vụ cũng 12.000 đồng là Hành thu một khoản khá lớn. Nghĩ thầm trong đầu “chất xám” của em đã được đáp đền xứng đáng mà thôi và tôi “tôn vinh” em theo cách của mình: “Xưa, nhà nông học Lương Định Của là ông tổ của giống lúa Nông nghiệp 1 - giống lúa lai tạo thành công đầu tiên tại Việt Nam. Nay, em tiếp bước nhà nông học ấy ngay ở chính Bản Khộn của mình đấy nhé!”.

Tiếng Hành vui vui: “Là em ấy hả chị? Đơn giản lắm, em tự nhận ra điều đó khi ngày tháng gắn bó với những luống bí”. Chỉ riêng gắn bó, chưa đủ. Phải có lòng tâm huyết và sáng tạo, vậy mới thật chính xác. Còn 100 gốc su su lấy ngọn trồng thử nghiệm vụ đông 2015, Hành thì nói “Nhiều nhặn gì đâu, vài gốc xem sao” nhưng tôi vẫn muốn rõ ràng nguồn cơn đưa em đến với nó: “Lần nọ, ngang qua chợ Nghĩa Lộ, gặp người gánh rau su su đi bán, em tò mò hỏi giá cả chơi chơi cho vui. Mớ bó 5 ngọn, em giật mình thấy mỗi ngọn một nghìn đồng, quá được luôn. Thế là vụ đông năm 2014, em thử 10 gốc, ít sâu bệnh, ưa rặt phân chuồng, chẳng cần phun thuốc. Bởi vậy lại tiếp tục có su su trong vườn em”...

Với Nguyễn Văn Thắng, chăn nuôi lợn là một hướng đi quá ư truyền thống tại làng quê. Tìm sự khác biệt để chăn nuôi thành công và cho thu nhập cao mới cần đến sự tính toán, đầu tư khoa học khi ngày càng diễn ra cạnh tranh gay gắt. Thắng đã xác định một cách hết sức rõ ràng, giảm thấp nhất chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng con giống, tăng cao nhất giá đầu ra sẽ đạt lợi nhuận tối đa. Em phân tích tất cả các yếu tố từ thực tế chăn nuôi suốt những năm qua đủ biết sự “lao tâm khổ tứ” cho con đường em muốn đi và chọn đi.

Nguyễn Văn Thắng nhận Giải thưởng Lương Định Của.

Hiện nay, có rất nhiều hãng thức ăn chăn nuôi, vấn đề phải lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất với giá rẻ nhất thông qua khảo sát, đàm phán, tạo niềm tin cho đối tác. Thức ăn không chỉ trông riêng vào nguồn này mà phải biết phối trộn, tận dụng các nguồn sẵn có của địa phương. Em chia sẻ: “Ít sử dụng nhất là sắn, chủ lực là đỗ tương đó chị. Đỗ tương rang lên, nghiền nhỏ trộn cùng cám, vừa nức vừa ngậy vừa nhiều dinh dưỡng, em toàn tự làm. Rồi em cũng thử nghiệm ủ cả men vi sinh cho lợn ăn, việc điều chỉnh lượng chất tùy theo thực tế chăn nuôi và có tham khảo tài liệu. Lợn con, cho ăn nhiều bữa, dẫu tốn nhiều công hơn và dẫu một mình lo tất mọi việc nhưng em vẫn làm vì lợn chóng lớn hơn”.

Linh hoạt trong chăn nuôi cũng được Thắng nhắc đến với một vai trò không kém phần quan trọng như việc lồng ghép, luân chuyển nuôi lợn nái và lợn thịt, nắm rõ quy luật giá lên xuống theo từng thời điểm của thị trường... Mỗi năm, Thắng cung ứng cho thị trường 300 - 400 lợn giống, 60 - 150 tấn lợn thịt, 250 - 300 tấn thức ăn chăn nuôi. “Thế mới là trai trẻ” - tôi quả quyết thế khi em bảo: “Hồi chưa lấy vợ, em làm quần quật cả ngày nhưng tối không bao giờ quên đi chơi”...

Còn Hà Văn Cường, ngoài cây dâu, con tằm đã chọn thì em cũng có thêm nhiều nguồn thu khác vì mong một ngày “bát ăn, bát để” xênh xang. Bất cứ việc gì, miễn rằng lao động lương thiện, Cường chẳng nề. Mẹ em bảo thế này: “Em nó nói, các nhà khác làm được, họ giàu có mà nhà mình không làm được, cứ khó mãi nên con càng phải cố và quyết tâm hơn”. Người mẹ ấy cứ thương cậu con út gầy nhỏ, cứ đau đáu cùng con mỗi lần chưa thành công, cứ xót xa những đận con chán nản, cứ lặng lẽ ủng hộ khi con muốn thử việc mới... Làm lò sấy sắn kém hiệu quả, Cường chuyển sang ươm quế giống. Cơ duyên đưa cây quế đến với em trong lần đi mua giống, do giá đắt nên em tự mua về ươm bởi nhận thấy thị trường dành cho loại cây này còn rất rộng lớn.

Có hạt quế giống chính gốc vùng Viễn Sơn nổi tiếng của huyện Văn Yên, năm nào Cường cũng ươm bầu 20 vạn cây. Năm 2008, gia đình có việc, Cường đi thuê phông rạp, bàn ghế, bát đĩa ở thôn 3 rồi cũng tiến hành ngay dự định vay vốn qua Đoàn xã để làm dịch vụ này. Các năm liền đó, nhu cầu lớn, nguồn cung chưa nhiều nên dịch vụ ấy đã mang lại cho em thêm một nguồn thu. “Hình như đúng thế đấy chị ạ!” - Cường cười rộn và đáp ngay khi tôi nói: “Ai bé người cũng nhanh”.

Thắng, Cường, Hành đều khiêm tốn nói về thành quả của một chặng đường không ngắn các em đã đi qua. Tiếng thơm thường bay xa, chẳng vậy mà ở Phù Nham, Tân Đồng, Y Can, tấm gương của các em có sức lan tỏa thật tự nhiên, thật đáng quý. Y Can có thêm nhiều mô hình chăn nuôi hàng trăm con lợn, hàng ngàn con gà của các hộ, thanh niên đua nhau làm. Phù Nham đã có đến vài ba chục gia đình các bạn trẻ tham gia trồng bí đỏ lấy hạt giống.

Hà Văn Cường đang thu hái lá dâu nuôi tằm.

Tân Đồng ngày càng xuất hiện nhiều các mô hình phát triển kinh tế của tuổi trẻ. Họ luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, giống... cho mọi người nếu có nhu cầu. Các em đầy nhiệt huyết, muốn đóng góp cho quê hương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay với dự định mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi và tạo thêm nhiều việc làm. Cường có niềm vui đón nhận Giải thưởng Lương Định Của cùng với năm mà quê em đạt chuẩn nông thôn mới.

Đáng tự hào lắm chứ vì Tân Đồng là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên. Quê hương Phù Nham của Hành đặt mục tiêu đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới trong năm 2016. Là Bí thư Đoàn xã, em có nhiều trăn trở cũng rất dễ hiểu. Với Thắng, mảnh đất Y Can em đang sống còn bao nhiêu khó khăn. Là thế, đích đến xây dựng nông thôn mới cần có sự góp sức và đồng thuận của mọi người dân, trong đó có bản thân em.

Tôi đến Phù Nham, Tân Đồng, Y Can gặp ba thanh niên Yên Bái nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2015, ngẫu nhiên đều ào qua những cơn mưa rào bất chợt giữa mùa đông. Nhưng rõ lạ lắm, lòng tôi thắm ngời tựa nắng xuân. Có lẽ bởi tôi đã hiểu, đã yêu để thêm trân trọng họ - những con người tràn trề sức trẻ. Và tôi muốn mượn một câu nói của Thắng để làm lời kết của mình: “Mỗi ngày mỗi khác”.

Tôi suy ngẫm về câu nói ấy khá lâu, tôi thấm thía ý nghĩa sâu xa của nó, tôi nhận ra cả ba em còn giống nhau một điểm nữa: chung niềm tin và khát vọng. Mỗi ngày mỗi khác - các em có tri thức, hiểu biết quy luật vận động của xã hội nên thực sự vững niềm tin, đẹp khát vọng: tin chính mình, tin cuộc đời và khát vọng làm giàu cho bản thân, khát vọng làm giàu cho quê hương. Nông thôn mới sẽ ấm no và hạnh phúc lâu bền nếu miền quê nào cũng có nhiều thanh niên “Lương Định Của” như các em. Tôi tin vào điều này và tôi tin ở ngày mai.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục