Thanh niên xung phong: Ngày ấy - bây giờ

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/11/2016 | 8:04:31 AM

YBĐT - Trong tổng số 50 vạn thanh niên xung phong (TNXP) trên khắp mọi miền Tổ quốc, tỉnh Yên Bái có gần 1.300 hội viên (chưa tính gần 1.000 hội viên của 2 đơn vị mới được công nhận là TNXP) đã có 46 ngàn đồng chí bị thương, trên 10 ngàn đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học và 10 ngàn đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi xuân phơi phới.

Cô Phạm Thị Thìn (người bế cháu bé) xúc động trong sự sẻ chia, thông cảm của đồng đội.
Cô Phạm Thị Thìn (người bế cháu bé) xúc động trong sự sẻ chia, thông cảm của đồng đội.

Máu của các anh, các chị đã hòa vào sắc thắm đỏ của lá cờ Tổ quốc hôm nay cho quê hương độc lập, cho đất nước nở hoa...

Hơn 700 hội viên nữ, hơn 600 hội viên nam, cựu TNXP chống Pháp là 217 người, chống Mỹ có 983 người, gần 100 người tham gia TNXP xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện đang sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái chỉ là số TNXP có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ và thẻ hội viên.

Còn lại, cũng giống như những cựu tù Côn Đảo kiên trung năm nào, Yên Bái vẫn còn rất nhiều TNXP đã dâng trọn tuổi xuân cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc mà chưa được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước do hồ sơ thất lạc, do thủ tục chưa hoàn thiện, do di chứng chiến tranh... nên đời sống vẫn còn nhiều khốn khó.

Men theo con đường mòn bé tẹo, đầy lau lách, chúng tôi tới nhà cô Phạm Thị Thìn ở thôn Chấn Ninh 2, xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái). Năm tháng dường như đã làm cô gái mở đường 20 Quyết Thắng trên đỉnh Trường Sơn năm xưa già đi nhiều. Ngôi nhà nhỏ được xây cách đây ba năm từ tiền hỗ trợ của Tập đoàn VinGroup mà gia chủ chưa thể quét vôi nằm gọn trên một quả đồi bát úp.

Người phụ nữ thấp, nhỏ, bận chiếc áo chẽn TNXP năm xưa bạc màu bế trên tay một đứa nhỏ đón chúng tôi và đồng đội với nét mặt không thể vui hơn. Tiếng cười, tiếng nói, những vòng tay xiết chặt cùng những giọt vắn, dài cứ thế chảy tràn trong ngôi nhà đơn sơ ấy.

Bàn ghế chưa có, giường, đệm cũng chưa, chỉ hai mảnh chiếu nhỏ, dăm ba cái chén không cùng loại, một chiếc ấm đã sứt... nhưng tình đồng chí, nghĩa anh em, đồng đội khiến cái lạnh đầu đông và sự cô quạnh của hai bà cháu trong căn nhà tình nghĩa như có thêm hơi ấm.

Cô Vũ Thị Dung - Chi hội trưởng Hội Cựu TNXP của xã, chú Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch Hội Cựu TNXP của tỉnh, đặc biệt là chú Bùi Hữu Quang - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố - nguyên Đại đội trưởng đơn vị Đường 20 Quyết Thắng, BT14, Đoàn 559 của cô... cứ ríu rít hỏi thăm. Nào là cô khỏe không, thằng Bắc vợ con thế nào, đã làm được hồ sơ công nhận nạn nhân chất độc da cam/dioxin chưa?...

Rồi mọi người cùng bàn cách làm chứng thế nào cho cô bên tập hồ sơ đã ố vàng màu thời gian và lại lặng đi cho tất cả niềm vui, nỗi buồn, sự sẻ chia và những cảm thông sâu sắc khiến cô em út Phạm Thị Thìn trào dâng ký ức tuổi thanh xuân...

Ấy là những năm 1965 - 1966, khi tuyến đường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của bom đạn Mỹ. Cô gái Phạm Thị Thìn quê xã Nam Hoa, Nam Trực, Nam Định trong đơn vị TNXP đường 25, BC29, Binh trạm 14, đoàn 559 được điều vào Trường Sơn mở đường, đảm bảo giao thông trên hệ thống đường bàn cờ, đường Trường Sơn mà đặc biệt là Đường 20 Quyết Thắng.

Tuyến đường mà cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nói: "... là một kỳ quan, kỳ tích do ý chí về độc lập, tự do của chiến sĩ và TNXP Việt Nam làm nên".

Tuyến đường "vắt ngang qua đỉnh Trường Sơn" ấy đã góp phần quan trọng giúp bộ đội ta đưa súng đạn, vũ khí vào đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cô Thìn tâm sự: "Đường 20 Quyết thắng còn ghi dấu tích của Hang 8 cô nay đã đi vào lịch sử. TNXP chúng tôi khi đó chỉ có một quyết tâm dù bom Mỹ dội trên đầu cũng phải thông đường  bằng được cho vũ khí vào Nam. Có những đoạn đường cả đội vừa mới hoàn thành, sáng hôm sau bom Mỹ dội xuống xóa tan hết cả chúng tôi lại phải làm lại. Vì thế mỗi mét đường cho xe đi phải đổ biết bao nhiêu máu, mồ hôi và nước mắt của bộ đội và TNXP".

Hơn 4 năm phục vụ trong chiến trường mưa bom bão đạn ác liệt, ngày đêm trực tiếp tham gia mở đường giữa tâm điểm đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học, cô Thìn đã cùng đồng đội mở 121 km đường từ Phong Nha, Kẻ Bàng tới đất bạn Khăm Muội (Lào).

Rời chiến trường trở về, cô lên Yên Bái xây dựng kinh tế mới và lấy chồng, sinh con. Song, do nhiễm chất độc hóa học mà phải qua 3 lần sinh nở cô mới giữ lại cho mình được mầm sống duy nhất là cháu Ngô Văn Bắc, sinh năm 1978.

Bắc sinh ra dù có hơn các anh chị nó là được sống sót nhưng tâm trí thì lúc khôn, lúc dại khiến người cha nản quá cũng bỏ hai mẹ con mà đi. Sau đó, cháu Bắc lấy vợ nhưng 11 năm trôi qua cũng không thể có con, cô phải xin 1 đứa nhỏ về nuôi cho có thêm bầu bạn.

Song, do cả hai chẳng có việc làm ổn định, đi làm thuê buổi đực, buổi cái, vậy là đại gia đình ấy lại phải trông cả vào cô. Sức khỏe yếu, mắc thêm căn bệnh tiểu đường và thần kinh ngoại biên hành hạ, nghe bạn bè khuyên cô cũng năm, bảy lần về quê xác nhận giấy tờ làm thủ tục nạn nhân chất độc da cam nhưng mãi vẫn chưa được.

Mặc dù trong 17 thương tật, cô đều có xác nhận của cơ quan chức năng, Quân khu II cũng đã cấp cho giấy giới thiệu của đơn vị truyền thống xác nhận cô là bộ đội TNXP Trường Sơn sống trong vùng có chất độc hóa học nhưng hồ sơ cô nộp cho xã, xã bảo đã gửi lên thành phố rồi mà đến giờ "tất cả vẫn bặt vô âm tín".

 Cô kể, ngoài 1,5 triệu đồng đã được hưởng trợ cấp 1 lần duy nhất về chế độ TNXP thì cô chưa được hưởng bất cứ chính sách gì. Đến nay, đã tròn 10 năm cô làm hồ sơ công nhận nhiễm chất độc màu da cam, đã đi lại, kể cả về quê nhiều lần rồi mà vẫn chưa được cấp có thẩm quyền công nhận.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: "Hội sẽ tham mưu với chính quyền các cấp để giúp đồng đội mình bằng cách đứng ra làm nhân chứng lịch sử để mong giúp đồng chí Thìn được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên 540 ngàn đồng/tháng".

Cựu nữ TNXP Phạm Thị Thìn (thứ ba, trái sang) cùng đồng đội trước ngôi nhà tình nghĩa.

Được biết, thành phố Yên Bái có gần 400 hội viên TNXP nhưng vẫn còn gần 20 hộ có hoàn cảnh khó khăn cần được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ như hộ cô Phạm Thị Thìn, cô Đoàn Thị Thúy ở xã Tân Thịnh; bà Phùng Thị Hoa ở phường Hồng Hà...

Tỉnh hội cũng đang đề nghị Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn VinGroup hỗ trợ giúp đỡ cho 5 trường hợp nữ TNXP đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là các bà: Nguyễn Thị Sửu, sinh 1949 ở phường Yên Ninh; Đào Thị Tuất, sinh 1952 ở xã Hồng Ca (Trấn Yên); Bùi Thị Thược, sinh 1948 ở xã Đông An; Trần Thị Nội, sinh 1954 ở xã An Bình (Văn Yên); Nguyễn Thị Hằng ở xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn) đều là những cựu nữ TNXP đã không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương cho đất nước thanh bình hôm nay.

Không chỉ đóng góp công sức, trí tuệ, máu xương và cống hiến cả tuổi thanh xuân cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cùng với TNXP cả nước, trong suốt mấy chục năm qua, hàng ngàn hội viên TNXP của tỉnh Yên Bái đã có mặt ở những địa điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất, lao động quên mình cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, thi đua hoàn thành vượt mức các mục tiêu, kế hoạch lao động sản xuất và khôi phục đất nước.

Với những đóng góp to lớn như vậy nên trong chiến đấu, TNXP được coi như bộ đội, nhưng thực tế hiện nay TNXP cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng vẫn còn nhiều lắm những trường hợp đặc biệt khó khăn, phải vất vả mưu sinh mới ổn định cuộc sống. Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, công cuộc đổi mới đất nước đến nay cũng vừa tròn ba thập kỷ.

Nên chăng, chúng ta cần bù đắp lại bằng chế độ chính sách, bằng sự ưu đãi đặc biệt xứng đáng để cuộc sống của cựu TNXP vơi bớt đi những nhọc nhằn, vất vả.

Để những nỗi đau có tên hay không tên của loại chất độc hóa học quái ác kia chẳng còn nhức nhối giữa thời bình hôm nay. Mong rằng, Đảng và Nhà nước, tổ chức Đoàn và các cấp, các ngành tiếp tục rà soát lại các chính sách liên quan đến lực lượng TNXP để tri ân và tạo điều kiện chăm lo tốt nhất cho cuộc sống của những người lính "không quân hàm" đã cống hiến cả tuổi xuân cho quê hương, đất nước.

Thanh Hương

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục