Trù phú Tĩnh - Mỹ - Hưng

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/11/2016 | 8:16:21 AM

YBĐT - Ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên có 3 thôn Tĩnh Hưng, Khe Năm, Đát Quang được tiếng chăm chỉ làm ăn. Dân địa phương thường gọi đây là vùng Tĩnh - Mỹ - Hưng, nơi có 36% số dân của xã sinh sống.

Những đồi chè vào đông nhưng được thâm canh tốt vẫn cho người dân Khe Năm nguồn thu nhập đáng kể.
Những đồi chè vào đông nhưng được thâm canh tốt vẫn cho người dân Khe Năm nguồn thu nhập đáng kể.

Cái tên như để nhớ tới tên các xã Trực Tĩnh, Mỹ Hưng của tỉnh Nam Định - nơi người dân nghe theo tiếng gọi của Đảng lên miền núi Yên Bái xây dựng vùng kinh tế mới. Hôm nay, Tĩnh - Mỹ - Hưng đã đổi thay, trù phú.

Rời quốc lộ 37, chúng tôi rẽ trái ngược vài trăm mét, cuối đoạn dốc là con đường bê tông thoáng rộng mở ra chạy giữa những đồi chè xanh ngát sắp vào kỳ ngủ đông. Tránh chiếc xe chở gỗ ngược chiều ra phía đường lớn, một loáng đã đến xóm 3.

Đây là vùng có nhiều đất rừng và đất trồng chè của người dân thôn Khe Năm. Người đưa đường cho phóng viên là em Nguyễn Thị Huệ - cán bộ địa chính kinh tế của UBND xã Hưng Khánh. Nhanh nhẹn, hoạt bát, Huệ mau mắn giới thiệu với phóng viên đủ thứ, nhưng nhiều hơn là chuyện sản xuất, chuyện cây chè, cây lấy gỗ.

“Ở đây 10 hộ thì 8, 9 hộ làm chè, anh ạ!” - Huệ khoe vậy. Sau một dơn trò chuyện, vỡ ra rằng những năm 70 của thế kỷ XX, những chàng trai cô gái từ miền xuôi Nam Định xung phong tới đây để xây dựng vùng kinh tế mới. Mà ngày đấy, việc chính là phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chè đen trên địa bàn tỉnh.

Thế rồi họ cứ thế gắn bó với cây chè, sống bằng cây chè, cho dù qua nhiều thăng trầm, nhất là nạn chè vàng cách đây gần chục năm tưởng như người trồng chè hết lối làm ăn, may mà dừng lại kịp.

Nhà máy của Công ty chè Ích Thành đứng trên địa bàn thôn Tĩnh Hưng đã từng là hình ảnh đẹp về liên kết nhà nông với nhà doanh nghiệp ngay trên vùng nguyên liệu cũng phải đóng cửa. Đã có nhiều diện tích chè được trồng thay bằng cây lấy gỗ, nhưng vùng Tĩnh Hưng, Khe Năm, Đát Quang giờ vẫn còn 182ha chè kinh doanh, chiếm đa phần diện tích của xã Hưng Khánh (toàn xã có 210,5ha, chè kinh doanh 186,2ha).

Vào đến xóm 3 của thôn Khe Năm mới thấy lời Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Minh chẳng “bốc lên” là mấy. “Anh vào Tĩnh - Mỹ - Hưng mà xem. Người dân làm chè đã khác trước nhiều, chăm sóc theo quy trình mới nhé, thâm canh đúng kỹ thuật, hái tay rồi thả vào sọt không ấn làm dập búp chè.

Trước đây chè xanh chỉ 30 - 40 ngàn/kg nay thấp cũng 80 ngàn, nhiều hộ bán tới 150 ngàn/kg rồi đấy!” - Chủ tịch Minh nói vậy. Cuối tháng 10 âm lịch nhưng nhiều đồi chè ở đây vẫn xanh mướt búp non. Lánh vào một nương chè ở cuối xóm 3, tôi cảm nhận độ êm mềm của đất dưới chân mình. Dường như mới có sự xới xáo thì phải, hay người ta mới bón phân? Đất chè màu mỡ thế này thảo nào búp chè đông cứ tua tủa lên vậy.

Huệ nhanh nhảu khoe: “Nhìn chè ngủ đông tốt không anh? Diện tích này không đốn đâu nhé, chè đông uống mới đậm, mới có giá. Đây là chè của nhà anh Lâm có cái nhà xây kia kìa”.

Nói rồi chị gọi hai vợ chồng chủ chè đang pha nước trong nhà ra để chụp ảnh theo yêu cầu của phóng viên. Năm bảy sáu, anh Đỗ Văn Lâm ở Trực Mỹ, Trực Ninh (Nam Định) theo bố mẹ lên đây lúc chừng bốn, năm tuổi.

Duyên số, năm chín tư anh kết hôn với chị Vũ Thị Hạt người cùng quê hương và gắn bó với mảnh đất này. Xoay xở với gần 8.000 mét vuông chè và ít rừng trồng, cuộc sống cũng tàm tạm, đủ nuôi con ăn học và tích cóp làm được 3 gian nhà xây vững chãi bên đồi chè.

Anh tâm sự: “Dân ở đây ăn xong là làm chè thôi, giờ thì cứ chè xanh mà làm. Chè nhà tôi mỗi năm nhiều ít khoảng 6 lứa hái. Mỗi lứa làm được 3 tạ chè khô, nếu bán được trăm ngàn một ký là chúng tôi lãi một nửa. Giờ chăm sóc, thu hái cầu kỳ lắm anh ạ!”. Rồi chuyện của Huệ với vợ chồng anh Lâm cứ vậy chẳng dừng.

- Này, anh đã xem dân xã Bảo Hưng làm chè xanh chưa? - Tôi xen vào câu chuyện.

- Tôi xem rồi, được xã và chương trình Vietgap tạo điều kiện, dân tôi đã đi tận Thái Nguyên để xem họ làm chè xanh thế nào rồi?. Hóa ra anh Lâm có con gái học bên Thái Nguyên nên đã tự mình đi riêng vào tận vùng Tân Cương để xem họ làm chè và mua cả cối vò từ bên đó về.

Được biết, sau vụ chè vàng, xã vận động nhân dân địa phương cải tạo diện tích chè, tập trung làm chè xanh theo quy trình sản xuất chè an toàn. Ở thôn Khe Năm đã hình thành một nhóm hộ chế biến chè Vietgap do Trưởng thôn Vũ Xuân Hồng đứng đầu.

Thôn hiện có 213 hộ thì non một nửa làm chè, một nửa trồng rừng và chế biến gỗ. 170ha đất rừng trồng keo, quế, xoan, mỡ đang được luân phiên khai thác; 80ha chè cả cũ cả mới được người dân tập trung thâm canh đã và đang làm cho cuộc sống người dân trở nên khấm khá.

Bên mấy lò quay và cối vò chè vừa lắp đặt, anh Hồng cho hay: “Năm 2006 - 2007, chúng tôi trồng cải tạo, xây dựng vùng nguyên liệu, năm 2013 áp dụng quy trình chế biến chè an toàn. Trước hái liềm, hái máy bán nguyên liệu, mất tháng rưỡi mới có chè, nay làm chè xanh hái tay 30-35 ngày được hái, thu lãi hơn 1,5-1,7 lần trên cùng một diện tích. Giờ ở thôn đã có hộ thu hàng trăm triệu nhờ làm chè rồi!”.

Điển hình phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Vinh có tới 2 ha chè. Hết lứa này đến lứa khác, nguyên liệu của ông Vinh tập trung toàn bộ để chế biến chè xanh. Nhà cao, cửa rộng khang trang của gia đình ông nhờ chè mà có.

Ngoài ông Vinh, còn có các hộ: Ngô Văn Bắc, Ngô Văn Hưng, Mai Văn Bình… Còn trồng rừng và chế biến gỗ nữa chứ, phải kể đến hộ Trần Văn Triệu có tới 5 ha rừng, ông Trần Văn Hùng có hàng chục héc-ta, rồi thêm những cái tên Trần Văn Long, Trần Song Hào, Lê Văn Hà được cả làng, cả xã biết tiếng có của ăn, của để.

Thảo nào nhà xây cứ vậy mọc lên bên những nương chè, dưới những cánh rừng trồng xanh tốt, cả thảy tới gần bảy tám chục cái. Cái đã vôi - sơn sáng sủa, cái còn tường nguyên mộc, chắc chờ tết này mới sơn cho làng quê thêm màu sắc mới. Năm 2015, thôn Khe Năm có 47/213 hộ nghèo nhưng với nỗ lực, cố gắng, dự kiến năm 2016 chỉ còn 17 hộ (theo tiêu chí nghèo đa chiều).

Cuộc sống người dân khấm khá, bà con đã biết chia sẻ cách làm ăn, chung sống đoàn kết cùng nhau xây dựng xóm thôn. Ngay từ năm 2008, được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, thôn Khe Năm đã xây dựng được Nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt chung. Có đến và đi cùng những người dân ở đây mới biết họ đã chủ động, đồng thuận và công bằng trong việc tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là bê tông hóa đường làng, ngõ xóm.

Đường mở ra, nhà dân được xây dựng làm cho vùng Tĩnh - Mỹ - Hưng thêm trù phú.

Trục đường từ quốc lộ 32 vào xóm 3 dài chừng hơn cây rưỡi, năm 2012 các hộ dọc đường, các nhóm hộ có đất canh tác ở khu sản xuất ở cuối xóm 3 hoặc có đường đi qua đã được vận động hiến đất, huy động nhân công để mở rộng, làm nền đường sẵn sàng cùng Nhà nước làm đường. Năm 2014, Nhà nước hỗ trợ sáu mươi, dân góp bốn mươi để bê tông hóa 1.041 mét đường trục rộng 3 mét của thôn, các hộ đồng loạt đóng góp chẳng nề hà.

Nhà anh Đỗ Văn Lâm ở cuối con đường có 5 khẩu, đóng mỗi khẩu hơn 2 triệu cho con đường mà vẫn vui. Vui hơn nữa, chính thôn Khe Năm lại được làm “nhà thầu” thi công con đường. Người dân quán triệt sâu sắc quan điểm: đường làm cho mình đi, chất lượng phải trên hết.

Một viên đá rơi xuống rãnh cũng được nhặt lên, chẳng lãng phí hạt cát, cân xi măng nào. Thế nên vật liệu dự kiến làm được tới 1.109 mét, kéo dài thêm 58 mét - quý hóa biết bao. Đến nay, 4 cây số đường trục chính của thôn đã đổ bê tông được non nửa, có khoảng 3 km trong số gần 10 km đường nội thôn, đường vào khu sản xuất được cứng hóa. Ấy vậy mà hàng năm người dân vẫn tiếp tục đóng quỹ giao thông nông thôn.

“Đến nay, bà con trong thôn đóng quỹ được 185 triệu rồi, chờ có nguồn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước là chúng tôi làm luôn” - Trưởng thôn Hồng hăng hái nói.

Cái cung cách làm ăn chăm chỉ, căn cơ ấy trước kia chỉ người dân miền xuôi ở các thôn Khe Năm, Tĩnh Hưng, Đát Quang mới có. Giờ người dân ở các thôn khác của xã Hưng Khánh cũng ảnh hưởng nhiều. Lòng vòng theo cán bộ Huệ quanh xã mới thấy, ngoài những gia đình giàu có nhờ làm chè ở Tĩnh - Mỹ - Hưng, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều điển hình tập trung vào kinh tế rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng đông đàn và kinh doanh dịch vụ. Chẳng thế mà tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 28% (năm 2015), dự kiến 2016 là 21% và phấn đấu còn 12% vào năm 2017.

30% số dân của xã đã làm cho vùng Tĩnh - Mỹ - Hưng trù phú. Rồi đây không chỉ ở Tĩnh Hưng, Khe Năm, Đát Quang mà người dân ở cả 11 thôn của xã Hưng Khánh sẽ cùng bứt lên mạnh mẽ. Hình ảnh về một nông thôn mới đang dần dần hiển hiện trong nay mai.

Quang Tuấn

Các tin khác
Cô Phạm Thị Thìn (người bế cháu bé) xúc động trong sự sẻ chia, thông cảm của đồng đội.

YBĐT - Trong tổng số 50 vạn thanh niên xung phong (TNXP) trên khắp mọi miền Tổ quốc, tỉnh Yên Bái có gần 1.300 hội viên (chưa tính gần 1.000 hội viên của 2 đơn vị mới được công nhận là TNXP) đã có 46 ngàn đồng chí bị thương, trên 10 ngàn đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học và 10 ngàn đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi xuân phơi phới.

Đồng chí Nông Văn Lịnh (thứ 4 trái sang) - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái trao đổi với người uy tín tiêu biểu trong tỉnh về xây dựng đời sống văn hóa.

YBĐT - Trên 50.000 hộ gia đình; trên 1.000 làng, thôn, bản, tổ dân phố; 300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá và hàng trăm gương điển hình tiêu biểu của các tổ chức, cá nhân trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được tuyên dương, nhân rộng.

Ném còn trong ngày hội xuân ở Suối Giàng.

YBĐT - Chuyển biến từ những việc cụ thể như: trong các đám cưới đã không mở loa đài qua 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng; hầu hết các đám cưới đều tổ chức trong 1 ngày; tiệc mặn chỉ tổ chức gọn nhẹ trong anh em, họ hàng và bạn bè thân thiết…

Mô hình sản phẩm “Thiết bị phơi ván bóc”.

YBĐT - Mới đây, mô hình sản phẩm “Thiết bị phơi ván bóc” đã giúp 2 học sinh Trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình đạt giải Ba - giải cao nhất của tỉnh Yên Bái khi tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh - thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ 12, năm 2016 vừa trao giải tại Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục