Ký sự làng ven: Bài 1 - Qua cơn bĩ cực…

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/10/2016 | 1:53:35 PM

YBĐT - Trăn trở về những ngôi làng ven hồ Thác Bà từng bị xa cách bởi bệnh tật, nghèo đói ngày đó đã thôi thúc tôi lên đường. Trong suốt hành trình ấy, câu hỏi về cuộc sống của những con người nhường đất cho dòng điện sáng quốc gia bây giờ ra sao? Diện mạo của những làng ven mang đậm bản sắc dân tộc hiện như thế nào?... cứ miên man trong suy nghĩ.

Du khách trong trang phục của người Dao quần trắng chụp ảnh lưu niệm tại nhà anh Tướng Văn Thành, thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình.
Du khách trong trang phục của người Dao quần trắng chụp ảnh lưu niệm tại nhà anh Tướng Văn Thành, thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình.

Lang thang nơi vùng ven hồ Thác, tôi nghĩ đến câu chuyện của những ngày xưa cũ về chợ Ngọc, chợ Ngà, về một miền đất trù phú - nơi có những cánh đồng phì nhiêu và màu mỡ, nơi người buôn, kẻ bán tấp nập. Thế rồi, nửa thế kỷ trước, hàng vạn người dân ở đó đã tham gia vào cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử, nhường đất đắp đập, ngăn sông để dòng điện tỏa sáng. Cũng chính từ đây, những ngôi làng ven hồ Thác Bà trở thành nơi an cư, lập nghiệp của họ.

Mặt nước hồ rộng lớn không chỉ cấp nước cho thuỷ điện, điều hoà khí hậu và sản xuất nông nghiệp mà còn là nơi mưu sinh của hàng nghìn người dân quanh hồ. Nhưng cũng đến lạ, ở nơi “rừng vàng, biển bạc”, người dân cần cù, chịu khó là vậy, nhưng sau bao năm những làng ven vẫn mang danh là cái “rốn” của đói nghèo.

Miên man trong suy nghĩ, thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình đã ở ngay trước mắt. Xa xa, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Dao ẩn hiện giữa những đồi cọ xanh tươi. Tôi còn nhớ, Ngòi Tu chỉ có 5,56 ha ruộng 2 vụ, thâm canh giỏi cũng chỉ đủ ăn nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Quanh năm, họ phải bươn trải làm nhiều nghề để mưu sinh như: đánh bắt cá, tôm trên hồ; đi làm thuê…

Tưởng rằng, cuộc sống ở Ngòi Tu mãi luẩn quẩn trong vòng “bĩ cực” thì năm 1996 có ông Pedro Bình - quốc tịch Pháp đến đây mở công ty, làm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Ngòi Tu dần trở thành điểm sáng, nơi nghỉ lý tưởng cho du khách đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ. Từ một nhà, hai nhà và đến nay, Ngòi Tu đã có gần 20 hộ phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, cuộc sống của người Dao quần trắng nơi đây cũng dần khấm khá hơn. Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp anh Tướng Văn Bội - một trong những người đầu tiên đưa du lịch về làng.

Anh cho hay: “Nghề du lịch này đến với tôi như một cơ duyên vậy. Trước đây, tôi cùng tham gia làm du lịch với ông Pedro Bình, nhưng về sau tách ra làm riêng”. “Mỗi năm, gia đình anh đón bao nhiêu khách?” - tôi hỏi. “Xem nào, tháng trước gần trăm, tháng này chừng vài chục. Bình quân mỗi năm khoảng 600 khách, chủ yếu đến từ Pháp, Đức, Thụy Điển, Úc…” - anh Bội cho biết.

Mong muốn làng quê trở thành điểm du lịch để người dân bớt nghèo, bớt khổ, anh Bội còn giúp một số gia đình trong thôn Ngòi Tu và thôn Đồng Tý, xã Phúc An (huyện Yên Bình) cùng làm du lịch để tăng thêm thu nhập. Anh Tướng Văn Thành - Trưởng thôn Đồng Tý tâm sự: “Lần đầu tiên tôi đón khách là năm 2004. Khi đó, anh Bội lên hướng dẫn tôi sắp xếp lại nhà ở, cách đón tiếp, nấu ăn phục vụ khách. Đến nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi đón khoảng 600 - 700 khách, chủ yếu là người nước ngoài”.

Sau nửa ngày ở Làng Văn hoá Du lịch Ngòi Tu, tôi tiếp tục ngược đường Đông Hồ tìm về thôn Làng Ven, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên. Với 115 hộ, 495 nhân khẩu, 100% dân số là người Tày, người Nùng, Làng Ven được biết đến là thôn khó khăn nhất trong xã.

Vừa gặp tôi, Trưởng thôn Hoàng Văn Điểm mở lời: “Mấy hôm nay trời mưa, chắc đường khó đi lắm nhỉ ?”. Tôi đáp: “Chỉ có 2 chỗ lầy khó đi thôi. May có bác đi đường dắt hộ, chứ không thì cũng mệt”. Rít xong điếu thuốc lào kêu giòn tan, Trưởng thôn Điểm tiếp lời: “Giờ được Nhà nước đầu tư, đoạn cấp phối, đoạn bê tông còn dễ đi rồi đấy, chứ trước đây chỉ là đường mòn thôi”.

Cứ thế, qua lời kể, hình ảnh của Làng Ven mấy mươi năm về trước dần tái hiện. Ngày đó, cư dân Làng Ven đã cùng với hàng nghìn hộ dân nhường lại đất đai, ruộng vườn cho “đứa con đầu lòng” của ngành thủy điện Việt Nam. Đến nơi ở mới, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn do thiếu đất sản xuất nên một số gia đình lại trở về vùng ven để khai hoang. Ban đầu, nơi đây chỉ có những lán trại để chăn nuôi, còn điện, đường không có. Tưởng chừng những ngày “bĩ cực” với dịch bệnh, nghèo đói sẽ khiến Làng Ven bị bỏ rơi và quên lãng. Thế nhưng, giữa trăm nghìn cái khó, những con người nơi đây vẫn ngày đêm bám trụ để rồi hôm nay, Làng Ven đang có những bước chuyển mình.

Trưởng thôn Điểm liệt kê: “10 ha đất nông nghiệp khai hoang, 20 ha đất lấn hồ giúp nhân dân hàng năm trồng lạc, lúa… Nông sản vừa giúp bà con ổn định lương thực vừa tạo thêm thức ăn chăn nuôi phát triển kinh tế. Ngoài ra, tận dụng mặt nước hồ, gần 40 hộ Làng Ven thường xuyên đi đánh rọ tôm, góp phần nâng thu nhập bình quân lên 12 triệu đồng/người/năm”.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan, Trưởng thôn chỉ tay về phía quả đồi Chẹo giáp hồ, giọng hồ hởi: “Nơi ở mới của ngư dân Làng Ven đấy. Khu tái định cư này được Nhà nước đầu tư 17 tỷ đồng cho 30 hộ sinh sống với đầy đủ điện, nước, nhà văn hóa, trường học. Năm nay, Làng Ven được hỗ trợ 250 mét đường bê tông và bà con sẽ có điều kiện để đẩy mạnh phát triển sản xuất”.

Mừng cho Làng Ven đang dần hồi sinh, tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình bên vùng ven hồ Thác. Trong suốt quá trình đó, những làng ven nơi tôi đến dù có diện mạo và con người rất riêng nhưng lại có cùng một nỗi niềm “bĩ cực”. Đó là những khó khăn, thiếu thốn về đường, về điện, về trường và về cả con đường mưu sinh. Nhưng vượt lên trên những trở ngại ấy, nhiều làng ven đã và đang đổi thay, hồi sinh mạnh mẽ.

Đó là Làng Ro, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên - nơi từng bị bỏ quên bởi căn bệnh phong quái ác, nhưng khi kết cấu hạ tầng được đầu tư, dịch bệnh được xóa bỏ cùng sự tận tình giúp đỡ của cán bộ xã, thôn, người dân đã biết áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ đã vươn lên phát triển kinh tế với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ một thôn nghèo khó nhất Phan Thanh, thì nay tỷ lệ hộ khá của Làng Ro đã tăng lên đáng kể với trên 23%, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm rõ rệt. Hay tại thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, mấy năm trở lại đây được sự hỗ trợ của tỉnh, bà con vừa đánh bắt cá trên hồ Thác Bà vừa làm lồng, quây lưới tại các eo ngách để nuôi cá mang lại hiệu quả cao…

Mỗi xã, thị trấn vùng hồ Thác Bà thuộc 2 huyện: Yên Bình, Lục Yên có từ 1 đến 3 thôn giáp hồ thì chí ít cũng có vài chục làng ven. Trong số này, có rất nhiều làng ven đã trải qua cơn “bĩ cực”, vượt lên khó khăn để ngày hôm nay đang “thay áo mới” nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời và đúng hướng của tỉnh, của huyện trong đầu tư kết cấu hạ tầng điện, đường, trường và hỗ trợ phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

Mô hình nuôi bò quy mô 10 con trở lên theo hình thức bán công nghiệp của gia đình ông Hoàng Văn Mạch, thôn Làng Ven, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên cho hiệu quả kinh tế cao.

Đi qua những làng ven, tôi thấy băn khoăn của mình đã được giải đáp phần nào khi cuộc sống của những con người nơi đây đang có những khởi sắc, chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ dừng lại ở việc đánh bắt tôm, cá, trồng lúa, hoa màu trên đất bán ngập, bà con ở nhiều làng ven còn nuôi cá lồng, cá eo ngách rồi trồng rừng, nuôi gia súc, gia cầm… Nhờ đó, thu nhập của người dân được cải thiện, đời sống kinh tế, xã hội không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, nhiều làng ven đã chung sức, đồng hành cùng với các địa phương xây dựng nông thôn mới. Để rồi hôm nay, diện mạo nhiều làng ven được tô điểm bởi những con đường bê tông sạch đẹp, điện sáng trong những ngôi trường khang trang, trẻ em tung tăng đến trường trong bộ quần áo mới…

Hùng Cường
Bài 2: Kinh tế - “đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục