Sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/3/2016 | 10:07:22 AM

YBĐT - Trồng dâu nuôi tằm - một nghề không phải mới với nông dân huyện Trấn Yên. Đã có thời ở vùng dâu xã Việt Thành, doanh nghiệp vào đầu tư cả xưởng chế biến quy mô, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà thất bại. Dẫu vậy, nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn âm thầm phát triển trong dân bởi nhiều lẽ, và hiện nay đang thực sự làm thay đổi những vùng quê nghèo của Trấn Yên.

Trấn Yên quy hoạch vùng trồng dâu nuôi tằm với diện tích 300 ha.
Trấn Yên quy hoạch vùng trồng dâu nuôi tằm với diện tích 300 ha.

Tháng 3 là thời điểm khởi đầu cho những vòng tằm đầu tiên trong năm. Chúng tôi về vùng dâu tằm thôn Đồng Ghềnh xã Báo Đáp, đúng thời điểm người nuôi tằm bắt đầu bận rộn. Được vận động, gia đình anh Nguyễn Văn Vinh là một trong những điển hình trong chuyển đổi ruộng nước kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Với 1,2 mẫu đất soi bãi chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm, cung cấp giống cho bà con quanh vùng đã giúp gia đình anh Vinh mỗi năm có thu nhập 80 triệu đồng. Còn gia đình ông Nguyễn Văn Côn đã có truyền thống nuôi tằm trên 10 năm, hiệu quả kinh tế từ trồng dâu nuôi tằm hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Chỉ với 3 sào đất soi bãi trồng dâu, mỗi năm gia đình ông thu về 70 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tài - Bí thư Chi bộ thôn Đồng Ghềnh cho biết: “Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Chi bộ thôn Đồng Ghềnh đặt ra mục tiêu: vận động 45 hộ gia đình chuyển đổi những diện tích đất vườn tạp, đất ruộng, đất soi bãi kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Kết quả, đến nay đã có 35 hộ chuyển đổi thành công 10,3 ha và có thu nhập ổn định”.

Được biết, năm 2012 người trồng dâu nuôi tằm trong thôn thu được 720 triệu đồng, thì năm 2015 con số này đã đạt trên 1 tỷ đồng. Hiện nay, Chi bộ đang tiếp tục vận động nhân dân phấn đấu đạt diện tích 15 ha dâu, hứa hẹn đem về cho người dân mỗi năm không dưới 3 tỷ đồng. Theo đó, nếu như năm 2012 thu nhập bình quân đầu người của thôn mới chỉ đạt 18 triệu đồng thì năm 2014 đã tăng lên 30 triệu đồng và năm 2015 đạt 35 triệu đồng.

Báo Đáp đã định hướng cho người dân chuyên môn hóa trong sản xuất. Theo đó, các hộ dân sẽ chỉ chuyên sâu một khâu trong chuỗi sản xuất như: nhóm các hộ chuyên nuôi tằm giống, nhóm hộ chuyên nuôi tằm thương phẩm… Cách làm này đã giúp địa phương chủ động được con giống, nguyên liệu và tằm thương phẩm, giá cả không những ổn định mà còn giúp người dân yên tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, từ các nguồn hỗ trợ sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Báp Đáp đã hỗ trợ cho người dân đầu tư trồng dâu, làm nhà xưởng. Sự hỗ trợ kịp thời cùng định hướng đúng đắn đã giúp cây dâu ở Báo Đáp trở thành cây hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với xã Tân Đồng, nhiệm kỳ 2010 - 2015 cũng rất thành công trong việc chuyện đổi cơ cấu cây trồng, xã đã thực hiện chuyển đổi thành công 32 ha ruộng nước kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phí Văn Chí - Chủ tịch UBND xã Tân Đồng cho biết: “Hiện nay mô hình trồng dâu nuôi tằm đang mang lại hiệu quả rất cao. Chẳng hạn, có 7 - 8 sào đất ruộng cùng với 2 lao động nếu chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm thì mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng là trong tầm tay. Đây cũng là hướng đi của Tân Đồng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.

Để người dân chuyển đổi đất ruộng sang trồng dâu nuôi tằm Tân Đồng đã có sự chuẩn bị chu đáo. Ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, năm 2013 xã tổ chức khóa học hướng dẫn kỹ thuật nuôi tằm kéo dài trong 3 tháng. Đồng thời, thành lập tổ hợp tác dâu tằm gồm 6 hộ liên kết với nhau, cung cấp giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.

Chị Lê Thị Lưu - Tổ trưởng Tổ hợp tác dâu tằm xã Tân Đồng cho biết: “Để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, tổ hợp tác quy định rõ ràng các hộ dân cung ứng giống cho hộ nào thì được quyền bao tiêu sản phẩm kén cho hộ đó. Vì thế, không có chuyện tranh mua tranh bán, giá cả ổn định và không bị tư thương bên ngoài ép giá”.

Qua 3 năm thực hiện phát triển kinh tế bằng nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên cho thấy hiệu quả của việc chuyển đổi rất rõ nét. Năm 2013, anh Đỗ Văn Thạch - thôn 5, xã Tân Đồng chuyển đổi 6 sào lúa sang trồng dâu nuôi tằm, đến nay ruộng dâu của anh đã bắt đầu cho thu nhập.

Anh Thạch cho biết: “Thôn 5 có 17 ha ruộng nước, nhưng đất ruộng thường xuyên thiếu nước dẫn đến canh tác hiệu quả không cao, do vậy chúng tôi đều đã chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Hiện nay với diện tích 6 sào tôi nuôi mỗi năm 6 lứa tằm, mỗi lứa một vòng trứng cho 15-16 kg kén, với giá ổn định 110.000 đồng/kg như hiện nay thì cũng cho thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm, cao hơn trồng lúa rất nhiều”.

Đến nay, diện tích dâu kinh doanh của xã Tân Đồng là 81,7 ha với 218 hộ tham gia nuôi, tăng 75 hộ so với năm 2011, sản lượng kén đạt 68,5 tấn, năng suất bình quân 17kg kén/1 vòng, ước tính thu nhập từ nuôi tằm mang về cho người dân trong xã trên 4 tỷ đồng mỗi năm.

Chủ tịch UBND xã Tân Đồng cho biết thêm: “Từ hiệu quả thực tế, số hộ chuyển đổi diện tích cây trồng khác sang trồng dâu nuôi tằm ở Tân Đồng ngày càng nhiều, nhiều hộ đã đầu tư cải tạo vườn đồi, san tạo mặt bằng để trồng dâu nuôi tằm. Trong quá trình phát triển người dân đã phát huy được tinh thần tự lực, vươn lên làm kinh tế, biết liên kết cùng nhau để phát triển, tạo thành các tổ nhóm sản xuất liên kết chặt chẽ”.

Từ những thuận lợi trên là cơ sở để Đảng ủy, chính quyền xã Tân Đồng xây dựng phương án mở rộng diện tích, sử dụng các nguồn hỗ trợ từ vốn xây dựng nông thôn mới xây dựng các vườn ươm cây giống, chủ động hỗ trợ các hộ gia đình có nhu cầu.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của nghề trồng dâu nuôi tằm, ngày 29/1/2016, huyện Trấn Yên đã có Nghị quyết quy hoạch vùng dâu tằm 300 ha tập trung ở các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành và Đào Thịnh, phấn đấu đến năm 2020, Trấn Yên sẽ xây dựng được một làng nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển.

Sự trở lại của nghề trồng dâu nuôi tằm là điều đáng mừng, vừa giải quyết việc làm cho người dân vừa giữ được bản sắc văn hóa của làng nghề. Điều đó không chỉ có ý nghĩa trong việc phục hồi lại một làng nghề truyền thống mà còn là bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế phù hợp ở địa phương.

Anh Dũng

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục