Trấn Yên: Nông thôn mới, khí thế mới
- Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2016 | 3:53:25 PM
YBĐT - Huyện Trấn Yên có 3 xã là Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2015. NTM đã tạo ra khí thế mới, nhận thức mới và những phong trào thi đua lao động sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và bộ, ngành trung ương thực tế mô hình xây dựng nông thôn mới ở xã Báo Đáp (Trấn Yên).
|
Những ngày này, chúng tôi về Hưng Khánh để nghe chuyện NTM. Người dân trong xã, ai cũng hồ hởi, phấn khởi khi biết xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí NTM. Trong đó, có những tiêu chí khó như: thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Minh cho biết: “Hưng Khánh là một xã vùng cao, cách trung tâm huyện gần 40 km, toàn xã có diện tích đất tự nhiên trên 3.000 ha, dân số trên 1.800 hộ với 6.609 khẩu. Đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh doanh dịch vụ nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Mới đầu bắt tay vào xây dựng NTM, ngay cả lãnh đạo xã cũng không nghĩ đến năm 2015, xã đã hoàn thành 10 tiêu chí do năng lực và nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế nên xã lúng túng khi triển khai thực hiện; chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
Từ những chệch choạc ban đầu, lãnh đạo xã xác định nâng cao nhận thức của người dân đóng vai trò then chốt để thực hiện mục tiêu này”. Để người dân hiểu, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể cùng vào cuộc và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thay đổi ý thức sản xuất để người dân hiểu xây dựng NTM là của dân, do dân và vì dân, tích cực tham gia xây dựng NTM theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm là chính”.
Từ đó, nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua, tạo khí thế mới trong nhân dân, tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Hiện, toàn xã có trên 14 km đường giao thông bê tông hóa; thu nhập bình quân 21,6 triệu đồng/người/năm; 91% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên… Hưng Khánh phấn đấu đến năm 2020 được công nhận là xã NTM, xã vẫn xác định huy động sức dân là chính, đồng thời xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện các tiêu chí phù hợp, riêng trong năm 2016 hoàn thành 3 tiêu chí về môi trường, thủy lợi và văn hóa.
Chia tay Hưng Khánh, chúng tôi về Bảo Hưng. Đây là xã có nhiều lợi thế phát triển kinh tế - xã hội khi nằm gần với các tuyến đường giao thông quan trọng và tiếp giáp với thành phố Yên Bái. Các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã trải bê tông phẳng lỳ với những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát. Chuyện xã phấn đấu năm 2016 được công nhận xã NTM đang là đề tài “nóng” ở đây khi từ người già, trẻ nhỏ và những người con xa quê hương cũng tích cực hưởng ứng phong trào và tham gia đóng góp xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Xuân Cầu - Chủ tịch UBND xã vui mừng cho biết: “Đến nay, Bảo Hưng đã hoàn thành được 14/19 tiêu chí NTM, từ nay đến tháng 10, nhân dân trong xã sẽ cố gắng hết mức để hoàn thành 5 tiêu chí còn lại để được công nhận là xã NTM vào cuối năm 2016. Huyện Trấn Yên đã có phương án hỗ trợ xã Bảo Hưng xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa…”.
Ngoài ra, với lợi thế gần thành phố, Đảng bộ, chính quyền địa phương tập trung vận động nhân dân phát triển kinh tế theo hướng mở, phát huy lợi thế gần đô thị để phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ; sắp xếp lại các mô hình sản xuất cho phù hợp, tiến tới liên kết các nhóm hộ để thành lập các tổ sản xuất, các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và thành lập làng nghề sản xuất chè.
Về tiêu chí vệ sinh môi trường, mỗi hộ gia đình tự đào một hố rác, có túi đựng rác và tiến tới tổ chức các hình thức thu gom rác thải tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn. Nghe chuyện xã Bảo Hưng sắp thành lập làng nghề sản xuất chè sạch, chị Nguyễn Thị Mai ở thôn Khe Ngay phấn khởi lắm bởi từ lâu cây chè đã gắn bó và là nguồn thu nhập chính nhân dân.
Tuy nhiên, do cơ chế thị trường và hám lợi trước mắt nên nhiều hộ dân trong xã đã làm mất đi thương hiệu chè sạch Bảo Hưng khiến sản phẩm chè Bảo Hưng phải lao đao. Sau nhiều năm cố gắng, người dân xã Bảo Hưng đã nỗ lực cải tạo diện tích chè già cỗi, thay thế bằng các giống chè chất lượng cao như: Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, LDP1... và xây dựng thương hiệu chè sạch của riêng mình. Xã cũng đã quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP rộng trên 200 ha.
Năm 2012, Ban quản lý Dự án nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP) tỉnh Yên Bái thực hiện Tiểu dự án vùng sản xuất chè xanh an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bảo Hưng.
Đến nay, nhà máy chế biến chè đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Xã thành lập 9 nhóm hộ sản xuất với 251 gia đình tham gia và có gần 108 ha chè được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Đây là cơ hội để người làm chè Bảo Hưng làm giàu và tích cực đóng góp trong phong trào xây dựng NTM tại địa phương.
Không khí xây dựng NTM ở Trấn Yên đã và đang lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, toàn huyện có 3 xã là Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành được công nhận là xã NTM, 9 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí NTM. NTM đã làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở Trấn Yên khi hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc của các xã được đầu tư xây dựng khang trang; 100% xã có điện lưới quốc gia; 62% kênh mương được kiên cố hóa. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề, sản xuất phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh tập trung; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Người dân Trấn Yên tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đồng chí Nguyễn Thế Phước - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Chúng tôi xác định việc thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện phải mang tính tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết cơ bản các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Xác định rõ lộ trình thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020, trong quá trình thực hiện, huyện không chỉ tập trung cho các xã điểm mà quan tâm chỉ đạo toàn diện ở tất cả các xã; ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí, xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; xác định thời gian cụ thể để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt để tổ chức thực hiện. Huyện quan tâm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM sâu rộng trong nhân dân, trong cộng đồng dân cư bằng nhiều cách làm sáng tạo, phát huy tính chủ động tích cực trong nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Địa phương triển khai và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ phát triển trên địa bàn, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững; huy động tối đa các nguồn lực, phát huy nội lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Mục tiêu mà huyện Trấn Yên đề ra trong năm 2016, phấn đấu có 3 xã là Đào Thịnh, Nga Quán và Bảo Hưng đạt chuẩn NTM. Để thực hiện mục tiêu này, huyện tập trung các nguồn lực giúp các xã thực hiện các tiêu chí chưa hoàn thành theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”; tiếp tục duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt được.
Đối với các xã còn lại, huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM; đẩy mạnh Phong trào thi đua “Chung tay xây dựng NTM” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; huy động các nguồn lực, kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư xây dựng NTM.
Huyện cũng sẽ chủ động triển khai thực hiện tốt các chính sách, tạo điều kiện cho người dân và cộng đồng tham gia; chú trọng yếu tố phát triển sản xuất, phát triển y tế, văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, tạo tiền đề vững chắc cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Trấn Yên trên con đường hội nhập.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT -Trạm Tấu là một trong số ít những huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc đã tổ chức xây dựng được hương ước quy ước thống nhất, bảo đảm các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và loại bỏ được những hủ tục.
YBĐT - Trong hơn 500 mô hình dân vận khéo của huyện Trấn Yên, tôi ấn tượng với mô hình “Vận động cộng đồng dân cư tham gia quản lý, bảo vệ rừng (BVR)” của thôn Đồng Song, xã Kiên Thành mà gần 20 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người đảng viên dân tộc Dao - Dương Kim Trọng đã dồn cả tâm huyết gây dựng...
YBĐT - Mọi bức xúc, những điều tiếng, các ý kiến... về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn của các hộ gia đình mà chúng tôi đã gặp bỗng thưa vắng hơn, ắng lặng dần.
YBĐT - Việc mở rộng, phát triển chăn nuôi quy mô lớn phải gắn với xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đây thực sự là vấn đề không dễ giải quyết đối với các hộ chăn nuôi, với các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới…