Thay nếp nghĩ, đổi cuộc đời

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/4/2017 | 7:18:14 AM

YBĐT - Vài năm trước, Đầu Cầu, xã Xà Hồ có thể gọi là “thôn kỷ lục” với những con số đáng giật mình: gần 100% phụ nữ Mông không biết chữ, 80% hộ đói nghèo. Thôn còn được gọi là “thôn đẻ nhiều” với những gia đình có tới 10 đứa con lít nhít “trứng gà trứng vịt”.

Cán bộ dân số huyện Trạm Tấu tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại tới phụ nữ dân tộc Mông.
Cán bộ dân số huyện Trạm Tấu tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại tới phụ nữ dân tộc Mông.

Từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện Trạm Tấu, con đường độc đạo ngoằn ngoèo đi giữa một bên là điệp trùng mây núi, một bên là thăm thẳm dòng suối Nậm Tung. Thấp thoáng khói bếp trên ngôi nhà ngói mới từ bản Thái, bản Mông yên bình. Bên sườn núi, thửa ruộng không khí hăng say lao động sản xuất, các em nhỏ tíu tít trên con đường bê tông kiên cố đến trường... Trạm Tấu giờ đây đang chuyển mình xua đi đói khổ, lạc hậu, từng bước vươn tới cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Có được sự đổi thay mọi mặt trên non cao Trạm Tấu là do người dân đã tin tưởng đi theo Đảng, thực hiện những chính sách mới của Nhà nước phát triển kinh tế nhờ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng đời sống văn hóa trong đó có việc xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang và nhất là sinh đẻ kế hoạch.

Một ngày tháng 3, chúng tôi có dịp đến các thôn bản vùng cao của huyện Trạm Tấu để mục sở thị về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nơi đây. Cầm lái chiếc xe “Wave chiến” trên con đường ngoằn ngoèo đi thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ, anh Hà Hữu Khoa - Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, vừa tự tin điều khiển xe vừa chuyện: “Thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ hầu hết là đồng bào dân tộc Mông. Cách đây vài năm, Đầu Cầu có thể gọi là “thôn kỷ lục” với những con số đáng giật mình: gần 100% phụ nữ Mông không biết chữ, 80% hộ đói nghèo, cả thôn chỉ có vài em học hết lớp 5, cả thôn có gần trăm nóc nhà thì có tới một nửa là nhà tạm, con cái thất học. Thôn còn được gọi là “thôn đẻ nhiều” với những gia đình có tới 10 đứa con lít nhít “trứng gà trứng vịt”.

Nhưng đó là hình ảnh của những năm trước, của quá khứ còn giờ đây mọi chuyện đã đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm dần, toàn thôn có trên nửa số hộ thực hiện KHHGĐ, số hộ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm nhiều. Trẻ em được đi học, được quan tâm chăm sóc. Đời sống bà con trong thôn được cải thiện, dân no cái bụng, nhiều nhà có của ăn của để, mua xe máy, sắm ti vi để tiếp nhận thông tin, từ đó nhận thức của bà con ngày càng tiến bộ”.

Quả đúng như lời anh Khoa nói, trong ánh nắng vàng như rót mật, trên dọc đường vào thôn, cánh đồng Đầu Cầu hiền hòa với những thửa ruộng bậc thang xếp chồng, phủ kín một màu xanh của lúa đương làm đòng, xen kẽ là những ngôi nhà xây, những đứa trẻ xinh xắn, tíu tít chơi đùa, ngô thóc phơi đầy sân, đầy chái... những hình ảnh cho tôi thấy cuộc sống mới của người dân nơi đây.

Sau hơn 15 phút ngồi xe, anh Khoa chỉ tay về phía ngôi nhà mái tôn màu đỏ: “Đấy là nhà chị Thào Thị Mỷ, người Mông đầu tiên của thôn thực hiện KHHGĐ”. Đang cho lợn ăn thấy có khách, chị Mỷ cười tươi đon đả:

 - Mình đang bận tý, mời mọi người vào nhà đi.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây cấp bốn xây khang trang, còn thơm mùi sơn mới, chị Mỷ bảo, vợ chồng anh chị lấy nhau được 17 năm nay, sinh được một con trai, một con gái. Các con chị đều đã lớn và đang đi học. Cô con gái cả đang học tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc, cậu con trai út học Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Trạm Tấu. Vừa rót nước mời khách chị Mỷ vừa chuyện rồi tếu:

- Tuổi mình chắc vẫn đẻ được cán bộ nhỉ! Các con đi học hết rồi, cũng buồn, thèm tiếng trẻ, đang bảo hay đẻ thêm cho vui cửa vui nhà đây”. Nói rồi chị cười lớn. Nghe vậy tôi cũng hùa theo:

- Tuổi chị vẫn đẻ tốt mà!

- Nói đùa thôi. Cán bộ Khoa đến tận nhà vận động, tuyên truyền mãi rồi, mình hiểu được đẻ nhiều con thì sẽ vất vả nên chỉ sinh 2 con để có điều kiện chăm sóc chồng, con. Bây giờ hiện đại rồi, người Mông mình không đẻ nhiều con như ngày xưa nữa mà bảo nhau đẻ ít con để tập trung phát triển kinh tế.

Những lời nói của chị Mỷ nghe thì đơn giản thế nhưng tôi hiểu đó là cả một sự thay đổi lớn trong tư tưởng, trong suy nghĩ của người phụ nữ dân tộc Mông nơi này. Chị Mỷ tâm sự thêm: “Ngày xưa, cũng chỉ vì đẻ nhiều mà dù làm lụng vất vả bố mẹ mình vẫn nghèo, vẫn đói, mình không được đi học.

Rồi muốn mở rộng chăn nuôi nhưng mình không dám làm vì không có kiến thức, không biết chữ để học hỏi từ sách, báo nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn thôi”. Đó dường như là sự thấm thía về cái vòng luẩn quẩn đông con, đói nghèo đeo đẳng từ thời cha ông mình mà giờ đây chị Mỷ hiểu không thể lặp lại.

Tạm biệt gia đình chị Mỷ, anh Khoa dẫn chúng tôi tới thăm chị Giàng Thị Thỉ, sinh năm 1991 cũng ở thôn Đầu Cầu, chị vừa sinh cô con gái thứ 2. Ngồi ôm con bên bếp lửa, chị Thỉ tâm sự: “Vợ chồng mình lấy nhau được 4 năm, sinh con đầu lòng là gái, vừa sinh đứa thứ hai này cũng là con gái. Cháu mới sinh được có 6 tháng thôi mà bố mẹ chồng đã có ý bảo để cho con cứng cáp, sang năm hai vợ chồng cố đẻ thêm cho ông bà đứa cháu trai. Mình thì không muốn đẻ nữa! Vì dù trai, hay gái chỉ đẻ hai con thôi. Nhưng không nghe theo bố mẹ thì sợ mang tội bất hiếu, mà cũng sợ chồng nghe theo bố mẹ bắt đẻ thêm con. Nhưng cũng may là chồng mình thương vợ, thương con nên cũng đồng quan điểm là không sinh thêm con nữa. Anh đã động viên, thuyết phục bố mẹ, lúc đầu bố mẹ cũng giận vợ chồng mình lắm, sau ông bà cũng ưng cái bụng, giờ ông bà trông con cho vợ chồng mình làm ăn rồi!”.

Không chỉ có gia đình chị Mỷ, chị Thỉ mà nhiều gia đình khác ở thôn Đầu Cầu cũng nhờ thực hiện tốt chính sách dân số, đẻ ít con để tập trung trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn có những đổi thay tích cực không chỉ nhờ các cộng tác viên dân số mà còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Chính họ là người trực tiếp tuyên truyền, vận động, thay đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm của bà con và cũng là những tấm gương sáng thực hiện nếp sống văn minh để người dân làm theo.

Anh Hờ A Vang - Trưởng thôn Đầu Cầu chia sẻ: “Khi cán bộ dân số tuyên truyền, mình đã thông báo để bà con đến nghe, hiểu. Trong các buổi họp thôn, mình đều lồng ghép tuyên truyền, quán triệt để các hộ không có tư tưởng sinh con thứ 3. Vì vậy, tình trạng sinh con thứ ba trong thôn giảm dần, phụ nữ người Mông giờ đã biết làm ăn và chăm lo cho gia đình hơn chứ không phải như ngày xưa chỉ ở nhà đẻ con và giặt giũ, lấy củi, làm nương”.

Cùng với xã Xà Hồ, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trạm Tấu những năm gần đây đều thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Có được thành công này chính là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Hàng năm tại các thôn bản, nhân dân đều tự giác thực hiện chính sách dân số. Đó được xem như một kỳ tích, một một cuộc cách mạng ở nơi vùng cao này bởi việc thay đổi quan niệm “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, phải có con trai để nõi dõi tông đường... với vùng thấp đã khó nhưng với vùng cao còn khó hơn gấp bội phần.

Những năm qua, anh Khoa cũng như nhiều thế hệ cán bộ làm công tác dân số của Trạm Tấu không thể nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến xuống cơ sở, đi từng nhà, rà từng ngõ để tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích khi thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Trong 5 năm 2011 - 2016, huyện Trạm Tấu đã xây dựng mô hình “Không sinh con thứ 3 trở lên” tại thị trấn Trạm Tấu và các xã lân cận, duy trì mô hình “Giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Can thiệp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của huyện về đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ; tổ chức tuần cao điểm lồng ghép với hoạt động tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có từ 1 - 2 con trở lên chưa thực hiện các biện pháp KHHGĐ; tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số đến các thôn, bản, hộ gia đình; kiện toàn ổn định mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số các xã, thị trấn.

Tổ chức thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nội dung trong chương trình mục tiêu quốc gia về dân số; chỉ đạo thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn các xã, thị trấn, nhất là giám sát việc thực hiện của cán bộ, đảng viên ở các xã vùng cao...

Bởi vậy, nếu như năm 2011 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên địa bàn huyện Trạm Tấu là 2,02% thì năm 2016 là 1,7%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 28,8% thì năm 2016 giảm còn 23,6%. “Cán bộ dân số đã bỏ ra nhiều công sức lắm đấy nhà báo ạ! Từ việc tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, đến tổ chức các cuộc họp thôn, bản chúng tôi đều phải tranh thủ thời điểm nông nhàn, buổi tối đến vì người dân còn phải lên nương, làm ruộng” - anh Khoa nói với tôi.

Xã gần như Bản Công, Hát Lừu đi tuyên truyền thì đỡ chứ đi Làng Nhì, Tà Xi Láng, Túc Đán, hay thôn Tà Chư, Háng Tâu, Tống Trong, Tống Ngoài... thì vất vả vô cùng. Kiên trì thực hiện phương châm “Mưa dầm thấm lâu” những người làm công tác dân số Trạm Tấu đã có được thành quả từ chính sự nỗ lực của mình. Hạnh phúc hơn là công sức của các anh, các chị đã góp phần xây dựng hạnh phúc, ấm no cho biết bao gia đình.

Dù rằng tình trạng sinh con thứ 3 ở Trạm Tấu nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống vẫn chưa thể thay đổi triệt để, tuy nhiên nhận thức của bà con đã dần thay đổi, nhất là thế hệ trẻ. Họ đã ý thức được việc sinh đẻ có kế hoạch và chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số thôn, bản đã duy trì và thực hiện tốt chính sách dân số, nhiều năm liền không xảy ra tình trạng sinh con thứ 3. Đó là tín hiệu đáng mừng cho công tác dân số ở huyện vùng cao này.

Thu Hiền

Các tin khác
Anh Thuần đang chăm sóc bồ câu.

YBĐT - Trong khi chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, nhiều người chăn nuôi bỏ chuồng trại thì mô hình nuôi bồ câu Pháp của anh Nguyễn Văn Thuần sinh năm 1987 được mọi người gọi là "Thuần bồ câu" ở thôn Tân An, xã Đại Phác, huyện Văn Yên đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hát Xịnh ca trong đám hỏi của người Cao Lan huyện Yên Bình.

YBĐT - Đã đến ăn gừng thì không sợ cay/ Đã định lội sông, không có thuyền vẫn lội/ Đã yêu em rồi, nhà không có tiền, anh bán ruộng vì em…

Tổ công tác liên ngành tuyên truyền cho các hộ dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về hành lang ATGT đường bộ.

YBĐT - Văn Yên đang là địa phương đầu tiên trong tỉnh đi tiên phong chấn chỉnh mỹ quan đô thị văn minh, sạch đẹp và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Đồi sa mộc 5 năm tuổi trên địa bàn thôn 5, xã Nà Hẩu phát triển nhanh, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương.

YBĐT - Lên Nà Hẩu. Một đoạn đường, bên tay trái, dãy sa mộc khiến bất cứ ai cũng có cảm giác như đang bắt đầu vào thị trấn Sa Pa mờ sương của Lào Cai nếu từng một lần đã đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục