Về vùng nông thôn “không rác”
- Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2016 | 10:13:40 AM
YBĐT - Giờ ra ngoài đồng cấm thấy cái vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nào vứt lung tung, mọi người đều bỏ vào một cái bể chung được xây ngay tại cánh đồng, sau đó đốt.
Trên những cánh đồng ở xã Vĩnh Lạc đều có bể rác công cộng.
|
“Trước kia mọi người vứt rác bừa bãi lắm, tiện đâu vứt đấy, được như hôm nay là nhờ cán bộ xã và cán bộ huyện về tuyên truyền vận động bà con, đến giờ mọi người đều ý thức rất tốt về công tác vệ sinh môi trường”... Nếu không ngồi dưới nếp nhà sàn của gia đình ông Hoàng Bình Minh, thôn Yên Thịnh, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên thì sẽ khó cảm nhận hết những thay đổi nơi đây như ông vừa chia sẻ...
Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Chúng tôi đến thăm xã Vĩnh Lạc vào một ngày hè oi ả. Những con đường dẫn vào các thôn được đổ bê tông sạch sẽ, thoáng mát... Ngợp hai bên đường là cánh đồng lúa đang thì con gái đã cao quá bờ, khiến cái nóng như dịu đi phần nào. Đặt chân tới gia đình ông Hoàng Bình Minh đúng lúc ông đang thu gom rác thải trong nhà để đốt. Ông Minh vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình đào hố rác cũng được gần 2 năm rồi. Rác thải sinh hoạt được bỏ vào 1 thùng nhựa lớn sau đó phân loại rồi mang ra hố rác đổ. Khi nào nhiều thì đốt, đốt xong mang tro đó đi bón ruộng. Từ ngày nghe cán bộ dưới xã làm hố rác, trong nhà, ngoài ngõ sạch hẳn, không thấy rác ở mọi nơi như trước. Hơn nữa, giờ cũng không còn nhà nào cho gia súc ở dưới gầm nhà sàn nữa rồi”.
Chị Nông Thị Tiên - thôn Yên Thịnh là người đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường (VSMT), chị Tiên cho biết: “Ngày trước ra ruộng thấy vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vứt mọi nơi, tiện đâu người dân vứt ở đó. Giờ ra ngoài đồng cấm thấy cái vỏ bao bì thuốc BVTV nào vứt lung tung, mọi người đều bỏ vào một cái bể chung được xây ngay tại cánh đồng, sau đó đốt. Đến giờ, ai ai cũng nhận thức được việc vứt vỏ bao thuốc BVTV ra suối, trên đồng ruộng sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì vậy, người dân tự giác lắm, giờ không để cán bộ phải nhắc nhở nữa”.
Còn chị Hoàng Thị Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Lạc chia sẻ: “Sau thời gian vận động tuyên truyền, công tác VSMT của xã Vĩnh Lạc đã thu được hiệu quả tốt. Chúng tôi đã vận động người dân làm được 36 hố rác công cộng trên các cánh đồng tập trung, hố rác hộ gia đình đạt 68%, nhà tắm hợp vệ sinh đạt 67%, nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 66%, chuồng trại xa nhà đạt 86% và 100% các hộ dùng nước sạch hợp vệ sinh. Chúng tôi thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm trên các tuyến đường liên thôn, nội thôn, nội đồng... Kể từ khi xây dựng phong trào, đã có trên 25.000 lượt người dân tham gia làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm”.
Hiệu quả từ cách tuyên truyền
Trụ sở UBND xã Vĩnh Lạc cách trung tâm huyện chừng 10 km. Khó tin nổi nơi làm việc của các cán bộ xã là những gian nhà bằng gỗ được lợp bằng lá cọ đã đến lúc cần làm mới. Vậy mà Vĩnh Lạc luôn là xã đi đầu trong công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt công tác VSMT.
Ông Lự Kim Vy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lạc cho biết: “Xã Vĩnh Lạc là xã vùng 2, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm gần 89%. Chính vì vậy công tác tuyên truyền vận động bà con gặp rất nhiều khó khăn, bởi nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân còn nhiều hạn chế”. Thực tế cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới có 19 tiêu chí, tiêu chí số 17 về môi trường dễ nhất nhưng lại khó làm. Dễ vì kinh phí thấp, nhưng khó do tập quán, thói quen từ trước của người dân. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động bà con trong xã không thể làm ngày một ngày hai mà phải kiên trì và bền bỉ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Sự phối hợp, góp sức của các đoàn thể trong xã chính là mấu chốt cho việc thành công trong công tác tuyên truyền cho người dân bảo vệ môi trường ở Vĩnh Lạc. Được biết, các cán bộ xã, cán bộ đoàn thể thường xuyên tuyên truyền vận động người dân qua các buổi họp thôn, thông tin trên loa truyền thanh, pa nô, khẩu hiệu… để nâng cao nhận thức của người dân về công tác VSMT. Đối với những bể rác chung của các thôn, hàng tuần đều phân công người phân loại rác thải để đốt. Nếu như trước kia, ý thức của người dân về vấn đề VSMT chưa cao, phải nhắc nhở nhiều về việc thu gom và xử lý rác thải thì giờ đây, mọi người dân ở xã Vĩnh Lạc đều nêu cao tinh thần tự giác, phân công đến lượt thu gom rác thải là làm, không cần ai nhắc nhở.
Người dân tự giác làm bể chứa rác tại vườn của gia đình.
Anh Phạm Trung Kiên - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Yên cho biết: “Công tác VSMT trên địa bàn các xã luôn được Phòng quan tâm và theo sát. Hiện vấn đề xử lý rác thải trong sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và công tác bảo vệ môi trường đang trở thành vấn đề nóng. Chúng tôi thường xuyên cử cán bộ xuống xã tuyên truyền về công tác VSMT và bảo vệ môi trường. Có nhiều địa phương làm tốt, xây dựng được mô hình hay, trong đó Vĩnh Lạc là một ví dụ điển hình. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các xã để người dân trong toàn huyện nâng cao ý thức cùng tham gia bảo vệ môi trường”.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh triển khai rầm rộ. Đối với tiêu chí thứ 17 về VSMT, mục tiêu cụ thể là nâng cao ý thức người dân trong việc tự tạo nên cho mình một môi trường trong sạch, làm tiền đề thực hiện các tiêu chí khác. Đây là một trong những nhiệm vụ còn nhiều khó khăn đối với tỉnh miền núi như Yên Bái. Tuy vậy, việc xuất hiện những “nhân tố mới” như Vĩnh Lạc chính là điển hình tiên tiến rất cần được nhân rộng, được học tập và làm theo, để mỗi vùng quê, mỗi đường làng, mỗi cánh đồng thực sự có được bầu không khí trong lành, góp phần cải thiện sức khoẻ cho cả cộng đồng.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng cho mô hình nuôi thỏ thương phẩm hiện đại, nhiều người cho rằng ông Hiên đã quá mạo hiểm, bởi với số tiền đó, ông có thể yên tâm an nhàn ở cái tuổi 65 bằng cách gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng. Nhưng tôi hiểu ông Hiên có cơ sở để làm ăn lớn mà không hề “liều” - đó là một sự nắm bắt cơ hội mới.
YBĐT - Từ một khu đầm lầy chỉ cấy lúa một vụ chưa chắc ăn, nay đã mọc lên một nhà máy may mặc quy mô lớn, hiện đại, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Không chỉ mang lại những lợi ích trong nhà máy như giá trị sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động... Sức hấp dẫn của nhà máy còn lan tỏa, kéo thêm đời sống kinh tế - xã hội của cả một vùng rộng lớn phát triển.
YBĐT - Từng bước khắc phục những khó khăn vốn có của một xã vùng thượng huyện Văn Chấn, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Gia Hội có một số mô hình kinh tế trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi, chè Shan được trồng mới, cải tạo có năng suất, chất lượng cao, những giống lúa mới đã được đưa vào gieo cấy.
YBĐT - Học Bác ở đức tính cần, kiệm, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tới toàn thể cán bộ, công nhân viên.