Xây dựng nông thôn mới từ lòng dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/4/2017 | 6:36:07 AM
YBĐT - Nổi bật là phong trào hiến đất làm đường trong nhiều năm qua. Từ năm 2011 - 2016, nhân dân trong huyện đã hiến trên 16 ha đất, đóng góp hàng tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa...
Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Văn Yên thăm công trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã Yên Hợp.
|
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm các xã được huyện Văn Yên đưa vào kế hoạch, lộ trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2016 -2020.
Đến các xã: Yên Hợp, Yên Phú, An Thịnh... chúng tôi lại gặp những người dân cùng với công nhân, nông dân thi đua lao động trên các mô hình kinh tế; thi công trường học, trạm y tế, bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT)... để hoàn thành nốt những tiêu chí còn lại, hướng tới xây dựng địa phương được công nhận xã đạt chuẩn NTM trong năm 2017.
Trên tuyến đường liên xã Yên Hợp - Yên Phú, đồng chí Vũ Quang Hải - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên trao đổi: Tuyến đường từ thôn Cánh Tiên đến thôn Giàn Khế, xã Yên Phú nối với thôn Khe Hóp, xã Yên Hợp có chiều dài hơn 7 km. Những năm trước đây, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân hai xã đã bê tông hóa được 5,6 km, còn 2,5 km đường đi lại rất khó khăn, nhất là khi trời mưa, đường sạt tắc vài ngày không đi được.
Đầu năm 2015, huyện bố trí nguồn ngân sách cho xã Yên Phú bê tông hóa 1,5 km và xã Yên Hợp 1 km nối tuyến đường từ thôn Cánh Tiên, Giàn Khế (Yên Phú) với thôn Khe Hóp (Yên Hợp). Nhân dân hai xã rất phấn khởi, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công bê tông hóa, hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 6/2015.
Năm 2017, huyện bố trí các nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho ba xã Yên Hợp, Yên Phú và An Thịnh 3,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp khoảng 1,1 tỷ đồng để bê tông hóa trên 8 km đường GTNT; đầu tư cho xã Yên Phú 3,5 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non Yên Phú và sửa chữa, nâng cấp Trường Tiểu học và THCS Yên Phú; Yên Hợp được đầu tư 2,1 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp Trường Tiểu học và THCS; đầu tư cho xã An Thịnh 4 tỷ 350 triệu đồng xây dựng công trình sân vận động, khu xử lý rác thải và cải tạo nâng cấp chợ An Thịnh...
Quan điểm chỉ đạo thực hiện chương trình XDNTM của huyện đối với các xã là thực hiện tiêu chí nào chắc đó và phải có tính bền vững, không chạy theo thành tích. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2017, huyện có thêm hai xã Yên Phú và Yên Hợp sẽ hoàn thành 19 tiêu chí và đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM; xã An Thịnh, hoàn thành và đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM và cuối năm nay - đồng chí Vũ Quang Hải thông tin thêm.
Bám sát mục tiêu phấn đấu, tại xã Yên Phú, nhân dân đang tích cực bê tông các tuyến đường GTNT, xây dựng, sửa chữa nâng cấp trường học... Không khí thi đua lao động hết sức sôi nổi.
Đồng chí Ngô Quyết Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay, xã Yên Phú đã hoàn thành được 14/19 tiêu chí XDNTM, còn tiêu chí số 2 (đường giao thông), huyện đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ vật liệu chính, xã huy động nhân dân đóng góp tiền của, công lao động để bê tông hóa nốt 170 m đường trục xã; 1.380 m đường trục thôn, 690 m đường ngõ xóm và 2,2 km đường nội đồng; xây dựng hệ thống thoát nước chống ngập khu dân cư thôn Yên Tiên và Cánh Tiên dài 1,7 km; đang hoàn thành tiêu chí số 5 (về trường học); tiêu chí số 6 (về cơ sở vật chất văn hóa), đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã, xây dựng mới nhà văn hóa thôn Tân Thịnh và thôn Đồng Sắn; mở rộng nâng cấp sân vận động trung tâm xã... Bên cạnh đó, xã tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ từ chính sách xóa đói giảm nghèo, các chính sách về nhà ở để hỗ trợ 56 hộ xóa nhà dột nát, hoàn thành tiêu chí số 9 (về nhà ở dân cư); tuyên truyền, vận động nhân dân tích cự tham gia bảo hiểm y tế, hoàn thành tiêu chí 15 (về y tế)... để sớm được công nhận xã đạt chuẩn NTM”.
Rời xã Yên Phú, chúng tôi theo tuyến đường liên xã từ thôn Cánh Tiên đến thôn Giàn Khế, xã Yên Phú nối với thôn Khe Hóp, xã Yên Hợp dài khoảng trên 7 km đã được bê tông hóa đưa vào sử dụng được hơn một năm. Đến đâu cũng gặp bà con chở các sản phẩm: vỏ quế, gỗ rừng trồng, lợn, gà, các loại rau, củ, quả... đưa về chợ thị trấn Mậu A, về chợ trung tâm cụm xã (Xuân Ái) để tiêu thụ.
Nhìn cảnh bà con không phải đi trên những con đường lầy lội khi trời mưa sạt lở, tắc đường như những năm trước đây, càng thấy được ý nghĩa to lớn của Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang đồng thuận cùng thực hiện để giúp người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách nông thôn với thành thị.
Tôi đang mải mường tượng những việc mà nhân dân ở Yên Phú đã và đang làm theo một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bền vững cho chính họ thì đã về tới gần trung tâm xã Yên Hợp.
Biết chúng tôi tới tìm hiểu về XDNTM mà xã đang phấn đấu hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2017, đồng chí Bùi Xuân Thành - Chủ tịch UBND xã Yên Hợp đã chờ sẵn tại thôn Yên Thành để đưa đi thăm các công trình mà người dân và công nhân đang gấp rút thi công, hoàn thành theo tiến độ đã hợp đồng.
Trên đường đến thăm, động viên các hộ dân trong xã đã hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi, anh Thành cho biết: “Thực hiện chương trình XDNTM, đến hết năm 2016, Yên Hợp đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, còn lại là tiêu chí số 2 (về giao thông); tiêu chí số 6 (về cơ sở vật chất văn hóa); tiêu chí số 11 (về hộ nghèo); tiêu chí số 13 (về hình thức tổ chức sản xuất); tiêu chí số 17 (về môi trường và an toàn thực phẩm).
Trong năm 2016, huyện đã bố trí các nguồn lực đầu tư cho xã 5.134 triệu đồng, đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn Chè 3; xây dựng sân vận động trung tâm xã; xây dựng khu xử lý rác thải trung tâm xã; cải tạo xây mới Trạm Y tế xã; xây dựng chợ trung tâm xã; kiên cố đường GTNT...
Năm 2017, huyện tiếp tục đầu tư 2 tỷ 100 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp Trường Tiểu học và THCS xã Yên Hợp. Được huyện quan tâm đầu tư các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí, cán bộ và nhân dân trong xã rất phấn khởi. Nhiều hộ tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu để làm đường GTNT, xây nhà văn hóa thôn như hộ ông Nguyễn Chí Giáp ở thôn Đầu Nối hiến 700 m2; Lê Văn Bốn ở thôn Yên Dũng 1, hiến 500 m2; Bùi Văn Hội, Nguyễn Văn Vị ở thôn Yên Thịnh, mỗi hộ hiến trên 400 m2...”.
Trò chuyện với ông Trần Văn Dung ở thôn Yên Thành, tôi hỏi: “Ở đây hộ nào hiến nhiều đất nhất để làm đường GTNT?”.
Ông Dung trả lời ngay: "Để mở rộng tuyến đường nội thôn và liên thôn Yên Thành với các thôn khác thì có rất nhiều hộ hiến đất, nhưng hiến nhiều thì có gia đình tôi 600 m2; gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ 400 m2; Nguyễn Ngọc Tuấn 300 m2.
“Gia đình nhà bác hiến 600 m2 đất vườn tạp, trị giá bao nhiêu tiền?” - tôi hỏi.
Ông Dung bày tỏ: "Tôi hiến 2 lần. Một lần làm đường nội thôn và một lần làm đường liên thôn Yên Thành đi Đầu Nối. Đất đã trồng quế được vài năm, tôi chặt bỏ đi để hiến đất làm đường cho bà con đi rộng rãi hơn. Trị giá 600 m2 đất của tôi bây giờ khoảng trên 150 triệu đồng. Nhiều lúc vợ, con cũng tiếc, nhưng tôi khuyên bảo, mình hiến đất làm đường cho bà con cùng đi, gia đình mình cũng được hưởng lợi, không có gì phải tiếc cả".
Thực tế, phong trào hiến đất làm đường GTNT ở Văn Yên rất sôi nổi trong nhiều năm qua. Từ năm 2011 - 2016, nhân dân trong huyện đã hiến trên 16 ha đất, đóng góp hàng tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động để làm đường GTNT, nhà văn hóa... Chưa kể các nguồn vốn xã hội hóa khác đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 26 xã trong huyện, để các xã có những công trình phúc lợi phục vụ đời sống của nhân dân tốt hơn...
Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình XDNTM, bộ mặt nông thôn của huyện Văn Yên đã có nhiều khởi sắc. Tính đến hết năm 2016, huyện có 26/26 xã đã hoàn thành 5 tiêu chí; 11 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, bình quân mỗi xã tăng được 2 - 3 tiêu chí/năm.
Đến hết năm 2016, huyện đã có 4 xã gồm: Đại Phác, Yên Hưng, Đông Cuông và Xuân Ái, hoàn thành 19 tiêu chí XDNTM và đón nhận Bằng đạt chuẩn NTM. Trong giai đoạn 2017 - 2020, huyện Văn Yên phấn đấu có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, riêng năm 2017, phấn đấu xã Yên Phú, Yên Hợp và An Thịnh đạt chuẩn NTM.
Chương trình XDNTM đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông dân và nông thôn của huyện Văn Yên; đời sống của nhân dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn được nâng lên rõ rệt. Đây là động lực để nhân dân các xã trong huyện đồng thuận thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNT trong những năm tiếp theo.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Cánh rừng quế bạt ngàn hơn 30 ha mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng là thành quả lao động mà “đại gia đình nông dân” ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã đạt được nhờ sự cần cù lao động và tinh thần đoàn kết làm giàu luôn thôi thúc trong họ.
YBĐT - Từng bước khắc phục những khó khăn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng Ca đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Hồng Ca có những vùng sản xuất măng tre Bát độ, cây ăn quả, chè...
YBĐT - 68 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, 18 năm làm Bí thư Chi bộ thôn, sống trong dân, ở gần dân, phải làm gì, làm thế nào để lo tròn công việc Đảng giao, để dân tin, dân nghe, dân làm theo Đảng, chính là phong cách riêng của nữ Bí thư Chi bộ thôn Đồng Trạng mà không phải vị "thủ lĩnh chi bộ" nào cũng có được.
YBĐT - Con đường bê tông dài 1 km, với kinh phí trên 760 triệu đồng, trong đó Nhà nước cấp 500 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng đã hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của người dân thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân (Trấn Yên).