Hành trình kiếm việc cho thanh niên
- Cập nhật: Thứ ba, 4/10/2016 | 8:19:34 AM
YBĐT - Cơn mưa mùa thu làm tiết trời dịu mát đã theo chuyến xe đưa đoàn cán bộ Đoàn Thanh niên cơ sở từ Yên Bái tới thành phố của ngành công nghiệp than Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là lần đầu tiên những đoàn viên, thanh niên cơ sở của tỉnh Yên Bái được đi tham quan, tập huấn, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên địa phương tại tỉnh bạn.
Các chuyên gia thăm công trường khai thác mỏ.
|
Trong xe, những đoàn viên, thanh niên chuyện trò sôi nổi. Họ kể, ở địa phương mình còn nhiều thanh niên thiếu việc làm, nhiều bạn trẻ đi làm ăn xa - có người vào tận miền Nam mà xem chừng cũng "bủng beo” hay những câu chuyện băn khoăn về xuất khẩu lao động và mối lo toan của những người mong muốn được xuất khẩu lao động…
Anh Hoàng Xuân Tuyên - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên (Tỉnh đoàn Yên Bái) cùng đi trên chuyến xe nghe vậy cất lời: "Chuyến đi lần này, chúng ta cần thu được nhiều kết quả để giải đáp những thắc mắc của thanh niên địa phương. Chúng ta sẽ tiếp cận tận nơi, nhìn tận mắt, trao đổi thẳng thắn với những người tuyển dụng lao động để từ đó có dẫn chứng cụ thể, cách làm hay cho thanh niên địa phương”.
Câu chuyện cứ thế lan tỏa suốt hơn 7 tiếng đồng hồ trên xe. 19 giờ, đoàn tới thành phố Cẩm Phả và được Phân hiệu Hồng Cẩm, Trường Cao đẳng Nghề Than - Khoáng sản Việt Nam (gọi tắt là Trường Cao đẳng Nghề Than) bố trí ăn nghỉ cùng một địa điểm tại phường Cẩm Tây.
Sáng hôm sau, mặc thời tiết tại Cẩm Phả vẫn mưa rả rích, đoàn đã trao đổi rất nhiều khúc mắc, băn khoăn về việc liên quan đến lao động ngành than như: nghề than có nguy hiểm không? Công việc khai thác than vất vả như thế nào? Điều kiện công nhân lao động ra sao? Việc lao động lâu dài và mong muốn định cư, lập gia đình, sinh con có thực sự khó khăn?…
Những câu hỏi đó đã được ông Cao Văn Hảo - Trưởng phòng Tuyển sinh, Phân hiệu Trường Cao đẳng Nghề Than tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh giải đáp tỉ mỷ. Than được ví là "vàng đen” của đất nước, nghề than là một nghề vất vả nhưng đã có lịch sử lâu đời tại Việt Nam. Trước đây, việc khai thác than còn thô sơ nên ẩn chứa nhiều nguy hiểm nhưng trước xu thế phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới đường lối trong ngành công nghiệp khai thác than thì xu thế "khai thác nâu sang khai thác xanh” đang rất được quan tâm vì bảo vệ môi trường. Bây giờ khai thác than được cơ giới hóa nên lao động, bảo hộ lao động được quan tâm rất cao.
Nghề than là một nghề vất vả nhưng sự vất vả đó trả công xứng đáng, được lao động trong điều kiện an toàn kỹ thuật cao và thường xuyên được chăm lo sức khỏe, khám bệnh định kỳ, nộp bảo hiểm đúng theo pháp luật của Nhà nước. Với lịch sử hàng trăm năm, ngành than nói chung và Quảng Ninh nói riêng đã tiếp nhận rất nhiều công nhân tới lao động, định cư, xây dựng mái ấm gia đình.
Như để minh chứng thêm, Thạc sỹ Vũ Viết Thanh - Trợ lý Hiệu trưởng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm nghề Than - Khoáng sản Việt Nam dẫn đoàn tới thăm khu nhà ở cho sinh viên tại Trường. Đó là khu nhà cao 9 tầng với hàng trăm phòng có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho sinh viên ăn học.
Ông chia sẻ: "Trường Cao đẳng Nghề than tuyển sinh thường xuyên từ 500 đến 1.000 học sinh mỗi năm để cung cấp lao động cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) với hai ngành nghề là xây dựng hầm mỏ và khai thác mỏ. Mỗi học sinh khi được tuyển sinh sẽ ký kết hợp đồng lao động với các công ty trực thuộc Tập đoàn để công ty này chịu trách nhiệm cử đi học nên các em sẽ được miễn phí việc ăn, ở ngay tại Trường”.
Đứng trước nhà ăn, nhiều bạn trẻ trong đoàn không khỏi ngạc nhiên, khi bếp ăn phục vụ hàng trăm người một lúc với chất lượng bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và sự kỷ luật, tuân thủ quy trình của các bạn học viên nơi đây. Biết có người từ quê hương tới tham quan nhà trường, 2 bạn trẻ ở Yên Bái mới xuống học tập tại Phân hiệu Hồng Cẩm, Trường Cao đẳng Nghề than được gần 2 tháng hồ hởi đến hỏi thăm, trò chuyện với các anh chị cán bộ Đoàn cơ sở.
Bạn Triệu Toàn Lủ ở thôn 8, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên cho biết: "Các phòng ở của nhà trường có từ 6 đến 8 học sinh, điều kiện cơ sở vật chất thuận tiện bảo đảm việc học tập. Ngoài ra, chúng em còn tham gia vào các hoạt động thể dục - thể thao để rèn luyện, nâng cao sức khỏe”.
Còn bạn Trần Huy Hoàn ở huyện Trạm Tấu, chia sẻ: "Mình vừa xuất ngũ xong. Được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu giới thiệu, mình đã tham gia lớp học. Ăn học ở đây thuận lợi hơn mình nghĩ. Quan trọng hơn mình không phải lo trả tiền việc ăn, nghỉ và yên tâm công việc của mình sau này”.
Tranh thủ nghỉ trưa, Hoàn và Lủ tình nguyện dẫn một số cán bộ đoàn đến gặp những đồng hương Yên Bái đang làm việc trong ngành than tại Cẩm Phả. Tại tòa nhà của công nhân Công ty cổ phần Xây dựng mỏ hầm lò 1, chúng tôi gặp Hàng A Lồng và Hàng A Páo cùng ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu đang gọi điện báo tin về tháng lương đầu tiên với gia đình.
"Mới vào làm việc nên năng suất lao động còn thấp, tháng vừa rồi mới được 10 triệu đồng. Thế là vui lắm rồi! Ở nhà nhiều công việc vất vả cũng không có mức lương như thế này. Em đang cố gắng thích nghi với điều kiện sống và nâng cao tay nghề để có thêm thu nhập, gửi tiền về cho gia đình” - Hàng A Lồng chia sẻ.
Đầu giờ chiều, đoàn tới thăm Công ty cổ phần Xây dựng mỏ hầm lò 1 và Công ty cổ phần Than Núi Béo tại Cẩm Phả. Tiếp đón đoàn, đại diện các công ty hồ hởi như tìm được người để giãi bày, ông Nguyễn Hải Hùng - Phó Giám đốc phụ trách phát triển nguồn nhân lực cho Công ty cổ phần Than Núi Béo chia sẻ: "Công ty chúng tôi đã chuyển đổi mô hình khai thác than lộ thiên sang khai thác hầm lò với tổng kinh phí 3.500 tỷ đồng. Hiện, Công ty vẫn cần lực lượng lao động khoảng 2.000 người. Chúng tôi cam kết việc tuyển dụng lao động sẽ song hành việc cử đi đào tạo, hỗ trợ 100% học phí, ăn ở. Công ty đang được Công ty cổ phần Xây dựng mỏ hầm lò 1 xây dựng, khoan giếng khai thác với độ sâu trên 450 m, sẽ hoàn thiện vào năm 2017, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác than. Nhận định việc cần thêm nhân công lao động là rất lớn, từ năm 2013, Công ty đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, Tỉnh đoàn Yên Bái chấp thuận và ký kết tuyển dụng học nghề miễn phí để tiến hành khai thác mỏ hầm lò, đào tạo sơ cấp và trung cấp đều được miễn phí đào tạo, ăn nghỉ; cam kết công nhân có nơi ở thuận tiện theo các đối tượng, đồng thời bảo đảm mức lương trung bình từ 10 - 16 triệu đồng/người/tháng”.
Công nhân khai thác than với thiết bị hiện đại.
Sau hai ngày trong hành trình đến với những cơ sở của TKV, các cán bộ Đoàn đều vui mừng vì có thêm nhiều bài học quý cho công việc tư vấn việc làm thanh niên của mình. Bạn Đào Như Nở - Bí thư Đoàn xã Quy Mông, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Có đi thực tế mới thấy điều kiện học tập và lao động ở TKV thật tốt, khác hoàn toàn với những suy nghĩ về sự khắc nghiệt mà mọi người thường nói. Sau dịp này, tôi sẽ chia sẻ thông tin, tham mưu cho các đồng chí trong Ban Chấp hành Đoàn xã để tư vấn, giới thiệu việc làm về một địa chỉ tin cậy, chất lượng cho thanh niên trong xã”.
Anh Hoàng Xuân Tuyên cho biết thêm: "Chúng tôi đang quyết liệt triển khai Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn về tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm thanh niên giai đoạn 2015 - 2017. Dịp này, chúng tôi đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Than ký kết giao ước tư vấn tuyển dụng đào tạo 300 lao động Yên Bái làm việc trong TKV. Đây được xem là con số bước đầu và tin tưởng các cán bộ Đoàn cơ sở sẽ có thêm kiến thức thực tế, góp phần thúc đẩy công tác tư vấn, giới thiệu việc làm tại địa phương”.
Chuyến xe chuyển bánh đưa đoàn công tác thẳng hướng Tây Bắc về Yên Bái. Gửi lại lời chúc sức khỏe, thành công tới bạn trẻ đang học tập, lao động trong ngành than, các cán bộ Đoàn cơ sở ai cũng hào hứng hơn khi đã tìm được một con đường mới để chia sẻ, tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên.
Hoài Văn