Sức hấp dẫn từ một dự án

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/5/2016 | 9:43:28 AM

YBĐT - Từ một khu đầm lầy chỉ cấy lúa một vụ chưa chắc ăn, nay đã mọc lên một nhà máy may mặc quy mô lớn, hiện đại, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Không chỉ mang lại những lợi ích trong nhà máy như giá trị sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động... Sức hấp dẫn của nhà máy còn lan tỏa, kéo thêm đời sống kinh tế - xã hội của cả một vùng rộng lớn phát triển.

Toàn cảnh Nhà máy May Vina KNF Hàn Quốc.
Toàn cảnh Nhà máy May Vina KNF Hàn Quốc.

Không chỉ mang lại những lợi ích trong nhà máy như giá trị sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động..., sức hấp dẫn của nhà máy còn lan tỏa, kéo thêm đời sống kinh tế - xã hội của cả một vùng rộng lớn phát triển.

Chúng tôi đang nói đến Dự án May xuất khẩu của Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF Hàn Quốc đặt tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên - một dự án quy mô lớn 100% vốn đầu tư Hàn Quốc được khởi công xây dựng tháng 1/2015 với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng. Đúng một năm sau, Nhà máy đã đi vào vận hành; sản phẩm chính là sản xuất quần áo veston xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, châu Mỹ và các trang phục dệt kim, đan móc khác với công suất trên 16 triệu sản phẩm/năm.

Nhưng sự kỳ vọng vào một dự án quy mô lớn không chỉ dừng lại bởi giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn người lao động; Vina KNF Hàn Quốc còn mở ra cơ hội lớn cho người dân trong vùng.

Các dự án đầu tư vào may mặc tại Yên Bái đã tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nữ khu vực nông thôn. (Ảnh: minh hoạ)

Ông Nguyễn Huy Trình - Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Phúc nhấn mạnh con số trên dưới 3.000 công nhân may, nghĩa là chiếm khoảng 50% dân số thị trấn khi chưa có Nhà máy (tổng dân số thị trấn Cổ Phúc tính đến hết năm 2015 là 6.388 người). Sự tăng trưởng cơ học mạnh mẽ và đột biến về dân số cho thị trấn Cổ Phúc huyện Trấn Yên, một thị trấn trung tâm huyện lỵ bước đầu chưa thực sự phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp rất thấp; đặc biệt là còn khá yên tĩnh, nay với cú “hích” mang tên Vina KNF Hàn Quốc thì câu chuyện đã khác hẳn.

Không khó để người dân thị trấn Cổ Phúc có thể hình dung được cơ hội lớn đến với nền kinh tế của thị trấn; 3.000 người đang trong độ tuổi lao động, có việc làm và thu nhập ổn định là bấy nhiêu nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt kéo theo, như vậy thị trường lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, nhà ở… của thị trấn sẽ tăng lên đáng kể.

Khi Nhà máy May vẫn chỉ là bộn bề công trường xây dựng thì những hộ dân nhạy bén và có điều kiện thuộc khu phố 1 và thôn 1, 2 của thị trấn Cổ Phúc cũng động thổ xây dựng những khu nhà trọ. Không quá tiện nghi và rộng rãi nhưng cũng đủ ở và nhất thiết phải đi kèm với yếu tố an toàn, sạch sẽ; tất nhiên giá cả cũng phải chăng…

Hàng trăm căn hộ như vậy đã được mọc lên để “đón đầu” lứa công nhân may đầu tiên. Anh Đức (nhà có mấy chục căn phòng cho thuê) cho biết: “Gia đình đã sớm đầu tư khu nhà trọ này, giờ công nhân đang đến thuê khá đông, mức giá cũng chỉ vừa phải, nhưng gia đình cũng có thu nhập khá vì chi phí rất thấp”.

Được biết, hàng chục gia đình trong vùng cũng đã đầu tư xây dựng nhà cho thuê, dù rất nhiều phòng còn bỏ trống do lượng công nhân vào làm việc còn ít, thời gian tới, số lượng công nhân lên tới trên 2.000 người thì khả năng khan hiếm phòng trọ hoàn toàn có thể xảy ra.

Cũng kể từ khi Nhà máy May Vina KNF Hàn Quốc chính thức đi vào hoạt động, dù lượng công nhân chưa đông nhưng từ một dải đất đầm lầy, ven đê, bờ ngòi vốn khá vắng vẻ nay đã trở nên sầm uất hẳn. Đầu đê Cầu Đất mấy quán nước mía, trà đá đã mọc lên, phục vụ công nhân tan tầm hay giờ nghỉ, khách thực sự chưa đông nhưng mấy cô, mấy chị đã có thu nhập khá. “Bán quán nước trên đê Cầu Đất - điều mà trước đây trong mơ cũng chẳng thấy!” một chị bán nước đon đả mời khách uống nước mía đã quay ra nói như vậy.

Gần khu vực Nhà máy, hàng chục quán bún, phở, cơm bình dân đã mọc lên. Anh Hùng chủ một quán bún cho biết: “Ai chẳng có nhu cầu ăn, công nhân vào làm việc trong Nhà máy suốt 4 tiếng, bụng đói thì sao mà làm được, họ cần phải nạp năng lượng vào buổi sáng, thế là tôi mở cái quán này. Thời gian tới, chắc chắn số quán ăn và cửa hàng tạp hóa cũng sẽ nhiều thêm để phục vụ công nhân may mặc”. 

Một khu nhà trọ mới cho công nhân được xây dựng.

Sức hấp dẫn của Nhà máy May Vina KNF Hàn Quốc còn lan tỏa đến đồng đất Nga Quán, Việt Thành. Chẳng là nông dân trong vùng xưa nay lấy thị trấn Cổ Phúc làm thị trường tiêu thụ nông sản. Sản lượng rau đôi lúc cũng dư thừa, nhưng giờ đây dân số thị trấn tăng thêm cả mấy chục phần trăm, phần lớn trong số đó không tăng gia, trồng cấy, điều ấy có nghĩa cơ hội đã trở nên rõ rệt với nông sản trong vùng, vấn đề là bà con cần nắm lấy cơ hội để làm ăn, tất nhiên đi kèm với đó là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chỉ riêng bếp ăn tập thể của Công ty May (khi thu hút đủ công nhân) sẽ sử dụng cả tấn rau, củ, quả mỗi ngày và để bảo đảm sức khỏe cho người lao động cũng như để ổn định sản xuất, kinh doanh, phía Công ty sẽ kiểm nghiệm nghiêm ngặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hàng nghìn công nhân đến sống và làm việc tại thị trấn Cổ Phúc, mở ra cơ hội lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền và người dân trong vùng phải thấy được những tiềm năng và lợi thế ấy, bên cạnh đó, cũng đặt ra những yêu cầu mới về bảo đảm trật tự xã hội. Nhà máy mới đi vào hoạt động, lượng công nhân chưa đến 1.000 người nhưng hàng loạt những vấn đề cần được giải quyết nhanh chóng và kịp thời, đơn cử như: quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng cơ bản.

Câu hỏi đặt ra là: liệu 100% số nhà trọ đã và đang mọc lên có được xây dựng trên đất ở hay không; quá trình xây dựng có xin cấp phép hay không; có bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng cháy, chữa cháy hay không? Số lượng công nhân lên đến mấy nghìn người, đều trong độ tuổi thanh niên, đến từ nhiều địa phương khác nhau, thuộc nhiều dân tộc và tôn giáo khác nhau… vậy chính quyền và lực lượng Công an thị trấn Cổ Phúc sẽ làm như thế nào để giữ gìn trật tự an ninh? Xa hơn nữa là giải quyết vấn đề văn hóa tinh thần cho công nhân, mai này là khám chữa bệnh, bảo đảm nơi học hành cho con cái của họ…

Sức hấp dẫn của Nhà máy May Vina KNF Hàn Quốc là không nhỏ, nó thực sự mở ra cơ hội lớn cho thị trấn Cổ Phúc phát triển nhưng người dân phải biết nắm lấy cơ hội; chính quyền thị trấn Cổ Phúc và huyện Trấn Yên phải thấy được những thách thức, từ đó có những giải pháp kịp thời để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế luôn đi kèm với ổn định xã hội.

Ông Nguyễn Huy Trình - Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Phúc: “Bên cạnh việc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế, thị trấn Cổ Phúc đặc biệt chú ý đến việc quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực, nhất là trật tự đô thị và trật tự an ninh. Ban Công an thị trấn đã có giải pháp tăng cường tuần tra nắm bắt tình hình, phối hợp với lực lượng dân quân và các đoàn thể bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn”.

L.P

Các tin khác
Khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Hoàng Thị Duyên ở thôn Bản Van đang được khẩn trương xây dựng bảo đảm cho nuôi nhốt 30 con gia súc.

YBĐT - Từng bước khắc phục những khó khăn vốn có của một xã vùng thượng huyện Văn Chấn, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Gia Hội có một số mô hình kinh tế trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi, chè Shan được trồng mới, cải tạo có năng suất, chất lượng cao, những giống lúa mới đã được đưa vào gieo cấy.

Đồng chí Trần Công Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần LNSTP Yên Bái (thứ 3 bên trái) thay mặt đơn vị đón nhận bằng khen của Tỉnh ủy về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

YBĐT -  Học Bác ở đức tính cần, kiệm, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tới toàn thể cán bộ, công nhân viên.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và bộ, ngành trung ương thực tế mô hình xây dựng nông thôn mới ở xã Báo Đáp (Trấn Yên).

YBĐT - Huyện Trấn Yên có 3 xã là Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2015. NTM đã tạo ra khí thế mới, nhận thức mới và những phong trào thi đua lao động sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Cán bộ xã Bản Công, huyện Trạm Tấu trao đổi với nhân dân về việc thực hiện hương ước, quy ước thôn bản văn hoá. (Ảnh: Hoàng Hằng)

YBĐT -Trạm Tấu là một trong số ít những huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc đã tổ chức xây dựng được hương ước quy ước thống nhất, bảo đảm các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và loại bỏ được những hủ tục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục